Người đọc không chỉ được trở về tuổi thơ mà còn được cùng tác giả tìm hiểu một cách hệ thống các trò chơi của trẻ em Bắc Bộ để thêm những so sánh, liên tưởng sống động về văn hóa, lịch sử, xã hội... nước ta. Như là: Các trò chơi liên quan cơ thể, Các trò chơi dùng que, Các trò chơi dùng sỏi, Đánh Đáo, Chơi diều, Các trò chơi may rủi và tìm kiếm, Các trò ma thuật…, thậm chí cả Các trò ức hiếp giễu nhại.
Tác giả đã góp nhặt tài liệu vào các năm 1940 và 1941 tại một số làng ở Bắc Kỳ, đồng thời quan sát trực tiếp các trò chơi tại các tỉnh Hà Đông, Bắc Ninh, Sơn Tây. Những người tạm trú ở Hà Nội có gốc gác ở nhiều địa phương khác cũng là nguồn cung cấp thông tin bổ ích cho nhà nghiên cứu. Cẩn trọng hơn, tác giả Ngô Quý Sơn còn chuyện trò với trẻ để kiểm chứng thông tin.
Nhưng khó nhất là xác định thời điểm ra đời một trò chơi vì ngay cả những người già nhất khi đó cũng chỉ biết họ từng chơi trò này từ nhỏ. Trong khi, lịch sử không có mấy tư liệu giúp ích cho nhà nghiên cứu.
Và tổng hợp từ các nguồn tài liệu trên, mà tác giả Ngô Quý Sơn mới biết đến một lượng lớn trò chơi vẫn chưa thành đối tượng của bất cứ nghiên cứu nào. Hơn nữa, còn rất nhiều trò chơi mà ông chưa nắm bắt được, dẫu là cho riêng vùng Bắc Kỳ.
Thấy gì qua những trò chơi?
Sự sáng tạo của trẻ em là điều dễ nhận thấy qua cách thức sáng tạo đồ chơi và cách chơi các trò chơi. Từ việc sử dụng các bài đồng dao dẫn dắt cuộc chơi đến tranh thủ những vật dụng giản đơn tạo các trò chơi như cái que, cái quần, đồng xu, hòn sỏi, bông hoa, cái lá…
Trò Nu na nu nống, Chồng đống chồng đe…thì chơi theo lời hát. Trò Quay cuồng thì cầm ba cái que ném xoay vòng trên mặt đất, nếu chúng giao nhau thành hình tam giác rỗng là thắng. Trò Thả mồi đớp bóng thì sử dụng một cái bong bóng lợn thả xuống ao, rút thăm xem ai phải bơi ra ngoạm lấy đầu sợi dây buộc bong bóng…
Các trò chơi cũng là sự phản chiếu đời sống xã hội, lao động của người lớn, nhưng được chuyển hoá qua bộ lọc và các thiết lập nội bộ của trẻ. Đó là “một xã hội nội bộ được tổ chức khá độc lập với các xã hội người lớn”, theo nhận định của nhà dân tộc học Paul Lévy.
Còn qua góc nhìn của tác giả thì “nhiều trò chơi trẻ con dường như thể hiện những gì đang chờ đợi người chơi khi họ trưởng thành”. Đó là “Nếu một bé gái tung một số lượng hòn sỏi nhất định lên không trung rồi dùng mu bàn tay đỡ lấy, sau đó lại tung chúng lên không trung rồi ngửa lòng bàn tay đỡ lấy thì đó không chỉ là hành động giải trí trẻ con mà còn là ấn tượng ban đầu về công việc sảy thóc, còn nếu một cậu bé thực hiện hành động ném sỏi vào một vòng tròn vẽ trên mặt đất thì đó cũng không phải màn giải khuây vô nghĩa mà là một bài tập luyện cho đôi tay của người trồng trọt tương lai…”
Đó là “một xã hội nội bộ được tổ chức khá độc lập với các xã hội người lớn".
Nhà dân tộc học Paul Lévy
Thêm nữa, trò chơi ở làng xã xưa có tính xã hội, tính kết nối nhất định. Dễ thấy nhiều trò chơi phải có người lớn tham gia cùng con trẻ từ khâu làm đồ chơi đến tổ chức chơi như trò thả diều.
Đặc biệt, phần Các trò giải trí khác (sáng tạo nhiều loại đồ chơi, đồ trang sức…) không chỉ cho thấy sức sáng tạo phong phú của trẻ mà hơn thế còn phản ánh sự giao hoà với môi trường, thiên nhiên của các chủ thể chơi. Đọc về trò Chọi cỏ lại liên tưởng những triền cỏ xanh miên man, gió lộng và đám trẻ với con cỏ gà trên tay thi nhau quật, cười sảng khoái. Rồi con quay làm bằng hạt trám, hạt mít, hạt nhãn, hoa súng, hoa râm bụt…; thuyền tam bản bằng lá tre; pháo tập tàng bằng đất sét; làm râu bằng lá chuối; làm mũ nhà sư bằng lá đa…
Có thể nói đó là cả một thế giới tưởng tượng, sáng tạo gắn liền với cỏ cây, muôn loài của trẻ thơ.
Thong thả cuối tuần với “Trò chơi của trẻ em ở Bắc Kỳ” thực sự là một cuộc tìm về ký ức. Đọc một bài đồng dao, xem lại hình ảnh một trò chơi khiến độc giả hồi tưởng về gia đình, bạn bè, làng mạc, quê hương và một giai đoạn nào đó của lịch sử đất nước. Giờ ở thành phố, mấy khi ta bắt gặp được hình ảnh một quả bòng tung lên cao, bàn tay trẻ thơ nhanh nhẹn nhặt những que chuyền dưới đất…
Một nghiên cứu dân tộc học về trẻ em
Trong phần Tựa, Paul Lévy– Trưởng ban Dân tộc học Viện Viễn Đông Bác cổ (thời điểm đó) cho rằng ở lĩnh vực dân tộc học, trên bình diện toàn cầu, còn những mảng nghiên cứu bị bỏ trống hoàn toàn, chẳng hạn như các xã hội trẻ em.
Vì vậy: “Về mặt này, cuốn sách của ông Ngô Quý Sơn còn là một tác phẩm tiên phong, nó đặc biệt đáng quý xét trên hai quan điểm chính: Thứ nhất, đây là công trình đầy đủ, sáng rõ và trung thực. Các trò chơi, bài vè, ngạn ngữ… được mô tả tỉ mỉ, chỉ rõ địa danh và cung cấp nhiều phiên bản khác nhau; Thứ hai, đây là công trình mang lại nguồn tư liệu đáng quý, liên quan một chủ đề hiếm khi được khai thác, lại còn về một dân tộc lớn, điều này giúp ta hiểu rõ hơn không chỉ tổng thể dân tộc đó mà cả các dân tộc khác.”
Cũng theo nhà dân tộc học này, vì không có vai trò quan trọng dưới góc độ giới tính, tôn giáo, xã hội nên trẻ có thể tự do vui đùa, giễu nhại những tập tục mà người lớn sùng kính; do đó giúp trẻ giữ lại trong các trò chơi, bài vè của mình dấu vết những phong tục cổ, thậm chí đã bị lãng quên.
Cuốn sách cũng thú vị với phần cuối giới thiệu bài viết của các trí thức như Nguyễn Văn Tố (trợ lý Viện Viễn Đông Bác cổ), Nguyễn Văn Huyên (thành viên Trường Viễn Đông thuộc Pháp), E.BOIS (giáo viên Trường Trung học Bảo hộ): “Về các bài đồng dao và các trò chơi của trẻ em An Nam”, “Ghi chú về cách xếp loại trò chơi trẻ em”, “Ghi chú về một bài đồng dao của trẻ em An Nam”. Trong đó hai bài viết của Nguyễn Văn Tố và Nguyễn Văn Huyên có ghi chép câu chuyện về bài đồng dao Chi chi chành chành liên quan sự kiện lịch sử là cuộc chạy trốn của vua Hàm Nghi năm 1885, sau khi vua Tự Đức qua đời, cũng như lời tiên tri về xứ An Nam.
Ứng hoè Nguyễn Văn Tố chỉ ra: “Không phải bài đồng dao nào cũng mang cùng một giá trị thi ca, song thảy đều cung cấp lợi ích lịch sử lớn lao; ở đó ta tìm thấy tiếng vọng của cuộc sống ở xứ An Nam qua một số cách thể hiện trang trọng nhất. Chúng phản chiếu góc nhìn kỳ lạ về những khát vọng của dân tộc, mà ở điểm này, mối quan tâm trải dài và vượt ra ngoài biên giới An Nam”.
Có thể nói các nghiên cứu dân tộc học luôn mang đến những thú vị về sự phong phú, đa dạng của các nền văn hoá. Cùng với đó nghiên cứu khu vực học với phương pháp tiếp cận đa ngành cũng luôn thúc đẩy sử hiểu biết và nỗ lực kết nối nhờ nhưng thông hiểu đó. Vì vậy, công trình này có thể là một tham khảo quý giá cho những tìm hiểu văn hoá, xã hội, lịch sử của Việt Nam, lại cũng là tư liệu thiết thực cho các ngành văn hoá sáng tạo như điện ảnh, thủ công, nghệ thuật biểu diễn…