Thảm kịch từ di cư bất hợp pháp

Bất chấp những biện pháp ngăn chặn, các cuộc tuần tra biên giới được chính quyền nhiều quốc gia thực thi, làn sóng di cư bất hợp pháp vẫn không có dấu hiệu giảm xuống. Nhiều thảm kịch đau lòng đã xảy ra từ những cuộc di cư này.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng cứu hộ vụ lật thuyền chở 89 người di cư từ Lebanon tới châu Âu. Ảnh: REUTERS
Lực lượng cứu hộ vụ lật thuyền chở 89 người di cư từ Lebanon tới châu Âu. Ảnh: REUTERS

Những thảm kịch di cư

Lực lượng chức năng Syria hôm 25/9 đã tìm thấy tổng cộng 89 thi thể trong vụ lật thuyền chở người di cư. Chiếc thuyền được cho là đang trong hành trình từ Lebanon tới châu Âu, bị chìm ngoài khơi Syria. Chỉ vỏn vẹn 20 người may mắn được cứu sống trong số 120-150 người có mặt trên thuyền. Các nạn nhân, trong đó có nhiều người già và trẻ em, đều đến từ những khu vực xung đột hoặc đói nghèo ở Lebanon, Syria và Palestine. Quân đội Lebanon thông báo đã bắt giữ một đối tượng tình nghi trong đường dây buôn người gây ra một trong những thảm họa đắm thuyền lớn nhất ở khu vực phía đông Địa Trung Hải. Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi mô tả đây là “bi kịch đau lòng”. Hồi tháng 4, một chiếc thuyền chở đầy người di cư bị Hải quân Lebanon truy đuổi đã chìm, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Vài ngày trước tại châu Mỹ, giới chức Mexico phát hiện 153 người di cư từ Trung Mỹ mang quốc tịch Guatemala, Nicaragua và El Salvador đang chen chúc trong một chiếc xe tải trên đường cao tốc ở miền nam quốc gia Bắc Mỹ. Họ may mắn sống sót nhờ lực lượng tuần tra Mexico kịp thời phát hiện chiếc xe khả nghi bị bỏ rơi trên đường. Đầu tháng 9 này, chín người chết đuối trên sông khi đang cố vượt biên từ Mexico vào bang Texas, Mỹ. Tháng 6 vừa qua, hơn 50 người di cư chết do bị bỏ rơi trong container của một xe tải đầu kéo ở San Antonio, bang Texas của Mỹ. Tháng 12/2021, 56 người chết và hàng chục người bị thương khi xe tải chở người di cư từ Trung Mỹ đến Mỹ bị lật ở miền nam Mexico.

Theo Tổ chức Di cư quốc tế (IOM), khoảng 6.430 người chết hoặc mất tích trong hành trình di cư đến Mỹ kể từ năm 2014. Từ năm 2018 đến tháng 8/2022, lực lượng chức năng Mexico đã giải cứu gần 77.500 người di cư nước ngoài là nạn nhân của các băng nhóm buôn người. Theo số liệu của Văn phòng Tổng chưởng lý Mexico (FGR), số người được giải cứu chỉ vỏn vẹn 533 người năm 2018, nhưng tăng vọt lên 22.200 người năm 2019, 28.804 người năm 2021 và gần 20.000 người từ đầu năm 2022 đến nay. Cơ quan Hải quan và Bảo vệ biên giới Mỹ thời gian qua ghi nhận có 7.800 người di cư bất hợp pháp mỗi ngày dọc biên giới với Mexico, gấp năm lần mức trung bình giai đoạn 2014-2019. Mexico trục xuất khoảng 114.000 người di cư bất hợp pháp năm 2021, bắt giữ hơn 115.000 người chỉ trong ba tháng đầu năm 2022. Số người di cư bị lực lượng chức năng Mỹ bắt giữ, trục xuất tại biên giới với Mexico từ tháng 10/2020 đến 10/2021 lên đến hơn 1,7 triệu người.

Thảm kịch từ di cư bất hợp pháp ảnh 1

Một nhóm người di cư bị chặn lại trong hành trình tới Mỹ. Ảnh: GETTY IMAGES

Các biện pháp ngăn ngừa

Nhằm góp phần giải quyết điểm nóng về di cư trái phép tại khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico, chính quyền Mỹ vừa công bố gói viện trợ nhân đạo mới trị giá 200 triệu USD dành cho Mexico và Trung Mỹ. Gói tài chính này nhằm mục đích hỗ trợ và bảo vệ người tị nạn, người xin tị nạn, người di cư trong nước, người không quốc tịch và người di cư thuộc các nhóm dễ tổn thương. Kể từ năm 2018, viện trợ nhân đạo của Mỹ dành cho Mexico và Trung Mỹ trong vấn đề người di cư đã lên tới 594 triệu USD. Mỹ và Mexico cũng đang thúc đẩy sáng kiến tạo việc làm và thu nhập cho người dân ở khu vực Trung Mỹ, qua đó góp phần ngăn chặn làn sóng di cư trái phép.

Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã ra lệnh tăng cường an ninh, triển khai hàng nghìn binh sĩ dọc biên giới phía nam để đối phó làn sóng người di cư từ các nước trong khu vực vào quốc gia Bắc Mỹ nhằm tìm đường sang Mỹ. Tổng thống Obrador cho biết, động thái trên của Chính phủ Mexico là để bảo vệ người di cư vì hoạt động vượt biên tiềm ẩn nguy hiểm. Mexico cũng đã giải tỏa một khu tạm trú dành cho người di cư ở thành phố Reynosa, bang Tamualipas, giáp biên giới với Mỹ, nơi có khoảng 2.000 người di cư trái phép đến từ các quốc gia Trung Mỹ.

Người đứng đầu phái bộ IOM tại Panama Santiago Paz cảnh báo, cuộc khủng hoảng di cư nhiều khả năng sẽ còn kéo dài, do đó cần tăng cường nguồn lực và hợp tác quốc tế để kiểm soát tình trạng này. Ông Santiago Paz cho biết năm 2021, IOM đã kêu gọi khu vực huy động 75 triệu USD nhằm hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng của làn sóng di cư với đích đến chủ yếu là Mỹ, Canada và Mexico, nhưng khoản viện trợ này là chưa đủ.

Do đó, cộng đồng quốc tế cần tăng cường nỗ lực nhằm đương đầu với cuộc khủng hoảng di cư, một hiện tượng yêu cầu cách tiếp cận toàn khu vực, nhất là xác định gốc rễ của vấn đề và tìm ra giải pháp. IOM cũng kêu gọi các nước tiếp nhận người di cư bảo đảm quyền tiếp cận các thủ tục xin tị nạn, thêm lựa chọn về tình trạng lưu trú, truy quét tội phạm buôn lậu và buôn người, đấu tranh chống phân biệt đối xử và nạn bài ngoại.