Bước mở đầu xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam”

NDO - Diễn ra từ 28/11 đến 4/12 tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” do Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao thành phố Đà Nẵng tổ chức là bước mở đầu, hành trình khẳng định thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” trên thị trường thủ công mỹ nghệ quốc tế, hoạt động nằm trong Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia lĩnh vực mỹ thuật đã được Thủ tướng phê duyệt.
0:00 / 0:00
0:00

Từ những giá trị truyền thống độc đáo, nghệ thuật sơn mài được xác định là một trong những lĩnh vực trọng tâm nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng lực sáng tạo, hướng đến thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao cho Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm chủ trì, tổ chức triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam”. Sự kiện được coi là bước mở đầu trong đề án xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” đến năm 2030

Bước mở đầu xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” ảnh 1
Ban tổ chức triển lãm kiểm tra công tác trưng bày sản phẩm.

Ông Ngô Tuấn Phong, Phó cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển Lãm, Phó trưởng Ban tổ chức triển lãm cho biết: Triển lãm “Sản phẩm sơn mài Việt Nam” nằm trong kế hoạch thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy Nghệ thuật sơn mài Việt Nam. Các sản phẩm tham gia triển lãm được lựa chọn từ các cái làng nghề truyền thống và các sản phẩm tiêu biểu của các nghệ sĩ sơn mài, những người đã và đang thể nghiệm những kỹ thuật mới, chất liệu mới trong sáng tạo sản phẩm. Mục tiêu của triển lãm là góp phần bảo vệ những giá trị cốt lõi của mỹ thuật truyền thống, cũng như quảng bá rộng rãi đến công chúng trong nước và trên thị trường quốc tế, hướng tới mục đích cao nhất là phát triển công nghiệp văn hóa mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã và đang thực hiện.

Sau một thời gian ngắn phát động, Ban Tổ chức đã nhận được sự hưởng ứng đông đảo của các tác giả, nghệ sĩ, nghệ nhân trong cả nước gửi tác phẩm đến tham dự triển lãm. Những đường nét độc đáo, sự tinh tế, tỉ mỉ trong từng công đoạn, mang đậm bản sắc dân tộc, đó là ấn tượng của Hội đồng nghệ thuật khi đánh giá và tuyển chọn các sản phẩm sơn mài tại triển lãm năm nay.

Bước mở đầu xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” ảnh 2
Tác phẩm Mai Lan Cúc Trúc của Nghệ nhân Hoàng Khanh, Làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, Bình Dương.

Hoạ sĩ Đoàn Thu Hương, thành viên Hội đồng Nghệ thuật đánh giá: Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam” là diễn trình của lịch sử sơn mài, thành công bước đầu để ghi nhận sự bảo tồn, phát triển của sơn mài truyền thống. Sơn mài của Việt Nam có chất riêng biệt với các nước khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Từ sơn thếp đến sơn phủ, khảm trai và những kỹ thuật khác được các nghệ nhân thể hiện rất tốt. Những sản phẩm sơn mài tại triển lãm sẽ ghi dấu ấn đầu tiên trong một chuỗi triển lãm về sơn mài, là cơ hội để giới thiệu với thế giới về những nét độc đáo, tinh tế trong các sản phẩm sơn mài Việt Nam.

Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam” không chỉ góp phần bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống nghệ thuật Sơn mài mà còn đặt mục tiêu đẩy mạnh giao lưu, chú trọng quảng bá thương hiệu quốc gia thông qua việc giới thiệu các sản phẩm. Với những ý nghĩa đó, triển lãm kỳ này được các tác giả, nghệ nhân đặt nhiều kỳ vọng.

Bước mở đầu xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” ảnh 3

Tác phẩm Tùng Hạc của nghệ nhân Trương Quang Tịnh, Làng sơn mài Tương Bình Hiệp, Bình Dương.

Nghệ nhân trẻ Lã Văn Hùng, làng nghề Sơn mài Hạ Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội, mong muốn thông qua triển lãm lần này có thể giới thiệu tới công chúng trong nước và quốc tế, truyền đi một thông điệp về những người trẻ hãy giữ gìn, bảo vệ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của những nghệ nhân xưa. Trước nền kinh tế thị trường hiện nay, những di sản truyền thống đang bị mai một và nếu những người trẻ không được tiếp xúc, giao lưu, học hỏi nhiều thì sẽ rất khó khăn trong việc gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật truyền thống của cha ông.

Nghệ nhân Lê Bá Linh, Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp, tỉnh Bình Dương chia sẻ: Trước những biến thiên của kinh tế thị trường, những cuộc triển lãm như thế này là hoạt động cần thiết dành cho các nghệ sĩ, nghệ nhân các làng nghề sơn mài, nhằm đánh giá, định hướng chính xác mục tiêu và phản hồi về những khó khăn, những tiềm năng phát triển. Không chỉ như vậy, càng tổ chức nhiều sự kiện như thế này thì sẽ thu hút những chuyên gia, nhà nghiên cứu về sơn mài quốc tế đến để chiêm ngưỡng, đánh giá, qua đó thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Bước mở đầu xây dựng thương hiệu “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” ảnh 4
Tác phẩm Vũ điệu mèo nắng của Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát, Sơn Tây, Hà Nội.

Hơn nữa, công chúng và những người yêu mỹ thuật ngoài việc được thưởng lãm các tác phẩm nghệ thuật, họ còn được tìm hiểu về truyền thống sơn mài Việt Nam. Triển lãm là dịp để các cơ quan, địa phương có cái nhìn tổng thể, toàn diện, từ đó hỗ trợ, đào tạo và vạch ra con đường, mục tiêu đúng đắn, để làm sao sơn mài Việt Nam vừa phát huy truyền thống vừa trở thành sản phẩm văn hóa được ưa thích đến phần đông công chúng.

Hơn 100 sản phẩm sơn mài độc đáo giới thiệu tới công chúng tại Triển lãm “Sản phẩm Sơn mài Việt Nam”, tạo tiền đề trong hành trình khẳng định thương hiệu "Nghệ thuật sơn mài Việt Nam" trên thị trường thủ công mỹ nghệ quốc tế. Một giá trị khác mà triển lãm mang lại đó chính là tạo ra cầu nối, tiếp thêm niềm đam mê sáng tác các sản phẩm sơn mài truyền thống, qua đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của nghệ thuật tạo hình Việt Nam trong giai đoạn mới.