Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Tập đoàn CJ (Hàn Quốc)và một số đối tác khác của UNESCO.
Tại Việt Nam, các vùng dân tộc thiểu số thường gặp nhiều khó khăn hơn so với các vùng dân số khác bởi các định kiến và rào cản văn hóa. Mặc dù đã có những tiến bộ trong phổ cập giáo dục cơ bản, trẻ em dân tộc thiểu số - đặc biệt là trẻ em gái, vẫn có nguy cơ bỏ học cao hơn các nhóm trẻ em khác.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhấn mạnh loạt rào cản đó, bao gồm: điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến trẻ em gái thường phải lao động từ sớm; nạn tảo hôn vẫn tồn tại dù đã có rất nhiều nỗ lực xóa bỏ; những hành vi vi phạm pháp luật do thiếu hiểu biết, hoặc tệ nạn xã hội như buôn bán người, buôn bán chất cấm...
Em Phàn Thị Trang đại diện các học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Minh Tân (huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) phát biểu. |
Dự án “Chúng tôi có thể” (We are ABLE) được khởi xướng nhằm góp phần hỗ trợ giải quyết vấn đề này thông qua thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái ở các vùng dân tộc thiểu số Việt Nam.
Với khẩu hiệu “Achieving Better Living and Education”(Hướng đến Mức sống và Giáo dục tốt hơn), viết tắt là “ABLE” (Có thể), giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện từ năm 2019-2022 do UNESCO phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban Dân tộc, được tài trợ bởi Quỹ Malala UNESCO về Quyền giáo dục cho trẻ em gái cùng sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật từ Tập đoàn CJ. Dự án tập trung triển khai tại 12 huyện ở ba tỉnh: Hà Giang (miền núi phía bắc), Ninh Thuận (duyên hải nam trung bộ) và Sóc Trăng (đồng bằng sông Cửu Long).
Kết quả, giai đoạn 1 của dự án đã tiếp cận được 16.296 học sinh (trong đó có 8.021 nữ sinh). Tại 24 trường triển khai dự án, trong số học sinh dân tộc thiểu số, tỷ lệ nhập học tăng từ 62% lên 67%, tỷ lệ bỏ học giảm từ 3,8% xuống 2,9% và tỷ lệ chuyển tiếp lên trung học cơ sở tăng từ 69,7% lên 76,7%. 2.136 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục đã được đào tạo về tư vấn trường học có nhạy cảm giới và hàng nghìn người khác được tiếp cận thông qua việc triển khai khóa học trực tuyến trên toàn quốc.
120 phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số đã được đào tạo nâng cao năng lực khởi nghiệp và tiếp tục được hỗ trợ thông qua Hội Phụ nữ xã.
“Dự án được kỳ vọng sẽ đóng góp vào Kế hoạch Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ Việt Nam, Chiến lược công tác dân tộc và cam kết quốc gia trong việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 4 về Giáo dục và Mục tiêu 5 về Bình đẳng giới” - Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết.
Ca sĩ Phương Mỹ Chi biểu diễn tại sự kiện. |
Giai đoạn 2 của dự án “Chúng tôi có thể” sẽ được triển khai tại các tỉnh Cao Bằng, Kon Tum và Ninh Thuận. Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục là đối tác chính.
Bên cạnh đó, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, một đối tác mới của dự án, sẽ hỗ trợ các hoạt động truyền thông và vận động do học sinh khởi xướng và thúc đẩy giáo dục cho trẻ em gái thông qua tiếp cận cộng đồng, các diễn đàn địa phương và trung ương. Tập đoàn CJ tiếp tục là nhà tài trợ chính về tài chính và kỹ thuật.
Bà Hee Kyung Jo Min, Phó Chủ tịch CJ CheilJedang - Giám đốc các Chương trình Cống hiến xã hội của CJ CheilJedang tại Hàn Quốc chia sẻ: “Dự án đầu tiên thành công bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 là nhờ sự tham gia nhiệt tình của không chỉ học sinh mà còn có thầy cô, phụ huynh, cộng đồng và Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Chúng tôi cũng sẽ nỗ lực hết mình để giúp đỡ nhiều trẻ em hơn trong việc tiếp cận giáo dục, chống phân biệt đối xử và phát triển tài năng”.
Kết quả giai đoạn 1 và mục tiêu giai đoạn 2 của dự án. |
Tại lễ công bố, ca sĩ Isaac Hong (Hàn Quốc) và ca sĩ Phương Mỹ Chi (Việt Nam) đã trình diễn một số ca khúc truyền cảm hứng về tình yêu quê hương, về tuổi trẻ... nhằm góp phần thu hút sự quan tâm, hỗ trợ của cộng đồng đối với thúc đẩy bình đằng giới và giáo dục trẻ em gái dân tộc thiểu số ở Việt Nam.