Tiến độ triển khai chậm “rất đáng báo động”
Chiều 27/10, theo chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.
Phát biểu thảo luận tại Tổ 8, đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ lo lắng cho tiến độ của dự án hiện nay đang rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, trong khi Nghị quyết số 53/2017/QH14 có đề cập “việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021”.
Đến thời điểm hiện nay, Chính phủ lại đề nghị kéo dài thời gian triển khai đến năm 2024, tức chậm 3 năm so với tiến độ đề ra, theo đại biểu Yên đây là một điều “rất đáng báo động”.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) phát biểu thảo luận tại Tổ 8. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
“Đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, được các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội đặc biệt quan tâm. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng tiến độ triển khai vẫn còn rất chậm. Đó là vấn đề rất lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước”, đại biểu cho biết
Đại biểu tỉnh Điện Biên nêu rõ, cũng chính vì chậm tiến độ mà dẫn đến tình trạng Kho bạc Nhà nước đã dừng việc giải ngân cho dự án do tiến độ dự án (2017-2021) đã kết thúc.
Từ đó, đại biểu đề nghị Quốc hội cần có những điều chỉnh tương ứng so với Nghị quyết số 53/2017/QH14 để hoàn thành trọn vẹn công tác thu hồi đất cho toàn bộ 5.000ha và bàn giao toàn bộ mặt bằng giai đoạn 1.
Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu thảo luận tại Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Chung quan điểm, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cơ bản nhất trí với Báo cáo thẩm tra Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành và việc xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành Nghị quyết riêng về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14.
Đại biểu cho rằng việc Chính phủ kiến nghị Quốc hội điều chỉnh thời gian thực hiện dự án và cho phép kéo dài thời gian giải ngân vốn, chứng tỏ "tiến độ của dự án còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc". Nguyên nhân chính là do tiến độ triển khai thực hiện dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện chậm.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có đánh giá sâu hơn về nguyên nhân tại sao tiến độ dự án chậm, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan, đồng thời đưa ra giải pháp chỉ đạo quyết liệt hơn để thực hiện dự án để không có việc có thể Quốc hội lại phải xem xét “điều chỉnh thời gian, cũng như điều chỉnh nguồn vốn thực hiện dự án” ở các hạng mục khác ở các giai đoạn tiếp theo.
Bảo đảm hiệu quả của dự án và quyền lợi hợp pháp của người dân
Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp chiều 27/10. (Ảnh: DUY LINH) |
Theo đại biểu Yên, việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án cũng nên có kèm theo giải trình cụ thể trách nhiệm của cá nhân và tổ chức có liên quan trong tổng thể đánh giá việc thực thi pháp luật, bảo đảm hiệu quả của dự án, lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của dự án, nhất là khi Chính phủ đề nghị điều chỉnh về thời gian thực hiện dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021.
Đại biểu đề nghị các cơ quan liên quan cần hết sức lưu ý tới vấn đề thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định, bởi đây là dự án quan trọng quốc gia do Nhà nước đầu tư, nên tất cả các vấn đề liên quan đến quyền lợi của người dân trong vùng dự án phải được ưu tiên hàng đầu, tránh để xảy ra tình trạng khiếu kiện đông người.
Đại biểu cũng đề nghị chính quyền địa phương, chủ đầu tư cần làm việc cụ thể với từng gia đình, để lắng nghe, thuyết phục, giải quyết thấu đáo quyền lợi cho bà con, coi đó như là việc của gia đình, anh em họ hàng mình.
Ngoài ra, cũng cần có giải pháp, có lộ trình cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các dự án công trình xã hội Khu dân cư, tái định cư tại xã Lộc An-Bình Sơn vào khai thác, sử dụng để đáp ứng nhu cầu đời sống cho nhân dân.
Từ nay đến hết năm 2024, chỉ còn hơn 1 năm nữa nhưng theo báo cáo, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành với nhiều nội dung còn dang dở, chậm tiến độ và rất nhiều nguyên nhân, khó khăn.
Do đó, đại biểu Yên đề nghị cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, hiệu quả của việc điều chỉnh thời gian thực hiện dự án khi thời gian từ nay đến hết năm 2024. Nếu được Quốc hội thông qua chủ trương cho kéo dài thời gian thực hiện dự án thì cần phải có giải pháp quyết liệt để hoàn thành dự án theo đúng thời gian quy định.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận Tổ 5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN) |
Bày tỏ đồng tình với các lý do như Chính phủ đã nêu tại tờ trình về việc kéo dài thời gian thực hiện dự án và giải ngân đến hết năm 2024, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cũng cho rằng việc điều chỉnh này là cần thiết để bảo đảm thời gian thực hiện hoàn thành dự án, tiết kiệm quỹ đất và kinh phí đầu tư.
Để việc điều chỉnh và triển khai dự án này trong thời gian tới bảo đảm tiến độ, mục tiêu và chất lượng đầu tư, đại biểu Thắng đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai - chủ đầu tư dự án khẩn trương rà soát bố trí tái định cư cho các hộ đủ điều kiện, đồng thời có giải pháp bảo đảm điều kiện sống cho người dân có đất bị thu hồi nhưng không đủ điều kiện bố trí tái định cư.
Về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống người dân là một nội dung rất quan trọng của Dự án. Tuy nhiên, đến nay theo Tờ trình của Chính phủ, kết quả công tác này mới dừng lại ở bước điều tra, khảo sát nhu cầu, tiếp nhận hồ sơ đăng ký, tổ chức thống kê danh sách để tuyên truyền.
Do đó, đại biểu đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai rà soát việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án giải quyết việc làm và tổ chức lại cuộc sống của người dân thuộc diện di dời, giải tỏa theo khoản 4 Điều 3 Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội.