Theo thông báo của Ban Tổ chức, buổi đối thoại giữa các đồng chí Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện với đại diện người dân các xã trong huyện sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng 27-10. Nhưng từ hơn 7 giờ đã có rất đông người dân các xã vùng bãi sông Hồng, như Sen Chiểu, Phương Độ, Cẩm Đình… có mặt tại trụ sở UBND xã Vân Nam. Hội trường mới xây khang trang, rộng hơn 200 chỗ ngồi nhanh chóng chật kín. Ông Nguyễn Bắc Y, đến từ thôn Phú Châu, xã Xuân Phú chia sẻ, mặc dù địa phương mới bắt đầu thực hiện dồn điền đổi thửa còn gặp một số khó khăn, vướng mắc do người dân chưa hiểu rõ các chính sách, nhưng chỉ sau hơn hai tháng Phú Châu đã dồn đổi thành công hơn 70 ha đất sản xuất nông nghiệp. Người dân phấn khởi vì được dồn ghép từ trung bình 13 thửa ruộng mỗi hộ dân xuống chỉ còn từ hai đến ba thửa/hộ dân, rất thuận lợi cho sản xuất. Cùng với đó, quy hoạch vùng trồng lúa hơn 40 ha, vùng trồng màu 30 ha, đào đắp kênh mương thủy lợi, đường giao thông nội đồng đã cơ bản hoàn thành. Các loại máy làm đất, mạ khay, máy cấy, máy gặt đập cũng đã dễ dàng hoạt động, góp phần giải phóng sức lao động cho người dân. Lúa, ngô và các loại cây màu đều phát triển tốt. Tuy nhiên người dân vẫn chưa vui vì chưa tìm được loại cây trồng phù hợp, giống lúa tốt để có hiệu quả kinh tế cao. Một số gia đình cũng đã chuyển sang trồng cây ăn quả như ổi, bưởi, táo, nhưng vẫn manh mún, nhỏ lẻ và thiếu bền vững. Bên cạnh đó, các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng vẫn chưa được cứng hóa, còn lầy lội, gây ảnh hưởng đến sản xuất. Vì thế, người dân rất mong muốn sau thành công của dồn điền đổi thửa, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập. Trong điều kiện kinh phí còn khó khăn có thể ưu tiên bố trí vốn để trải cấp phối tuyến đường giao thông nội đồng.
Còn đại diện người dân xã Phương Độ đề nghị sớm được cấp giấy chứng nhận đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa và đất ở cho các hộ dân. Tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp, gây bức xúc tại địa phương.
Tại buổi đối thoại, nhiều ý kiến, kiến nghị thẳng thắn của người dân liên quan đến xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế và công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường đã được đề cập. Các ý kiến tập trung vào các vấn đề kinh phí đầu tư kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, đường làng ngõ xóm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, việc cấp sổ đỏ, giải quyết đất dịch vụ. Đồng thời người dân cũng tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở… Phần lớn các ý kiến, kiến nghị này đều được Bí thư Huyện ủy và Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ thẳng thắn trả lời, giải đáp ngay tại hội trường hoặc giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền, các cơ quan chức năng giải quyết. Đây là thước đo hiệu quả của đối thoại.
Theo tổng hợp của UBND huyện Phúc Thọ, sau lần đối thoại năm 2014, huyện đã tập trung giải quyết được nhiều đề xuất, kiến nghị của người dân. Cụ thể, huyện đã tổ chức đưa một số cán bộ, chủ nhiệm HTX nông nghiệp và người dân đi tham quan xã Tiên Dương (huyện Đông Anh), xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên), xã Vạn Thái (huyện Thường Tín), Viện Công nghệ thực phẩm và các tỉnh Lâm Đồng, Hải Dương..., tìm hiểu các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, có hiệu quả để triển khai trên địa bàn. Đến nay một số gia đình đã đầu tư hai mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đưa thêm nhiều giống, cây, con mới vào sản xuất như các giống lúa GS 37, 47, C30, Sơn Lâm, tẻ thơm... vào sản xuất. Thành lập được bốn HTX nông nghiệp để thu mua, tiêu thụ nông sản, thúc đẩy sản xuất cho người dân. Xây dựng thành công thương hiệu tập thể Bưởi Phúc Lộc. Hỗ trợ đầu tư trực tiếp cho các hợp tác xã và người dân mua hơn 60 máy cấy và máy gieo hạt, nhiều máy gặt đập liên hoàn, máy làm đất với tổng số tiền gần 4 tỷ đồng. Đầu tư cải tạo đường giao thông, xây dựng ba trường học đạt chuẩn, làm nhà hội họp, kênh mương nội đồng, xây dựng một số tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân tại xã Hiệp Thuận, Vân Hà, phấn đấu trong năm nay có thêm bảy xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tuy nhiên, UBND huyện Phúc Thọ cũng chỉ rõ một số hạn chế, như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp sau dồn điền đổi thửa, đất ở còn chậm trễ; một số cán bộ cơ sở còn thiếu trách nhiệm, chưa sâu sát, trình độ năng lực hạn chế, thậm chí có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong việc giải quyết các công việc phục vụ nhân dân. Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết, mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng huyện luôn ủng hộ và sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người dân phát triển sản xuất, làm giàu từ nông nghiệp. Bên cạnh đó, người dân cũng cần đề cao tinh thần trách nhiệm, chia sẻ khó khăn với huyện, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất chứ không chỉ trông chờ vào hỗ trợ.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Ngọ Duy Hiểu chia sẻ, đối thoại là diễn đàn để người dân bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc, cùng trao đổi, bàn bạc cách tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc để phát triển kinh tế. Sau buổi đối thoại, UBND huyện cần tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của người dân và giao cho các đơn vị chức năng tập trung giải quyết. Các xã chủ động xây dựng kế hoạch đối thoại với người dân để lắng nghe, giải quyết dứt điểm các kiến nghị tại cơ sở, không để phát sinh thành các vấn đề bức xúc.