Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn

Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn

NDO - “Con người là một phần của thiên nhiên, không thể sống tách rời thiên nhiên. Nhà văn phải biết cách nghe thấy tiếng hát của con Thằn Lằn, tiếng thở dài của con Ốc sên, và đọc được bài thơ của con Dế trên chiếc lá mít… Hơn thế còn phải làm cho bạn đọc nhỏ tuổi tin vào những điều đó, để cùng học cách “nghe” và “đọc” nhiều thứ khác”. Đó là những chia sẻ của nhà văn Trần Đức Tiến mở đầu cuốn sách “Xóm Bờ Giậu” dành cho thiếu nhi của ông.

Đọc lại “Xóm Bờ Giậu” bản in đầu tiên năm 2018 với minh hoạ của hoạ sĩ Kim Duẩn để thấy lại những trong trẻo, thơ mộng và mới mẻ trong cách nhà văn thức dậy một thế giới tuổi thơ không bao giờ là cũ.

Cuốn sách có 25 truyện đồng thoại với những cái tên nhiều mời gọi: “Hoa Cúc Áo”, “Đã Về, đã Về”, “Trăng vùi trong cỏ”, “Cuộc đời chàng Lịch”, “Chim báo xuân”… Tranh vẽ sinh động và hài hoà với phần chữ, tạo không gian thoáng đãng cho việc đọc.

Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 1

Lấp lánh những áng văn nuôi dưỡng tâm hồn

Văn chương, muôn đời nay là vậy, dù viết về điều gì cũng vẫn là để hướng tới phần con người đẹp đẽ trong mỗi chúng ta. Văn chương viết cho thiếu nhi lại càng cần những gửi gắm tinh tế và phù hợp với lứa tuổi độc giả.

“Xóm Bờ Giậu” được tác giả chăm chút với những trang viết đẹp, đọc lên thấy mênh mang một không gian thiên nhiên đầy sức sống: “Bầy sáo con theo mẹ vỗ cánh bay vụt ra khỏi hang. Bầu trời xuân ấm áp mênh mông mở ra trước mắt chúng. Chim Sẻ trên gác chuông nhà thờ rùng mình vì mấy hạt mưa lắc rắc: Ôi chao! Mùa Xuân, mùa Xuân!”.

Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 2

Đấy cũng là những không gian chứa đựng tâm tư con người, những réo rắt của sự sống qua cảm nhận của nhân vật: “Đêm mùa Thu ở xóm Bờ Giậu bắt đầu từ lúc bài ca buồn của Thằn Lằn vừa dứt. Trăng lên. Gió mơn man khua động vòm lá trúc. Những chiếc lá trúc lấp lánh dưới trăng như tráng bạc. Hương thơm hoa Cúc Áo buổi chiều lẩn quất đâu đó trong gốc cây, bụi cỏ…

Và những trang viết dí dỏm, sinh động: “Mấy chú Chào Mào con rất khoái ăn chuối, nghe tiếng mẹ liền thi nhau nhoài ra. Nhưng mẹ chúng đã lầm. Đấy chỉ là những giọt nắng nhuộm vàng mấy trái chuối xanh. Chào Mào mẹ dụi dụi mắt, chữa thẹn: Mùa Xuân đến rồi à? Thế mà bây giờ mình mới biết.”

“Xóm Bờ Giậu” cũng không phải chỉ miêu tả thiên nhiên, mỗi câu chuyện của nhà văn còn là một lời rủ rỉ tâm tình về cuộc sống. Như thể một người cha nói với con, một người ông nói với cháu…: “Giờ thì Cún hiểu. Phố tiếp phố. Làng tiếp làng. Bến sông này nối dài tới bến sông khác… Cuối con phố của Cún là những chân trời mở ra vô tận.”


Yêu trẻ để viết cho trẻ

Viết cho thiếu nhi chắc hẳn là không dễ dàng, khi nhà văn đã cách xa tuổi niên thiếu, đã quá quen với đời sống chộn rộn của người trưởng thành. Dừng lại, trở về sâu thẳm với chính mình, sống lại những ký ức, lắng nghe bọn trẻ hôm nay, rồi tưởng tượng, rồi tái tạo cuộc sống…, chừng ấy thứ thử thách người viết. Phải yêu trẻ và kiên trì lắm, cũng như hẳn là phải yêu cái phần trẻ thơ trong chính mỗi người trưởng thành mới có thể sắm vai những cô người mẫu Ốc Sên, chú thợ săn Thằn Lằn, cụ giáo Cóc, chàng Dế Còm… để mở ra cả thế giới phong phú giúp bồi đắp tâm hồn trẻ.

Phải yêu trẻ và kiên trì lắm, cũng như hẳn là phải yêu cái phần trẻ thơ trong chính mỗi người trưởng thành mới có thể sắm vai những cô người mẫu Ốc Sên, chú thợ săn Thằn Lằn, cụ giáo Cóc, chàng Dế Còm… để mở ra cả thế giới phong phú giúp bồi đắp tâm hồn trẻ.

Các nhân vật trong “Xóm Bờ Giậu” vẫn là những nhân vật quen thuộc trong truyện cổ tích, trong truyện đồng thoại…, tuy nhiên dưới ngòi bút của nhà văn Trần Đức Tiến, chúng được tái tạo với những hình dung mới, mang góc nhìn sinh động, hài hước của trẻ thơ. Như truyện “Bài thơ trên lá mít”: “Lá Mít Vàng có lẽ là tờ báo lạ lùng nhất trong làng báo. Lạ ở chỗ, hằng năm Lá Mít Vàng chỉ xuất bản vào mùa Thu. Mùa Thu, thay vì nói “báo đã ra”, bạn đọc lại bảo “báo đã rơi”.

Ngôn ngữ của nhân vật, tình tiết câu chuyện cũng được nhà văn chú ý gây dựng sao cho gần gũi, thu hút độc giả nhỏ-một thế hệ độc giả mới vốn có quá nhiều sự chi phối trong thời đại số.

Buổi sáng trong rừng thật tuyệt: những tia nắng lấp lánh xuyên qua tán lá cây, hoa cơm nếp tỉnh ngủ toả hương thơm ngào ngạt…Sóc con tung tăng chuyền từ cành cày sang cành cây kia, vừa chuyền vừa hát:

Thức dậy đi các bạn ơi

Ta cùng nhau đến trường

Này Sóc, này Chim, này Bướm, này Ong…

Vừa hát đến đó, Sóc con chợt nghe thấy có người đang hát nhại theo mình, giọng khàn khàn:

Đói bụng không, chúng mày ơi

Tao lại không có tiền

Này bánh, này xôi, này chuối, này cam…”

Vui nhộn, dí dỏm là cách tiếp cận trẻ đầy hiệu quả tuy không phải ai cũng có thể sử dụng thủ pháp này.

Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 3

Cũng như vậy, viết về loài vật cũng là một thử thách khi nhà văn trước hết phải hiểu những tập tính cơ bản của loài vật. Sức tưởng tượng, tài sáng tạo của nhà văn chính là cây cầu nối mỗi đứa trẻ với thế giới tự nhiên quanh chúng. Những hiểu biết ban đầu, những hình dung, liên tưởng về thế giới tự nhiên qua trang sách là món quà quý mà nhà văn trao tặng cho độc giả nhỏ của mình. Từ đây, lòng yêu cuộc sống, yêu con người được gây dựng, bồi đắp.

Vậy nên, không ngạc nhiên khi nhiều trang viết, nhiều nhân vật trong trang sách thuở ấu thơ còn theo mãi ta suốt cả chặng đường dài sau này.

__________________________

“Dế Lửa lắng tai nghe. Thêm một lần chàng nhạc sĩ trứ danh ngây ngất trước thứ âm nhạc tuyệt vời cất lên từ bụi cỏ, từ chiếc bình gốm bỏ đi, từ nỗi buồn sâu kín và niềm hy vọng chưa bao giờ tắt trong tâm hồn cư dân xóm Bờ Giậu”

___________________________

Cuốn sách của nhà văn Trần Đức Tiến là những câu chuyện loài vật như thế. Bên cạnh nguồn cảm hứng không vơi cạn về thế giới tự nhiên, về muôn loài, bài học về cuộc sống cũng được nhà văn khéo léo lồng ghép. Có lẽ đây là điều khó nhất.

Làm sao để trẻ không phải tiếp nhận những lời dạy giáo điều, khô cứng? Làm sao để chuyện ứng xử nhân hậu, lối sống ngay thẳng, nghĩa tình…, cả những điều tinh tế hơn về ý nghĩa sự sống sẽ trở thành thông điệp tự nhiên, nhuần nhuyễn? Tất cả phụ thuộc vào tài dẫn dắt của nhà văn.

“Xóm Bờ Giậu” giúp trẻ “học” được những bài học ấy qua trải nghiệm với các nhân vật của mình, như trong câu chuyện “Cổ tích ấm sứt vòi”, “Cuộc đời chàng Lịch”, “Mèo nhà và mèo hoang”…

Đọc sách: “Xóm Bờ Giậu” - những ký ức nuôi dưỡng tâm hồn ảnh 4

Nhà văn Trần Đức Tiến chia sẻ về thông điệp của tập truyện Xóm Bờ Giậu. (Ảnh: Nhà xuất bản Kim Đồng)

Trong đó “Cuộc đời chàng Lịch” là một quan sát, hình dung thú vị, tinh tế: “Thời gian trôi đi. Chàng Lịch không còn phổng phao đầy đặn như hồi mới đến… Một sớm mai thức dậy, cô Búp Bê mở đôi mắt tròn xoe ngơ ngác nhìn lên. Trên bức tường quen thuộc giờ đây không thấy bóng dáng chàng Lịch đâu nữa…

Chàng Lịch theo thời gian đã không còn nhưng “Con dường đi qua trước cửa nhà ta đã rộng ra bao nhiêu! Rồi ở ngoài kia, bao nhiêu ngôi nhà mới mọc lên, bao nhiêu chú chim non ra đời, bao nhiêu trang bản thảo kín chữ…

- Anh Lịch mất đi, nhưng thời gian đã hoá thân thành cuộc sống đấy cô ạ.

***

Có thể nói “Xóm Bờ Giậu” của nhà văn Trần Đức Tiến còn là một cách nuôi dưỡng lòng yêu tiếng Việt của trẻ. Đọc cuốn sách này cùng con, cha mẹ cũng có thêm một cách kết nối nhẹ nhàng, sâu sắc với thế hệ mà chúng ta luôn muốn lắng nghe và thấu hiểu.

back to top