Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ

NDO - Cuốn sách do Nhà xuất bản Thế giới và Nhã Nam ấn hành, là một biên khảo về kiến trúc dân dụng miền nam từ cuối thế kỷ XIX đến cuối thế kỷ XX. Điểm thu hút đầu tiên là công trình này được những người “còn trẻ, thậm chí rất trẻ” của nhóm “Tản Mạn Kiến Trúc” thực hiện với mong muốn lưu giữ phần nào những giá trị di sản kiến trúc Việt Nam.

Nhóm xuất phát với 7 thành viên thuộc các chuyên ngành khác nhau (kiến trúc, nhân học, văn học, mỹ học, lịch sử, du lịch…) gồm: Trương Trần Trung Hiếu, Nguyễn Trần Trọng Nghĩa, Vương An Nguyên, Trần Nguyễn Tuấn, Nguyễn Chí Thành, Nguyễn Duy Linh, Phạm Nhật Tiến.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 1

Bày tỏ của nhóm tác giả trong lời mở đầu càng cho thấy một điểm nhìn đáng chú ý: “Tản mạn kiến trúc gồm những người trẻ thuộc thế hệ thị dân mới, thế hệ sinh ra và lớn lên trong môi trường vật chất và tinh thần của đô thị thế kỷ XXI. Toàn cầu hóa mang đến những mô hình thành phố, những hệ thống quản trị mang tính đồng đều cho tất cả các quốc gia… Thời toàn cầu hóa đang khiến cho sự phong phú về bản sắc dần trở nên mờ nhạt… Và chính sự nhân lên vô tận của những mô hình thành phố theo kiểu phương Tây khiến việc nhận diện văn hóa, bản sắc rơi vào tình trạng lâm nguy, làm cho những thế hệ sinh ra giữa các siêu đô thị rơi vào trạng thái băn khoăn và lo lắng sâu sắc về cội nguồn văn hóa của mình”.


Một nỗ lực tham gia vào xu hướng nghiên cứu

Những tác giả trẻ của cuốn sách này chỉ xem đây là một thể nghiệm trên con đường nghiên cứu kiến trúc, một nỗ lực tự thân tham gia vào các xu hướng nghiên cứu hiện nay. Hướng đi chính mà họ mong muốn là lan tỏa tri thức và khơi gợi đam mê kiến trúc, lòng yêu và trân trọng di sản tới đông đảo bạn đọc.

Thật ra, chỉ chừng ấy thôi cũng đã vô cùng đáng quý!

Và có rong ruổi với những người trẻ trên những cung đường kiến trúc dân dụng Nam Bộ qua gần 300 trang sách, mới thấy tinh thần nghiên cứu rõ nét và thái độ trân trọng di sản đáng ghi nhận.

Kết cấu cuốn sách cho thấy điều đó.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 2 Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 3

Sách có 3 chương, gồm: “Tiến trình kiến trúc miền nam”, “Kiến trúc nhà gỗ truyền thống”, “Kiến trúc nhà chịu ảnh hưởng phương Tây”, và phần Phụ lục “Sơ khảo về trang trí truyền thống”.

Các tác giả mang đến cho người đọc những bước đi thận trọng, lớp lang, đầu cuối khi tiếp cận kiến trúc dân dụng Nam Bộ trong chừng 1 thế kỷ. Mở đầu là cái nhìn bao quát, nền tảng khi “Đặt chân đến miền đất phương nam” với đặc điểm địa hình, thủy văn, sự phân bố vật liệu xây dựng. Rồi từ đó mới dần kể chuyện kiến trúc, chuyện nhà, những xu hướng, trào lưu, phong cách, những đan xen cũ mới với Art Deco, chủ nghĩa hiện đại…

Trong dòng chảy lịch sử phương nam, không chỉ linh hoạt trong việc thay đổi kiến trúc để thích nghi với các điều kiện tự nhiên và xã hội, mà con người phương nam đã lựa chọn thiên hướng cởi mở về mặt tư duy, để hình thành nên kiến trúc có độ hòa trộn cao mang dấu ấn từ nhiều nền văn hóa và thời kỳ lịch sử

Các tác giả trẻ cho rằng: “Trong dòng chảy lịch sử phương nam, không chỉ linh hoạt trong việc thay đổi kiến trúc để thích nghi với các điều kiện tự nhiên và xã hội, mà con người phương nam đã lựa chọn thiên hướng cởi mở về mặt tư duy, để hình thành nên kiến trúc có độ hòa trộn cao mang dấu ấn từ nhiều nền văn hóa và thời kỳ lịch sử”.

Và “Ngày nay, vùng đất này đã trở thành một bảo tàng kiến trúc với nhiều di sản ký ức quý giá, một kho tàng để chúng ta có thể tái khám phá, tái cảm nhận những cảm thức tinh thần của tiền nhân”.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 4

Căn cứ vào đặc trưng lịch sử, kỹ thuật, vật liệu và phong cách, nhóm tác giả chia tiến tiến trình kiến trúc miền nam thành 4 nhóm với sự kế thừa lẫn nhau. Đó là: Kiến trúc sử dụng vật liệu địa phương (nhà xây trên nền đất, nhà sàn, nhà nửa nền đất nửa sàn); Nhà gỗ truyền thống; Kiến trúc chịu ảnh hưởng phong cách cổ điển Pháp; Kiến trúc hiện đại.

Thân thuộc và ấn tượng với người đọc có lẽ là những trang viết, hình ảnh về nhà gỗ truyền thống-một sáng tạo tuyệt vời của cha ông. Thật khó lòng ngăn được cảm giác thú vị khi tiếp cận câu chuyện về hệ chiếu sáng và thông gió trong những ngôi nhà gỗ truyền thống miền nam. Cách cha ông ta điều hòa nắng gió, mang vào ngôi nhà của mình quả thực là một bản song tấu nhịp nhàng với thiên nhiên…

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 5

“Cửa thượng song hạ bản là loại cửa gắn liền với nhà gỗ miền Trung và miền Nam. Cửa bao gồm 2 phần chính: nửa trên là các thanh gỗ song song (thượng song được tạo dáng như những thanh tròn, vuông, xoắn, mắt tre và các kiểu dáng đa dạng khác); nửa dưới khép kín bằng các tấm ván-hạ bản, tạo diện tích cho các trang trí chạm trổ và khảm xà cừ… Cấu trúc này cho phép đóng không gian nhưng vẫn chừa ra các kẽ thoáng khí ở phần song. Ánh sáng lọt qua các kẽ này chiếu sáng nhẹ nhàng cho nội thất. Cánh cửa gỗ vì thế không tuyệt giao với thiên nhiên, mà thay vào đó nới rộng không gian nội thất ra ngoại giới…”.


Kể một câu chuyện phía sau kiến trúc

Cuốn sách có xu hướng tiếp cận đa ngành, khi ngôi nhà nơi sinh sống được soi rọi từ bối cảnh lịch sử, bối cảnh văn hóa… Những nhận định của các nhà nghiên cứu được trích dẫn, tham khảo cho thấy nỗ lực tiếp cận câu chuyện kiến trúc một cách sâu sắc của nhóm tác giả.

“Bằng cách soi rọi vào không gian sống của tổ tiên, chúng ta đến gần hơn với những suy nghĩ và ước vọng của họ”.

"Bằng cách soi rọi vào không gian sống của tổ tiên, chúng ta đến gần hơn với những suy nghĩ và ước vọng của họ"

Trong phần “Kiến trúc sử dụng vật liệu địa phương” câu chuyện nhà đá, nhà đạp nghe có vẻ lạ tai, nhưng là dạng thức kiến trúc mà ngày nay vẫn còn thấy ở một số vùng nông thôn.

Đó là những túp lều dựng từ một bộ khung, lớp phủ đơn giản mà “nhà cung cấp” chính là hệ thực vật địa phương… Trước những biến động và yêu cầu thích nghi của đời sống, chủ nhân ngôi nhà có thể rời đi bất cứ lúc nào, chỉ cần đá, đạp mạnh vào ngôi nhà là có thể trả nó về tự nhiên, rồi chống xuồng đi đến một vị trí khác thuận lợi hơn để xây dựng lại từ đầu.

Những biến thể khác của nhà đá/nhà đạp phản ánh phần nào tiến trình di cư, định cư của người dân phương nam.

Ở những ngôi nhà cổ có kiến trúc phức tạp hơn thì thiết kế, trang trí cho thấy vị trí, khao khát của chủ nhân, những dấu ấn lịch sử, văn hóa của thời đại mà họ sống.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 6

Từng không gian ngôi nhà cũng phản chiếu đời sống tín ngưỡng, tâm tư, tình cảm và nhiều thông tin khác trong tổ chức đời sống của các thành viên.

“Bằng cách khẽ khàng mở đôi cửa gỗ dẫn vào những không gian riêng, chúng tôi thử phác họa về một khía cạnh lặng lẽ hơn của lịch sử”, các tác giả bày tỏ.

Công trình tuy không đi sâu vào vấn đề khảo sát, đánh giá công tác bảo tồn, nhưng những thông tin rơi vào người đọc và đánh thức sự trăn trở. Đó là hình ảnh về một vài ngôi nhà cổ vô chủ, bỏ hoang… xuất hiện trong hành trình kiến trúc này.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 7

“Nội thất nhà ông Huyện Chiếu ở Chợ Gạo (Tiền Giang) là một điển hình của phong cách trang trí giai đoạn 1920-1930. Vô số tranh vẽ ảnh hưởng phong cách Art Nouveau dàn trải khắp các bề mặt trong ngoài. Sàn lót bằng đá tự nhiên nhiều màu. Ngôi nhà hiện đang trong tình trạng bỏ hoang”.

Lựa chọn lối viết giàu hình ảnh, giàu cảm xúc, nhóm tác giả biểu thị lối tương tác sâu với chủ thể nghiên cứu và với độc giả.

Đặc biệt, phần phụ lục với nhiều hình ảnh sắc nét về những họa tiết tiêu biểu khơi gợi mỹ cảm nơi người đọc. Phần “Bản đồ phân bố công trình nhà ở di sản miền Nam” mang đến cho người nghiên cứu những thông tin tham khảo, đối chiếu thiết thực.

Sách cũng có nhiều hình vẽ, minh họa về vật liệu, kết cấu giúp người đọc phổ thông thấu hiểu di sản trong đa chiều tương tác.

Đọc sách: Tản mạn kiến trúc Nam Bộ ảnh 8

Đặc biệt, với tâm huyết của những người trẻ hiểu biết, yêu di sản, “Tản mạn kiến trúc Nam Bộ” là một ví dụ cho sự “không quay lưng” của “thế hệ thị dân mới” với văn hóa, nguồn cội.

back to top