Cùng suy ngẫm

Để việc tăng thuế rượu bia, thuốc lá đạt hiệu quả cao

Mới đây, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về xây dựng dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất mở rộng cơ sở tính thuế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và phù hợp thông lệ quốc tế đối với các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe, môi trường như: đồ uống có đường, thức uống đại mạch (bia) và thuốc lá thế hệ mới,...
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters

Theo Bộ Tài chính, mặt hàng thuốc lá, bia và rượu đã được tăng thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019, nhưng thời gian qua, tình trạng sử dụng thuốc lá, rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao, không giảm đi mà còn có xu hướng gia tăng.

Hiện nay, mức thuế tiêu thụ đặc biệt đang áp dụng với thuốc lá là 75%, rượu từ 35 đến 65% (tùy loại), bia là 65%.

Với Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), sẽ áp dụng kết hợp thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối với thuốc lá; tiếp tục tăng thuế suất tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia để hạn chế sản xuất, nhập khẩu, tiêu dùng.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng đối với những sản phẩm không có lợi cho sức khỏe và môi trường (trong đó có việc tăng thuế) là cần thiết, giúp tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, góp phần định hướng sản xuất và giảm hành vi tiêu dùng, nâng cao sức khỏe cộng đồng, cũng như giúp cho thị trường có môi trường tiêu dùng, kinh doanh ổn định.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến phản biện, cho rằng chưa nên tăng “sốc” thuế tiêu thụ đặc biệt, bởi có thể dẫn đến nguy cơ tăng cao hành vi nhập lậu những mặt hàng này, nhất là với thuốc lá.

Trên thực tế, phần lớn người tiêu dùng sẽ không bỏ hẳn việc sử dụng mà sẽ chuyển dần sang dùng các loại thuốc lá lậu, có bao bì đẹp, không in cảnh báo sức khỏe và giá rẻ hơn, dẫn đến thuốc lá trong nước giảm, thuốc lá lậu tăng tiêu thụ. Khi đó, việc tăng thuế sẽ không có ý nghĩa điều tiết giảm tiêu thụ.

Bên cạnh đó, do không kiểm soát được chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm của thuốc lá nhập lậu, cho nên nguy cơ xảy ra những “tác dụng phụ”, gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng luôn tiềm ẩn.

Cần phải khẳng định, việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với các mặt hàng có hại cho sức khỏe người dân là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, ở giai đoạn hiện nay, cần tính toán lộ trình tăng phù hợp để không gây áp lực cho doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh thị trường đang dần phục hồi.

Trước mắt, cần triển khai những giải pháp bổ trợ hợp lý làm sạch thị trường, chống buôn lậu hiệu quả, giảm thất thu cho ngân sách nhà nước, ngăn chặn triệt để hàng nhập lậu, sau đó mới điều chỉnh các chính sách thuế theo hướng siết chặt của Nhà nước nhằm giảm tiêu thụ mặt hàng có hại cho sức khỏe, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân,...