Bình đẳng giới trong môi trường số

Khoảng ba tỷ người trên trái đất không có kết nối internet, phần lớn là phụ nữ và trẻ em gái ở các nước đang phát triển. Trước thực tế khoảng cách giới trong môi trường số ngày càng lớn, Liên hợp quốc đã chọn chủ đề Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm 2023 là "Kỹ thuật số cho tất cả mọi người: Đổi mới và công nghệ vì bình đẳng giới".
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)
Ảnh minh họa. (Nguồn: UNICEF)

Theo thống kê của Liên hợp quốc, 37% số phụ nữ trên thế giới hiện không sử dụng internet. Phụ nữ vốn được ví là "một nửa thế giới", song số lượng phụ nữ tiếp cận internet vẫn ít hơn 259 triệu người so với số nam giới. Ngay tại một số nước phát triển, phụ nữ dường như bị bỏ lại phía sau trong tiến trình chuyển đổi số. Báo cáo của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc cho biết, ở các nước Liên minh châu Âu (EU), cũng chỉ có khoảng 50% số phụ nữ từ 55 đến 74 tuổi có kỹ năng số cơ bản hoặc trên cơ bản.

Việc thu hút phụ nữ tham gia các lĩnh vực kinh tế, công nghệ được đánh giá là giúp mang lại những giải pháp sáng tạo và tiềm năng đột phá to lớn. Báo cáo về bình đẳng giới của Liên hợp quốc cũng cho thấy, việc phụ nữ bị loại khỏi thế giới kỹ thuật số đã làm mất đi cơ hội tạo ra khoảng 1.000 tỷ USD cho GDP của các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trong thập niên vừa qua. Con số này được dự báo tăng lên 1.500 tỷ USD vào năm 2025, nếu thế giới không có giải pháp kịp thời.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự đoán, vào giữa thế kỷ này, khoảng 75% số việc làm có liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, hiện nay nữ giới mới chỉ chiếm 30% lực lượng lao động tại 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia của Liên hợp quốc dự đoán, vào giữa thế kỷ này, khoảng 75% số việc làm có liên quan các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Tuy nhiên, hiện nay nữ giới mới chỉ chiếm 30% lực lượng lao động tại 20 công ty công nghệ hàng đầu thế giới.

Trong một số lĩnh vực tiên tiến như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), cứ năm chuyên gia thì chỉ có một người là phụ nữ. Nếu không có sự đóng góp của phụ nữ, bất bình đẳng giới sẽ để lại "dấu ấn" trong các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số sau này. Phân tích 133 hệ thống AI, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 44,2% số hệ thống này có các dấu hiệu của sự thiên vị về giới.

Các cơ hội của cuộc cách mạng kỹ thuật số cũng tiềm ẩn nguy cơ duy trì các mô hình bất bình đẳng giới. Theo nghiên cứu thực hiện tại 51 quốc gia, khoảng 38% số phụ nữ tham gia khảo sát cho biết họ từng bị ức hiếp trên internet. 73% số nhà báo nữ từ 125 quốc gia tham gia khảo sát trả lời rằng, họ từng là nạn nhân của bạo lực và quấy rối trực tuyến trong quá trình làm việc.

Theo Liên hợp quốc, phụ nữ đang đi đầu trong nỗ lực khiến cho công nghệ trở nên an toàn, dễ tiếp cận, toàn diện và được quản lý tốt hơn. Tháng 9/2022, bà Doreen Bogdan-Martin đã được bầu làm lãnh đạo cơ quan chuyên trách về công nghệ thông tin và truyền thông của Liên hợp quốc, trở thành nữ Tổng Thư ký đầu tiên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) trong lịch sử 158 năm của tổ chức này.

Báo cáo về động lực hướng tới kết nối toàn cầu, bà Martin cho biết, một liên minh do ITU dẫn đầu đã huy động được hơn 17 tỷ USD cho các nỗ lực "bình đẳng giới kỹ thuật số". Nhà nữ lãnh đạo khẳng định, thế giới đang có cơ hội quý giá và duy nhất để đạt được bình đẳng giới sớm hơn, chứ không phải chờ tới 300 năm nữa theo như một số dự báo.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, công nghệ có thể nâng cao chất lượng cuộc sống của phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới theo nhiều cách, từ khả năng tiếp cận tốt hơn với giáo dục, chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ tài chính, đến những con đường mới trong kinh doanh và khởi nghiệp. Tuy nhiên, bình đẳng giới không thể tự có mà cần được ưu tiên và theo đuổi.

Để dần xóa bỏ khoảng cách giới trong môi trường số, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các nước hành động để thu hẹp khoảng cách kết nối, nêu cao vai trò lãnh đạo của phụ nữ và bảo đảm thế giới trực tuyến trở nên an toàn hơn với phụ nữ và trẻ em gái.