Cùng suy ngẫm

Tăng cường hiệu quả phòng, chống buôn lậu

Nhiều năm nay, tình trạng vận chuyển, buôn bán hàng hóa nhập lậu qua biên giới đã gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
(Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)
(Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ)

Tình trạng này không chỉ "nhấn chìm" các doanh nghiệp làm ăn chân chính mà còn xâm hại nghiêm trọng tới quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng khi chất lượng, nguồn gốc hàng hóa lưu thông trên thị trường không được kiểm soát. Do đó, đã có rất nhiều chủ trương, chính sách được ban hành nhằm tăng cường công tác quản lý, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; thậm chí, đã cho thành lập một ban chỉ đạo cấp quốc gia về vấn đề này do một Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban, bên dưới là các ban chỉ đạo cấp địa phương, bộ, ban, ngành.

Các cơ quan này từ khi được thành lập đã rất tập trung, nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, quyết liệt chỉ đạo, phối hợp các lực lượng chức năng gồm: Công an, Hải quan, Biên phòng, Quản lý thị trường triệt phá nhiều đối tượng, đường dây, ổ nhóm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa có quy mô lớn.

Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), trong năm 2022, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng; khởi tố hình sự 642 vụ với 720 đối tượng.

Trong năm 2022, các lực lượng chức năng trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 139.758 vụ việc vi phạm (tăng 1,17% so cùng kỳ năm 2021); thu nộp ngân sách nhà nước 12.829 tỷ đồng; khởi tố hình sự 642 vụ với 720 đối tượng.

Những con số thống kê nêu trên cũng cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc ngăn chặn và đẩy lùi nạn buôn lậu. Song, với mức lợi nhuận quá lớn đã khiến các đường dây buôn lậu, hình thành liên tục, thiên biến vạn hóa, hễ cứ đường dây này bị triệt phá lại xuất hiện đường dây khác với thủ đoạn ngày càng tinh vi, cải tiến và khó phát hiện hơn.

Thí dụ, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 triệu đến 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 đến 4 lần giá trị thật của hàng hóa nếu tiêu thụ trót lọt. Bên cạnh đó, do một số quy định pháp luật liên quan còn nhiều bất cập dẫn tới gây khó khăn trong áp dụng vào thực tiễn, chế tài xử phạt vi phạm còn thấp, chưa đủ sức răn đe ngăn chặn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho các đối tượng "nhờn" pháp luật, bất chấp thủ đoạn để hoạt động buôn lậu.

Mặt khác, việc xử lý tội phạm buôn lậu còn thiếu sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và cơ quan bảo vệ pháp luật; trong đó, công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng còn hạn chế, có lúc, có nơi còn buông lỏng, thậm chí xảy ra tình trạng bảo kê, tiếp tay, bao che, từ đó tạo nên những lỗ hổng, gây khó khăn không nhỏ trong đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn lậu.

Thực tế cho thấy, chúng ta cần nhanh chóng khắc phục những bất cập, tiếp tục sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan nhằm bảo đảm pháp luật được thống nhất, cụ thể và thuận lợi cho quá trình chứng minh, xử lý hành vi buôn lậu; phải tăng nặng mức xử phạt hành chính, thậm chí xử lý hình sự để mang tính răn đe; nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng, tránh chồng chéo, "mạnh ai nấy làm" để những vụ việc phức tạp được xử lý nhanh chóng và kịp thời hơn; có biện pháp xử lý nghiêm, trúng, đúng đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây, tụ điểm phức tạp, để không chỉ xử lý phần ngọn, góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội...