An Giang xử lý nghiêm tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê buôn lậu

NDO - Ngày 15/3, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và tổng kết cao điểm Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, triển khai chương trình công tác năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

An Giang có đường biên giới giáp Campuchia dài gần 100km nên tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới, kinh doanh hàng hoá nhập lậu luôn diễn ra phức tạp. Hàng lậu được các đối tượng tập kết sát biên giới, chờ thời cơ thì đưa vào nội địa tiêu thụ với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Chủ yếu là chia nhỏ lẻ hàng hóa để vận chuyển, đai vác nhiều lần qua biên giới. Khi vào nội địa thì vận chuyển, tập kết với số lượng nhỏ, để khi bị phát hiện, bắt giữ không bị xử lý hình sự. Ngoài ra, một số đối tượng cất giấu hàng hoá nhập lậu trà trộn vào các loại hàng hoá khác được làm thủ tục hải quan, vận chuyển trên các phương tiện xuất nhập cảnh đã làm thủ tục hải quan, khai sai số lượng hàng hoá nhập khẩu để trốn thuế.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Tỉnh ủy, các thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh và địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng cường đấu tranh có hiệu quả với tội phạm, vi phạm pháp luật về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh. Cụ thể trong năm 2022, các lực lượng chức năng trong tỉnh kiểm tra, phát hiện bắt giữ 2.027 vụ, liên quan 1.714 đối tượng; so với cùng kỳ năm 2021 giảm 32 vụ (2.027/2.059 vụ), tỷ lệ giảm 1,6 %; tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 181,5 tỷ đồng, tăng 104,1 tỷ đồng (181,5/77,4 tỷ). Kết quả đã xử lý hình sự: 41 vụ, 53 bị can; xử lý hành chính: 1.325 vụ, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính. Ngành chức năng đang tiếp tục xác minh, xử lý các vụ còn lại.

Trong quý I/2023, trong đó cao điểm là là Tết Quý Mão 2023, lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện bắt giữ 377 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng giả, liên quan 313 đối tượng; so với cùng kỳ năm 2022 giảm 103 vụ (377/480 vụ), tỷ lệ giảm 21,5%. Tổng trị giá hàng hoá bắt giữ trên 11,5 tỷ đồng (giảm 74,8 % so cùng kỳ 11,5/45,7 tỷ). Kết quả xử lý hình sự 9 vụ gồm 7 bị can; xử lý hành chính 240 vụ và đang tiếp tục xử lý các vụ còn lại…

Trong thời gian tới, lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân hiểu về trách nhiệm của công dân trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động người dân không bao che, không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu và tích cực ủng hộ, phối hợp với lực lượng chức năng triệt xóa các tụ điểm tập kết, trung chuyển, chứa chấp hàng lậu; tiếp tục duy trì Tổ công tác phòng, chống buôn lậu trên tuyến biên giới và nội địa…

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang, kiêm Trưởng ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới vẫn diễn biến phức tạp. Điều này đòi hỏi sự chú ý và nỗ lực từ phía các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội và cộng đồng. Trước tình hình đó, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp địa phương, các lực lượng chức năng triển tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó chú trọng những nội dung chủ yếu như quán triệt nghiêm các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng nhằm đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đồng thời, cần phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, chống buôn lậu, gian lận thương mại toàn diện, đặc biệt ngay trong các lực lượng chức năng; xử lý kịp thời, công khai, nghiêm minh những tập thể, cá nhân tiếp tay, bao che, bảo kê hoặc tham gia hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.