Theo đó, tỉnh yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang củng cố đoàn kiểm tra liên ngành, lực lượng của Ban Chỉ đạo 389, nhằm tổ chức kiểm tra, phát hiện kịp thời, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển gia cầm, các sản phẩm gia cầm trái phép trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới.
Tỉnh cũng đề nghị kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm từ nước ngoài vào Việt Nam. Nghiêm cấm việc mua, bán gia cầm, các sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc từ Campuchia vào địa bàn tỉnh.
Tỉnh yêu cầu Sở Y tế tập trung giám sát, phát hiện các trường hợp viêm phổi do virus tại tất cả các nơi trên địa bàn, chú ý các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ vùng dịch, kịp thời lấy mẫu bệnh phẩm xác định nguyên nhân gây bệnh.
An Giang cũng chỉ đạo giám sát chặt người đi/đến từ vùng có dịch cúm A/H5N1; phát hiện sớm các ca bị bệnh cúm/viêm hô hấp chưa rõ nguyên nhân tại cộng đồng, phối hợp xử lý kịp thời không để lây lan; cần thiết thì tiến hành lấy mẫu xét nghiệm, xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các cơ sở khám chữa bệnh, khi phát hiện các trường hợp sốt, ho, đau ngực, khó thở đến điều trị, phải điều tra dịch tễ tiền sử có tiếp xúc trực tiếp với gia cầm nhằm phát hiện sớm nghi ngờ mắc cúm gia cầm và tiến hành lấy mẫu kịp thời.
Ngành y tế tỉnh cũng cần bảo đảm nguồn lực, trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc để tiếp nhận, cách ly, điều trị kịp thời khi có các trường hợp nghi ngờ hoặc mắc Cúm A (H5N1), hạn chế thấp nhất trường hợp trở nặng và tử vong.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia cầm; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch, xử lý triệt để ổ dịch.
Áp dụng triệt để các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ theo đúng quy định của pháp luật.
Siết chặt công tác kiểm dịch tại các cửa khẩu, đặc biệt không cho nhập gia cầm từ Campuchia vào tỉnh.
Thực hiện nghiêm công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.
Thông qua công tác thông tin truyền thông để cho người dân hiểu biết, không tham gia vào hoạt động kinh doanh, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua lại biên giới.
Chỉ đạo các đoàn kiểm tra tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đặc biệt ở các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới; tại các cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới,… kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm trái phép vào địa bàn tỉnh.
Lưu ý các huyện, thị xã, thành phố giáp biên giới, khi phát hiện trường hợp gia cầm, sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc, xuất xứ thì kiên quyết xử lý theo quy định.
Nghiêm cấm việc mua bán gia cầm sống và giết mổ gia cầm tại các chợ truyền thống, các điểm không đúng qui định của pháp luật về thú y; gia cầm, sản phẩm gia cầm bán tại chợ phải qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Nghiêm cấm việc vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm theo đường tiểu ngạch, lối mòn biên giới, vận chuyển, mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.
Chỉ đạo các ngành chức năng, lực lượng công an, bộ đội biên phòng, Ban chỉ đạo 389 lập các chốt nhằm ngăn chặn các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.
Phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện bắt giữ và xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép gia cầm và sản phẩm gia cầm.
Tổ chức tuyên truyền cho nhân dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm và tác hại khi buôn bán, vận chuyển gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc.