Người Đan Lai tự tin hòa nhập cộng đồng

Trước đây, người Ðan Lai là tộc người có thói quen sinh sống hoang dã ở vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, giáp biên giới Việt Nam-Lào ở huyện Con Cuông (Nghệ An). Ngày nay, nhờ sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, cuộc sống của đồng bào dân tộc ít người nơi đây đã đổi thay và đang dần hòa nhập với cộng đồng các dân tộc anh em trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Ðưa nước sinh hoạt về cho đồng bào Ðan Lai ở bản Cửa Rào.
Ðưa nước sinh hoạt về cho đồng bào Ðan Lai ở bản Cửa Rào.

Những người Ðan Lai ở trong vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát đã từng có giai đoạn khiến cả cộng đồng không khỏi chạnh lòng, khi thấy họ sinh sống biệt lập nơi thâm sơn cùng cốc, ngủ ngồi trên cây, hoang dã như người rừng. Ðói nghèo bủa vây, cùng các hủ tục lạc hậu như: hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn… kéo dài nhiều năm khiến tộc người Ðan Lai đứng trước nguy cơ suy vong giống nòi. Ðể người Ðan Lai hòa nhập với cộng đồng, tỉnh Nghệ An đã thực hiện đề án "giải cứu" nhằm đưa họ ra khỏi rừng sâu. Cuộc di cư lịch sử bắt đầu từ năm 2001, khi chính quyền, cùng hệ thống chính trị các cấp xã Môn Sơn, huyện Con Cuông đã vào rừng tuyên truyền, vận động để đưa 36 hộ dân đầu tiên ra định cư tại hai bản Tân Sơn và Cửa Rào, thuộc xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Nhưng phải đến 5 năm sau, việc giải cứu mới thật sự diễn ra, khi Chính phủ phê duyệt Ðề án bảo tồn, phát triển bền vững tộc người Ðan Lai tại vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát, với mục tiêu di dời 146 hộ dân ở hai bản Búng và Cò Phạt ra khỏi rừng sâu. Hơn 30 hộ ở lại bản Cò Phạt sẽ được đầu tư hạ tầng điện, đường, trường, trạm… để làm điểm du lịch sinh thái. Ngay sau đó, 42 hộ dân Ðan Lai đã được đưa ra khỏi rừng, đến định cư tại bản Thạch Sơn, xã Thạch Ngàn, cách chỗ ở cũ khoảng 60km. Hơn 10 năm sau, huyện Con Cuông tiếp tục di dời thêm 35 hộ dân ra khu định cư bản Bá Hạ cũng thuộc xã Thạch Ngàn.

Trưởng phòng Dân tộc huyện Con Cuông Lương Viết Tùng cho biết: Tại các điểm định cư ở các xã Môn Sơn và Thạch Ngàn, đồng bào Ðan Lai được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố, khang trang; cấp ruộng nước, đất rừng cùng nhiều chính sách về hỗ trợ gạo ăn; cây, con giống, phân bón, dụng cụ sản xuất. Các cấp, ngành đã kiên trì, tổ chức nhiều lớp khuyến nông, khuyến lâm, kỹ thuật trồng lúa nước, trồng ngô, chăn nuôi lợn, gà… theo kiểu "cầm tay chỉ việc" cho bà con. Nhờ đó, đồng bào Ðan Lai đã dần dần hòa nhập với cộng đồng, nhất là về phương thức sản xuất.

Những hộ dân còn lại chưa ra khỏi rừng đã được Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng như: có điện lưới quốc gia và hệ thống thủy lợi, nước sinh hoạt, phủ sóng điện thoại, làm cầu, mở đường từ trung tâm xã Môn Sơn vào bản Cò Phạt và bản Búng, phá thế cô lập với thế giới bên ngoài. Không chỉ mở phòng khám Quân dân y kết hợp để chăm sóc sức khỏe người dân, Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An còn thường xuyên bám dân, bám bản, hướng dẫn bà con từng bước thay đổi thói quen săn bắt, hái lượm sang trồng trọt, chăn nuôi. Bà con còn được giao khoán bảo vệ gần 20 nghìn ha rừng trong Vườn quốc gia Pù Mát. Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp lực lượng công an cấp chứng minh nhân dân/căn cước công dân, sổ hộ khẩu để bà con có thể tiếp cận các chế độ chính sách liên quan…

Chúng tôi đến thăm bản Cửa Rào, xã Môn Sơn. Từ chỗ 20 hộ ban đầu nay đã phát triển thành 36 hộ, 152 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân đã ổn định và phát triển. Sự thay đổi thể hiện cả trong đời sống kinh tế và nhận thức, tư duy. Từ lúc chỉ biết sống dựa vào rừng, trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, nay đồng bào Ðan Lai đã có bước tiến dài, khi thành thạo trồng lúa nước, trồng ngô, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Số hộ nuôi vài ba con trâu, bò, vài chục con dê, chăn thả gia cầm hay trồng lúa nước cho năng suất từ 2 đến 3 tấn/ha… ngày một nhiều.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện đã xuất hiện các mô hình kinh tế mới như trồng rừng nguyên liệu hay nhận khoán bảo vệ hàng chục ha rừng. Nhiều hộ đã biết buôn bán tạp hóa, mở dịch vụ máy xay xát… Hầu hết hộ gia đình ở các khu tái định cư đều có ti-vi, điện thoại, nhiều hộ đã sắm được xe máy và các vật dụng sinh hoạt phục vụ gia đình. Số hộ đói, đứt bữa vào lúc giáp hạt đã giảm dần. Ðặc biệt, lớp trẻ người Ðan Lai giờ được học hành đầy đủ, nhiều em đã học lên THCS, THPT và đại học. Hầu hết các em đã ra khỏi rừng, đi làm công nhân, xuất khẩu lao động để kiếm thêm thu nhập. Các hủ tục hôn nhân cận huyết thống và tảo hôn gần như được xóa bỏ; nhiều tệ nạn xã hội gần như không còn nữa ■