Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt

NDO - Là nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới như gạo, cà-phê, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thủy, hải sản... nhưng tính đến nay, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”.
Quang cảnh Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”.

Ngày 6/4, Báo Thanh Niên tổ chức Tọa đàm “Xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt”.

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, các chuyên gia, lãnh đạo một số tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Cửu Long… tham dự.

Đã bàn lâu, nhưng chưa thay đổi

Tại tọa đàm, các đại biểu nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản Việt Nam rất lớn.

Tuy nhiên, là quốc gia có các mặt hàng nông sản xuất khẩu "top" đầu thế giới, song tên tuổi, vị thế nông sản Việt vẫn chưa thể định hình, định danh trên thị trường quốc tế khi có tới gần 80% sản phẩm đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa của những doanh nghiệp nước ngoài.

Trong bối cảnh này, “vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó”, ông Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho biết, và thêm rằng nếu xây dựng được thương hiệu quốc gia cho các nông sản chủ lực của Việt Nam hiện nay, chắc chắn phần thu về của người nông dân nuôi trồng, của doanh nghiệp và của đất nước, sẽ nhiều hơn.

Trong khi đó, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, câu chuyện xây dựng thương hiệu nông, thủy sản đã bàn rất lâu,nhưng vẫn chưa có những thay đổi lớn. Nguyên nhân bắt nguồn từ 3 bên. Đầu tiên là, Nhà nước cũng chưa thực sự quan tâm đúng mức đến việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Việt. Vấn đề xây dựng thương hiệu rất quan trọng, mọi người đều có trách nhiệm trong chuỗi thương hiệu này.

Dẫn chứng tại Tọa đàm, bà Võ Thị Tam Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Trà Rồng Vàng cho rằng, hiện ngành chè Việt Nam không chỉ sản xuất ở trong nước mà còn vươn tầm ra thế giới.

Việt Nam đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu chè, đứng thứ 7 về sản xuất chè. Sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các thị trường chính gồm Pakistan, Trung Quốc, Nga, Indonesia…

Tuy nhiên, “khoảng 90% sản lượng trà xuất khẩu vẫn ở dạng thô, giá bán thấp và được tiêu thụ dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu, xuất khẩu trà dưới dạng thành phẩm có thương hiệu còn rất hạn chế", bà Võ Thị Tam Dân nhấn mạnh.

Nhằm xây dựng thương hiệu cho ngành chè Việt, bà Tam Dân kiến nghị, các đơn vị liên quan cần thúc đẩy các hộ trồng chè trên cả nước tham gia vào chuỗi cung ứng bền vững và chất lượng, đẩy mạnh mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.

Các địa phương trồng chè cần xây dựng đề án phát triển vùng sản xuất chè an toàn; triển khai các dự án khoa học-công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn. Các doanh nghiệp xuất khẩu chè cần chủ động thay đổi hình ảnh, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, đầu tư các công nghệ sản xuất các mặt hàng đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Xây dựng thương hiệu là vấn đề cấp bách

Có nhiều sản phẩm tương đồng với Việt Nam, nhưng nông sản Thái Lan xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản nổi tiếng.

Ông Boonlap Watcharawanitchakul, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi C.P Việt Nam cho rằng, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm, cung cấp rất nhiều nông sản, thủy sản cho thế giới, nhưng đó không phải là sản phẩm đặc trưng mà nhiều quốc gia khác cũng có thể sản xuất được.

Vì vậy, phải chọn lựa sản phẩm độc đáo để tập trung quảng bá đến khắp thế giới. Có sản phẩm khác biệt rồi thì phải có tiêu chuẩn chất lượng, và phải có chiến lược marketing mang tầm quốc gia…

Để xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản, ông Văn Hữu Huệ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Vĩnh Long đề xuất, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện cho nông dân và doanh nghiệp thiết lập các vùng chuyên canh sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng cao.

Thực hiện các chính sách khuyến khích xây dựng và bảo hộ các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, truyền thống của các địa phương...

Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và tôi tin rồi sẽ đến nơi.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường

Cũng theo ông Văn Hữu Huệ, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản là khẳng định lợi thế sản xuất nông nghiệp của nước ta nói chung, Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cấp thiết, cần có sự chung tay, góp sức của từng người nông dân, từng doanh nghiệp và cả hệ thống chính trị.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho rằng để xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, nên bắt đầu bằng bước đi đầu tiên và trên cơ sở thị trường 100 triệu dân nội địa. "Chúng ta sẽ không thể đi xa và đi được lâu nếu không có nền tảng vững chắc từ trong nước".

Song song, chúng ta cũng phải nhìn nhận thẳng vào sự thật là nền sản xuất nhỏ lẻ hiện tại cũng là vấn đề khó khăn trong việc xây dựng và phát triển thương hiệu. Chúng ta cần phải có vùng sản xuất lớn, quản lý chất lượng và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm.

“Thương hiệu quốc gia cho nông sản là câu chuyện dài. Chúng ta đã chậm chân, nhưng phải đi những bước đầu tiên và tôi tin rồi sẽ đến nơi", ông Nguyễn Như Cường cho biết.