Những tín hiệu âm thầm
Jang RyuJin sinh năm 1986, tốt nghiệp khoa Xã hội học tại Trường đại học Yonsei và sau đó là thạc sĩ chuyên ngành văn học của Đại học Dogguk. Cây bút mới của văn học đương đại Hàn Quốc này đã sớm khẳng định mình với những giải thưởng đáng chú ý như Giải thưởng Changbi lần thứ 21 dành cho tác giả mới ở hạng mục truyện ngắn (năm 2018); Giải thưởng Munhak-dongne lần thứ 11 dành cho nhà văn trẻ (2020).
“Niềm vui và nỗi buồn của công việc” do Đặng Lam Giang chuyển ngữ, Nhà xuất bản Trẻ ấn hành cuối năm 2022. Cuốn sách gồm 8 truyện được viết giản dị, chân thành nhưng đầy lôi cuốn về đời sống công sở, không khí xã hội mà giới trẻ Hàn Quốc, cũng là giới trẻ hôm nay đang hít thở, chật vật đi qua. Sự tinh tế, sống động và lối kể điềm đạm của Jang RyuJin có lẽ đã kéo độc giả đi hết trang sách cuối cùng.
Và có lẽ đúng như nhận định của các tiểu thuyết gia Hàn Quốc thì “Nếu bạn muốn làm một chiếc hộp thời gian để lưu giữ và giải thích về xã hội Hàn Quốc hiện tại thì không thể không đặt cuốn sách này vào trong đó” (Jeong Yi Hyun-tiểu thuyết gia) hay “Ban đầu tôi có nghe kể về Jang Ryujin và thấy bất ngờ với sự cuồng nhiệt của độc giả. Rồi sau khi đọc xong tập truyện, chính bản thân tôi cũng cảm thấy bất ngờ. Những câu chuyện mà Jang Ryujin kể chính là những điều mà thời đại chúng ta hiện giờ đang gặp phải” (nữ tiểu thuyết gia Pyun Hye Young)…
Những câu chuyện mà chúng ta gặp phải ấy được thể hiện thế nào trong tác phẩm đầu tay của Jang RyuJin? Bạn đọc hãy cùng tác giả khám phá bên ly cà phê vào một dịp cuối tuần.
Như một tiếng thở dài
Nếu tóm ngắn gọn thì 8 truyện ngắn của Jang Ryujin cũng chỉ xoay quanh quanh áp lực tìm việc, duy trì công việc, quan hệ đồng nghiệp, tình yêu, những vấn đề của gia đình trẻ như người giúp việc, sinh con, những mối quan hệ xã hội với người tình cờ ta gặp và cuộc mưu sinh hớt hải của ta trong cuộc đời…
Tuy nhiên, không biết có phải vì Jang RyuJin từng tốt nghiệp ngành xã hội học nên đôi mắt nhà văn của cô đã không bỏ qua những chuyển động tinh tế trong sự tương tác xã hội của con người? Những hiện tượng xã hội tưởng là nhỏ bé, cứ âm thầm len lỏi, bám rễ và dần quay lại điều chỉnh hoạt động của con người trong đời sống hiện đại…
Người đọc dễ nhận thấy không khí môi trường công sở ở những trung tâm kinh tế, đô thị lớn khi người trẻ lúc nào cũng hớt hải, cân nhắc đến từng ly cà phê để không muộn giờ làm, băn khoăn tính toán làm sao không lạm vào số tiền chi tiêu đã được hoạch định kỹ càng…
Đó là tình trạng đè nén ở các công ty khi người đứng đầu chỉ trong một tích tắc, “vì bực mình” có thể ra lệnh chuyển lương cho một nhân viên từ “tiền mặt” thành “phiếu tích điểm”.
Và cách con người tìm đến sự cân bằng ngay trong những tình huống dở khóc dở cười. Hay sự thiếu công bằng phổ biến trong trả lương cho nam và nữ cho dù đóng góp của họ không thua kém nhau.
Và nữa, những gia đình trẻ lựa chọn không sinh con để duy trì một đời sống tự do, bớt ngột ngạt… Rồi ngay cả tình yêu cũng vội vàng, với thói quen toan tính tranh thủ, đáng thương…
Nhưng với giọng kể rủ rỉ, những chi tiết có sức tải, tác giả khiến người đọc như có mặt ở đó, lắng nghe nhân vật của mình, thậm chí là một phần trong những ưu tư và đau khổ, xúc động đó.
Những chuyện như “Niềm vui và nỗi buồn của công việc”, “Hướng dẫn viên Fukuoka của tôi”, “Hơi thấp một chút”, “Sân bay Tampere”… như những tiếng thở dài, dịu dàng mà không khỏi ám ảnh. Anh chàng nhạc sĩ Jang U nổi hứng sáng tác vài giai điệu vui vui lấy cảm hứng từ chiếc tủ lạnh cà tàng của anh, nhưng “bài hát tủ lạnh” đã tạo nên cú hit lớn. Tự thấy đây không phải là tác phẩm đích thực, Jang U từ chối một nhà sản xuất phát hành bài hát này để thu lợi nhuận… Ngay trong lúc nợ nan tiền điện, Jang U còn vét nốt số tiền dạy thêm guitar kiếm được để mua về một chú chó mà ánh nhìn của nó mang đến cho anh linh cảm về “một lòng yêu mến anh vô điều kiện”…
Bạn gái bỏ đi, nhà sản xuất quay lưng, sự nghiệp chưa khởi sắc, chú chó thân thiết mà anh nhịn ăn, nhịn mặc để chăm sóc… cũng ra đi. Jang U trở về nhà, bên chiếc tủ lạnh cà tàng có hiệu suất tiêu thụ năng lượng “hơi thấp một chút” và “cảm thấy bản thân như đã an toàn trở về đúng nơi mình thuộc về, nên trong lòng cảm thấy bình yên lạ thường”…
_________________________
Với giọng kể rủ rỉ, những chi tiết có sức tải, tác giả khiến người đọc như có mặt ở đó, lắng nghe nhân vật của mình, thậm chí làmột phần trong những ưu tư và đau khổ, xúc động đó.
__________________________
Trong hành trình cuộc sống ấy của Jang U, nổi lên cả bối cảnh xã hội đương đại Hàn Quốc và cũng là một phần thế giới khi những người như Jang U cứ ngày một bị dạt xa khỏi nơi sinh sống ban đầu. Lý do là sau khi các nhạc sĩ biến khu vực này trở thành con đường âm nhạc dành riêng cho giới trẻ thì giá đất lên vùn vụt và dần đẩy tất cả mọi người, trừ số ít nhạc sĩ thành công, ra khỏi khu vực này do không chịu nổi giá thuê phòng.
Mọi câu chuyện cuộc sống cứ diễn ra tự nhiên, đôi khi như một tiếng thở dài khiến chúng ta khó lòng bỏ qua thế giới tâm tư của con người trong xã hội hiện đại, ẩn sau tiếng thở dài ấy.
Mở và đóng
Những truyện ngắn của Jang Ryujin có lối kết linh hoạt. Nhiều chuyện kết mở, có chuyện lại kết đóng. Như khi nhân vật chạy vội vào bên trong ga tàu điện ngầm, để lại những bối rối về mối tình mà chính anh đã bỏ lỡ… trong truyện “Hướng dẫn viên Fukuoka của tôi”.
Còn ở “Sân bay Tampere”, cô gái Hàn Quốc sau chặng dài vật vã giữa giấc mơ làm đạo diễn phim tài liệu đã kịp nhớ ra người bạn vong niên – một cụ ông Phần Lan mà cô gặp tình cờ trên một chuyến du lịch năm nào. Cụ ông khiếm thị (từng tham gia thế chiến thứ 2) là người dù chỉ trong vài tiếng trò chuyện với cô trong lúc đợi máy bay, đã là người chia sẻ với ước mơ của cô, động viên cô trở lại Phần Lan làm phim tài liệu về cực quang.
Bức thư cùng tấm ảnh cực quang được ông cụ gửi gắm cẩn thận đã nằm im ắng suốt 6 năm khi cô gái Hàn Quốc chật vật kiếm việc giúp gia đình. Nhưng cô đã kịp dừng lại, đã quyết định gọi điện và biết được ông lão còn sống, để không bao giờ phải ân hận về việc mình đã bỏ qua những điều quý giá trong cuộc đời…
Có thể nói, những câu chuyện nhẹ nhàng và có sức khuấy động tâm can của Jang Ryujin mang đến cho độc giả những tầng cảm thụ khác nhau.
Sẽ không thể có một câu trả lời chính xác hoàn hảo cho mọi người trong mỗi cái kết. Tuỳ vào nhận thức, nền tảng văn hoá và nhiều thứ khác, người đọc tương tác với tác phẩm và lựa chọn cách ứng xử của mình. Những trang viết giản dị, tinh tế của tác giả chỉ khơi gợi, đánh thức trong mỗi người những hạt mầm lương thiện và sự tự vấn về hạnh phúc.
Và những tín hiệu âm thầm về cuộc sống, những mối quan hệ xã hội của con người trước vòng xoáy của tăng trưởng nóng, được gửi gắm trong tác phẩm này cũng thực sự đáng để ta dành thời gian lắng nghe, cảm nhận.