Nan giải đối phó làn sóng người di cư bất hợp pháp

Mỹ điều động quân đội đến khu vực biên giới giáp Mexico đối phó làn sóng người di cư bất hợp pháp. Trong khi đó, Đức cân nhắc điều chỉnh chính sách nhập cư theo hướng cứng rắn, qua đó có thể trục xuất số lượng lớn người bị từ chối tị nạn.
0:00 / 0:00
0:00
Quân đội Mỹ dựng hàng rào ngăn người di cư tại biên giới với Mexico. Ảnh: CNN
Quân đội Mỹ dựng hàng rào ngăn người di cư tại biên giới với Mexico. Ảnh: CNN

Đối phó làn sóng di cư

Chính phủ liên bang Mỹ và chính quyền bang Texas điều động lực lượng bổ sung tới khu vực biên giới với Mexico nhằm ứng phó làn sóng người di cư được dự báo tăng cao sau khi Washington dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch Covid-19 trong tuần này.

Từ đêm 11/5, Mỹ dừng áp dụng chính sách hạn chế nhập cư qua biên giới trên bộ với Mexico vốn được áp dụng để ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch Covid-19, còn gọi là Điều

khoản 42. Điều khoản này cho phép lực lượng an ninh biên giới Mỹ từ chối người di cư nhập cảnh để xin tị nạn nước này vì lý do dịch bệnh. Việc điều khoản hết hiệu lực được dự báo sẽ dẫn tới làn sóng người di cư từ nhiều nơi tìm cách vượt biên giới Mexico sang Mỹ. Điều khoản 42 sẽ được thay thế bằng một quy định mới mà chính quyền của Tổng thống Joe Biden gọi là “những con đường nhập cư hợp pháp” cho người xin tị nạn đáp ứng các yêu cầu nhưng cũng bao gồm các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc với người di cư bất hợp pháp.

Để chuẩn bị ứng phó kịch bản này, chính quyền Mỹ huy động 1.500 binh lính bổ sung cho các nhiệm vụ bảo vệ biên giới. Hàng trăm điều tra viên chuyên trách và cảnh sát từ Bộ An ninh nội địa Mỹ cũng được huy động đến các khu vực biên giới để thực hiện nhiệm vụ.

Theo đó, từ 250-300 đặc vụ của Cơ quan thực thi Luật nhập cư và Hải quan (ICE) sẽ được tăng cường tới biên giới và khoảng 180 cảnh sát thuộc Hội đồng Cảnh sát hàng không quốc gia cũng được triển khai cho nhiệm vụ này. Trong khi đó, Thống đốc bang Texas Gregg Abbot chỉ đạo huy động hàng trăm binh lính thuộc lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ tăng cường tới khu vực biên giới với Mexico.

Theo Thống đốc Gregg Abbot, lực lượng Vệ binh quốc gia đang điều động các nguồn lực cần thiết, trong đó có trực thăng Blackhawk, C-130 và triển khai lực lượng tinh nhuệ tăng cường cho các lực lượng chiến thuật biên giới Texas tại những điểm nóng dọc biên giới, sẵn sàng ngăn chặn những nhóm người di cư quy mô lớn tìm cách xâm nhập trái phép.

Siết chặt 3.100km biên giới

Các thị trấn dọc đường biên giới kéo dài 3.100km giữa Mỹ và Mexico cũng chuẩn bị sẵn sàng ứng phó tình huống có hàng nghìn người di cư tìm cách vượt biên vào Mỹ mỗi ngày. Các thành phố ở bang Texas gồm El Paso, Brownsville và Laredo mới ban bố tình trạng khẩn cấp khi ghi nhận hàng trăm người di cư, chủ yếu là từ khu vực Mỹ latin, đã đến vùng biên giới. Trước đó, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador nhận định, số người di cư vượt biên từ nước này đến Mỹ sẽ không tăng đột biến sau ngày 11/5 vì hiện nay, người có ý định di cư từ các khu vực Trung Mỹ đã có thể khai báo trực tuyến các thủ tục nhập cảnh mà không cần đến biên giới Mexico-Mỹ. Tổng thống Obrador cho biết, Mexico đang đẩy mạnh chiến dịch tuyên truyền tới người di cư từ khu vực Trung Mỹ về việc xin thị thực nhập cảnh trực tuyến vào Mỹ.

Trong khi đó, Chính phủ Đức đang cân nhắc điều chỉnh chính sách đối với người di cư và có thể trục xuất số lượng lớn người bị từ chối tị nạn ở quốc gia này. Báo Bild (Đức) trích dẫn một văn bản dự thảo của Văn phòng Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, nước này đang tìm cách nâng cao hiệu quả các biện pháp xử lý vấn đề người di cư, đặc biệt việc hồi hương những người nước ngoài phạm tội hình sự nghiêm trọng. Ngoài ra, những người nước ngoài đã vào Đức bất chấp lệnh cấm nhập cảnh có thể đối mặt nguy cơ cao hơn bị giam giữ chờ trục xuất.

Chính phủ Đức cũng sẽ thành lập các “cơ sở tiếp nhận khi đến” để có thể tiến hành trục xuất ngay từ những trung tâm này. Năm 2022, Đức ghi nhận số người di cư vào nước này ở mức cao kỷ lục với hơn 1,4 triệu người. Số người không quốc tịch cũng tăng gấp đôi kể từ năm 2014, lên hơn 29.000 người.