“Phù thủy sợ ma”: Đường xa vạn dặm, thương nhau bằng gì…?

Đọc sách:

“Phù thủy sợ ma”: Đường xa vạn dặm, thương nhau bằng gì…?

NDO - Những bài thơ lấp lánh sự quan sát và một cái nhìn trẻ thơ dí dỏm, bất ngờ của nhà thơ, dịch giả, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh được in trong tập “Phù thủy sợ ma”, Nhà xuất bản Kim Đồng. Thêm những hình minh hoạ sinh động của họa sĩ Kim Duẩn, “Phù thủy sợ ma” là tập thơ thiếu nhi rất phù hợp cho trẻ tiểu học. Đây cũng có thể là tác phẩm để cha mẹ đọc cho trẻ nghe hằng đêm hoặc trên một hành trình nghỉ dưỡng cuối tuần nào đó.

Là một nhà nghiên cứu và thực hành về giáo dục trẻ, Tiến sĩ Nguyễn Thuỵ Anh (hiện là chủ nhiệm Câu lạc bộ Đọc sách cùng con) có lợi thế tâm lý, hiểu trẻ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là bản thân tác giả cũng mang tâm hồn thơ trẻ và mỗi bài thơ chị viết ra trước hết là sự gửi gắm điều trong trẻo ấy của tâm hồn mình về thế giới trẻ thơ.

Những vần thơ trong “Phù thủy sợ ma” cũng như những bài đồng dao giản dị, dễ thuộc, dễ thấm. Bởi vì, với Thụy Anh “Đồng dao là những người bạn thân dễ hiểu dễ chơi nhất với trẻ. Những bài thơ bé bỏng này, tôi ước chúng được vang lên như chuỗi cười khúc khích tự nhiên, kể cho bé về thế giới, nói với bé những lời hiền hậu, thân mến.”

“Phù thủy sợ ma”: Đường xa vạn dặm, thương nhau bằng gì…? ảnh 1

Giản dị vậy thôi, nhưng làm thơ cho thiếu nhi chưa bao giờ là một việc dễ dàng và không phải là việc mà nhiều nhà thơ theo đuổi.

THỨC DẬY LÒNG YÊU CUỘC SỐNG

Mèo con ôm nắng/Giấc trưa dịu hiền/Nắng ôm mèo nhỏ/Dụi đầu bình yên/Nằm lâu nắng mỏi/Cựa mình rung rinh/Mèo vội hé mắt/Vỗ về: “Im im” (Giấc trưa).

Tập thơ có nhiều khoảnh khoắc cuộc sống đáng yêu như thế. Thơ lúc ấy như một bảo tàng lưu giữ những rung cảm đời sống qua ánh nhìn, tư duy trẻ thơ. Một ánh nhìn trong veo, sinh động mà mỗi người lớn đều từng mang và đều từng thương nhớ.

Những bài thơ như “Giấc ngủ đông”, “Đếm hoa”, “Cá sấu”, “Tia nắng đi đâu”… là những quan sát về thiên nhiên quanh trẻ như vậy: “Tối, đến giờ ngủ/Sực nhớ, bé tìm…/Tìm tia nắng nhỏ/Ngủ rồi. Lặng im…/Bé nằm ngẫm nghĩ/-Nắng ngủ ở đâu/-Nắng ngủ nhà nắng/Mai lại gặp nhau”.


Thế giới mà ta sống hằng ngày được các tác giả tái hiện trong thơ cho trẻ với một màu sắc mới vừa gần gũi vừa mới mẻ đến bất ngờ, thú vị.


Cũng giống như nhiều nhà thơ viết cho thiếu nhi khác, thế giới mà ta sống hằng ngày được các tác giả tái hiện trong thơ cho trẻ với một màu sắc mới vừa gần gũi vừa mới mẻ đến bất ngờ, thú vị. Như là bài “Đếm hoa” kể chuyện hai chú ếch rảnh rỗi ngồi đếm hoa súng tím trên mặt đầm: “Một bông… Ếch đếm “Ộp”/Hai bông…-Hai chú gào/Ba bông…Ộp ộp ộp/Bốn bông?-Đếm thế nào?”. Thế rồi hoa súng nghe ếch gọi bèn nở bung tím mặt đầm, thế là “Phải rủ thêm ếch nữa/Không thì đếm chẳng xong” và cuối cùng thì “Cả họ hàng nhà ếch/Ngồi đếm hoa rất chăm”.

Trẻ nghe xong bài thơ này hẳn là mỗi lần bước qua những đầm hoa, hoặc nghe tiếng ếch kêu sẽ hình dung ra câu chuyện sinh động, mới mẻ về họ hàng nhà ếch, về cuộc sống thiên nhiên luôn ẩn chứa một lý giải hồn nhiên nào đó.

NHỮNG VẦN THƠ CÓ NẮNG

Viết cho trẻ khó là bởi những bài học cuộc sống phải đến cùng với tình yêu. Khi lòng yêu cuộc sống tràn đầy thì trái tim mới rộng mở để đón nhận điều hay, tai mới thấy dễ chịu để nghe điều tốt. Và với trẻ, đầu tiên là phải vui.

Những bài thơ của nhà thơ Thuỵ Anh gửi những niềm thương mến, bài học cuộc sống nhẹ nhàng qua những phát hiện dí dỏm, những cái kết bất ngờ “Theo kiểu Thụy Anh” (chữ dùng của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh”. Như bài “Đi công tác” : “Cô giáo giải thích/Mình đã lớn rồi/Nên phải đến thời/Răng đi công tác/Răng sữa trắng muốt/Chia tay vội vàng/Cả lớp cười vang:/Răng đi công tác!”.

“Phù thủy sợ ma”: Đường xa vạn dặm, thương nhau bằng gì…? ảnh 2

Bài thơ “Đoán xem… mẹ tớ?” lại như một hình dung ban đầu cho trẻ về nghề nghiệp của những bà mẹ. Hay bài “Phù thuỷ sợ ma” vui vui đấy mà lý giải một điều cội rễ thẳm sâu là trong những khoảnh khoắc quan trọng của cuộc đời, tiếng gọi bật lên trong ta là tiếng gọi “Mẹ!”.

Nhiều bài thơ nhẹ nhàng, lan toả yêu thương như một vòng tay ôm ấm áp dành cho trẻ. Như bài “Món quà”, ta nghĩ về bàn tay trao và nhận niềm vui sướng, hồi hộp, mến thương bất ngờ: “Bàn tay trao hơi ấm/Bàn tay nhận tình thân, Bàn tay đưa ý nghĩ/Gọi xa xôi lại gần…”.

“Phù thủy sợ ma”: Đường xa vạn dặm, thương nhau bằng gì…? ảnh 3

“Phù thủy sợ ma” gửi gắm một lòng yêu mến, say mê với trẻ và hành trình dài làm bạn với trẻ của nhà thơ Thụy Anh.

________________________________

Đặc biệt bài thơ “Lời chúc” mang giọng điệu tiêu biểu của nhà thơ Thuỵ Anh. Bạn nhỏ hỏi mẹ: “Mẹ ơi, có điều:/Năm nào cũng viết/Lời chúc cũ hết/Đọc có chán không?”. Người mẹ trả lời: “Giống như dòng sông/Chảy hoài vẫn mới/Giống như thời gian/Đi hoài vẫn đợi…/Như một tiếng gọi/Một lời êm êm/Mỗi năm lại nói/Ngọt lành đầy thêm”. Rồi đọng lại ở đoạn kết một sự dịu dàng, xúc động: “Đường xa vạn dặm/Thương nhau bằng gì?/Thương bằng kỷ niệm/Mỗi mùa Xuân đi…”.

Có thể nói, “Phù thủy sợ ma” gửi gắm một lòng yêu mến, say mê với trẻ và hành trình dài làm bạn với trẻ của nhà thơ Thụy Anh. Những câu thơ đọc lại đều thấy những “bông nắng” mang nguồn năng lượng trong trẻo tích cực. Như cuộc chuyện trò của đôi bạn “cây” và “bé”: “Hai người bạn nhỏ/Vỗ tay nhau, cười/Tay lá xanh tươi/Tay em xinh xắn…/Rất nhiều bông nắng/Rụng xuống lòng tay/Đậu vào mái tóc/Là quà của cây”.

back to top