Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích nguyên nhân dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ

NDO - Bộ trưởng Giao thông vận tải nêu rõ, sự thay đổi nhân sự chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án là nguyên nhân chủ quan khiến dự án sân bay Long Thành chậm trễ.
0:00 / 0:00
0:00

Sáng 9/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc điều chỉnh một số nội dung liên quan tới dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Không thể không kéo dài dự án

Bày tỏ quan điểm về việc nhiều đại biểu không hài lòng về tiến độ của dự án, đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương) cho rằng, các dự án lớn trước nay, không có dự án nào là không chậm tiến độ.

“Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng không ngoại lệ” - đại biểu Huân nói. Do vậy, đại biểu bày tỏ nhất trí với đề xuất kéo dài thời gian giải ngân vốn đầu tư công đến 2024. Bởi thời gian kéo dài như vậy cũng không ảnh hưởng gì đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án.

Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích nguyên nhân dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ ảnh 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (đoàn Bình Dương). (Ảnh: Thuỷ Nguyên)

Tuy nhiên, đại biểu Huân cho rằng, vấn đề tiến độ các dự án là thuộc công tác điều hành của Chính phủ. "Do vậy, đối với các dự án tương tự, đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc về thẩm quyền, hoặc nếu thực sự phải thực hiện Nghị quyết Quốc hội đối với các dự án như thế này thì Quốc hội nên ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cơ quan thường trực của Quốc hội xem xét", đại biểu Huân nêu quan điểm.

Trước đây, Quốc hội khóa XIII đã ban hành chủ trương đầu tư dự án tái định cư sân bay Long Thành. Nghị quyết số 26 năm 2016 của Quốc hội khóa XIV chủ trương cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng thành một dự án riêng để giải quyết.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Huân, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, Nghị quyết 26 quy định cho chủ trương nhưng yêu cầu phải báo cáo nghiên cứu khả thi trình Quốc hội. Sau đó, Quốc hội phê duyệt Nghị quyết 53, Báo cáo nghiên cứu khả thi quy định thời gian giải phóng mặt bằng đến năm 2021 phải hoàn thành.

Do đó, đòi hỏi Quốc hội phải xem xét kỹ càng hơn. Và Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi nên dẫn đến tình trạng “sửa một chút cũng phải trình Quốc hội".

Trong khi đó, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, Dự án này lại thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: “Dự án này không thể dừng lại được”.

Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích nguyên nhân dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ ảnh 2

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam). (Ảnh: Thủy Nguyên)

Vì vậy, đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị nghiên cứu phương án: Quốc hội cho chủ trương kéo dài dự án này đến năm 2025 để trùng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Các vấn đề còn lại thì do Chính phủ quyết định.

Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, theo tờ trình của Chính phủ, nguyên nhân tăng, giảm tổng mức đầu tư của dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trình bày chi tiết trong báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh.

Qua nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng

Về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, bộ trưởng cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan như cơ quan chủ trì trình, báo cáo của Chính phủ cũng nêu rõ nguyên nhân chủ quan là do nhân sự chủ chốt của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai trong thời gian thực hiện dự án có nhiều thay đổi.

Thủ tục lập quy hoạch tái định cư, thiết kế đấu thầu kéo dài và lực lượng lao động khan hiếm sau giãn cách của đại dịch Covid-19, ảnh hưởng đến tiến độ thi công các gói thầu xây dựng…

Theo Bộ trưởng, qua nghiên cứu báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, có thể thấy trong quá trình triển khai thực hiện kể từ khi Quốc hội có quyết định phê duyệt chủ trương, các bước phê duyệt dự án có nhiều vướng mắc.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau góp ý của các đại biểu Quốc hội, Chính phủ sẽ tiếp tục đánh giá, xác định các nguyên nhân chủ quan để từ đó rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục triệt để trong thời gian tới.

Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích nguyên nhân dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ ảnh 3

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Tỉnh đã bàn giao 100% mặt bằng giai đoạn 1 cho Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) triển khai dự án. Phần diện tích còn lại gần 24% là thuộc giai đoạn 2 nên việc giải phóng mặt bằng diện tích còn lại không ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Giải thích rõ hơn về tiến độ dự án xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, Bộ trưởng Thắng cho biết, gói thầu xây dựng nhà ga hành khách là phần quan trọng nhất quyết định tiến độ dự án. Sau nhiều khó khăn, nay đã lựa chọn được nhà thầu và đã khởi công ngày 31/8/2023.

Theo hợp đồng, thời gian thi công là 39 tháng, dự án sẽ hoàn thành vào khoảng tháng 10-11/2026. Nếu theo tiến độ này chậm hơn 1 năm so với yêu cầu của Quốc hội.

Bộ trưởng Giao thông vận tải giải thích nguyên nhân dự án sân bay Long Thành chậm tiến độ ảnh 4

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng. (Ảnh: Thủy Nguyên)

Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu rõ chủ đầu tư đang chỉ đạo rất quyết liệt các nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu nếu hoàn thành trong năm 2025 là tốt nhất.

“Nếu dự án thành phần nhà ga có chậm tiến độ tháng nào thì Bộ Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho Chính phủ để báo cáo với Quốc hội” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.

Về giải pháp triển khai xử lý dứt điểm các nội dung còn tồn tại sau khi được Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục phối hợp Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để khẩn trương có các giải pháp xử lý dứt điểm.

Về kéo dài thời gian giải ngân vốn, Bộ trưởng nêu rõ đây là nội dung các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, có nhiều ý kiến đóng góp. Trong đó, các đại biểu đều mong muốn tìm ra giải pháp tốt nhất cho việc thực hiện dự án.

Bốn nội dung đề xuất điều chỉnh:

Thứ nhất, giảm tổng mức đầu tư dự án từ 22.938 tỷ đồng xuống 19.207,504 tỷ đồng (giảm 3.730,496 tỷ đồng).

Thứ hai, điều chỉnh diện tích đất thu hồi là 5.317,35ha (giảm 82ha). Trong đó, diện tích đất của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là 5.000ha, diện tích đất khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn là 284,7ha (tăng 2,35ha).

Tăng diện tích đất tái lập hạ tầng ngoài ranh giới Cảng hàng không quốc tế Long Thành 32,65ha; giảm không thực hiện đầu tư đối với diện tích đất phân khu III - khu dân cư, tái định cư Bình Sơn 97ha và giảm diện tích đất khu nghĩa trang 20ha.

Thứ ba, gia hạn thời gian thực hiện dự án đến hết năm 2024.

Thứ tư, bổ sung nội dung bố trí tái định cư các hộ dân thuộc hai tuyến giao thông kết nối T1, T2 vào khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn.