EU đối phó nạn di cư bất hợp pháp

Trước thềm Hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) dự kiến diễn ra trong hai ngày 23 và 24/3, Italy kêu gọi phối hợp hành động toàn châu lục giải quyết nạn di cư bất hợp pháp.
0:00 / 0:00
0:00
Làn sóng di cư bất hợp pháp vào EU đang ngày càng khó kiểm soát. Ảnh: AFP
Làn sóng di cư bất hợp pháp vào EU đang ngày càng khó kiểm soát. Ảnh: AFP

Hành động ở cấp độ toàn châu lục

Tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Italy Giorgia Meloni và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, hai bên nhất trí vấn đề người di cư hiện nay mang tính cấp bách, đòi hỏi hành động ở cấp độ toàn châu lục. Hàng nghìn người di cư đã thiệt mạng khi tìm cách tới châu Âu thông qua những cách thức và các tuyến đường hết sức nguy hiểm. Tuyến di cư miền trung Địa Trung Hải được biết đến là một trong những tuyến đường di cư nguy hiểm nhất thế giới. Trong cuộc điện đàm, bà von der Leyen cho biết đã nhấn mạnh quan điểm trên trong bức thư gửi 27 lãnh đạo các quốc gia thành viên EU.

Vấn đề người di cư được cho là nguồn gốc gây căng thẳng giữa các nước thành viên EU trong những năm qua, chung quanh việc tiếp nhận người di cư. Gần đây nhất là tranh cãi ngoại giao giữa Italy và Pháp hồi tháng 11/2022, sau khi Rome từ chối cho một tàu chở khoảng 200 người di cư cập cảng và tàu này cuối cùng đã đến Pháp. Tình trạng gia tăng đáng kể dòng người di cư trên tuyến đường Tây Balkan từ Serbia qua Hungary, Slovakia và CH Czech đến các nước Tây Âu vào mùa thu năm 2022 đã dẫn đến việc CH Czech quyết định áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới với Slovakia.

Trong khi đó, số người xin tị nạn vào EU trong năm 2022 đã đạt mức cao kỷ lục tương tự thời kỳ khủng hoảng người di cư năm 2015-2016, khi hơn một triệu người tìm cách đến khu vực này. Italy ghi nhận số người nhập cư bất hợp pháp bằng đường biển tăng đột biến kể từ đầu năm đến nay, lên tới 20.017 người, so mức 6.152 người trong cùng kỳ năm ngoái. Chỉ riêng trong các ngày 9-11/3, đã có 4.566 người đến nước này qua các tuyến đường di cư Địa Trung Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh “sự gia tăng theo cấp số nhân” về số lượng người di cư qua Địa Trung Hải, đồng thời kêu gọi Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và EU hỗ trợ Italy đối phó dòng người di cư mới từ Bắc Phi.

Thiết lập tuyến đường di cư hợp pháp

Trước tình trạng cấp bách đó, Ủy viên phụ trách nội vụ của EU Ylva Johansson cho rằng, giải pháp bền vững duy nhất cho vấn đề này là thiết lập một tuyến đường di cư hợp pháp với sự giám sát và đóng góp công sức của tất cả các quốc gia trong EU. Theo bà Johansson, đây là giải pháp tốt nhất để cứu mạng người di cư, đồng thời ngăn chặn nạn buôn người qua Địa Trung Hải.

Bà cho rằng, người di cư là nguồn nhân lực quan trọng đối với EU, đặc biệt khi các nước trong khối đều đang thiếu hụt lao động ở mọi lĩnh vực. Bên cạnh đó, bà Johansson cũng hối thúc các nước thành viên cần nhanh chóng thông qua các đề xuất về tị nạn và di cư do EC đưa ra vào năm 2020. EC đã công bố kế hoạch quản lý biên giới châu lục, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa các quốc gia thành viên và các cơ quan chức năng, đặc biệt là Cơ quan Bảo vệ biên giới châu Âu (Frontex).

Các nước V4 (còn gọi là Nhóm Visegrad, gồm CH Czech, Ba Lan, Slovakia và Hungary) đã nhất trí rằng biện pháp hiệu quả hơn cả để chống lại vấn đề di cư bất hợp pháp chính là bảo vệ tốt biên giới bên ngoài khu vực tự do đi lại Schengen. Czech nhấn mạnh việc hợp tác giữa EU với các quốc gia bên ngoài EU có vai trò rất quan trọng để đối phó làn sóng di cư trái phép vào EU trong mùa xuân này.