Phú Thọ: Nhiều xưởng chế biến gỗ không phép ngang nhiên hoạt động

NDO - Trong những năm qua, do buông lỏng quản lý đất đai nên tại xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ, xưởng chế biến gỗ mọc lên như nấm sau mưa. Đáng chú ý, có nhiều xưởng chế biến có quy mô hàng nghìn m2 được xây dựng không phép cùng với đó là nhiều diện tích đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất bị san lấp khiến cuộc sống của người dân bị đảo lộn, ảnh hướng lớn môi trường.
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất và đất lúa ở khu 6 xã Ấm Hạ.
Nhiều cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh gỗ xây dựng không phép trên đất rừng sản xuất và đất lúa ở khu 6 xã Ấm Hạ.

Ngoài việc xây dựng không phép, nhiều cơ sở chế biến hoạt động gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc. Anh Lê Xuân Hải ở khu 6, xã Ấm Hạ, cho biết, trước đây khu vực này toàn ruộng với đất trồng rừng. Hiện nay có nhiều cơ sở chế biến gỗ mọc lên khiến môi trường bị ô nhiễm, khói bụi, tiếng ồn ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Quần áo vừa phơi giờ đã đen sì vì bám đầy bụi gỗ. Sân nhà lúc nào cũng cũng phủ một lớp bụi. Mùi khói khét lẹt khiến người dân quanh vùng khó thở, tức ngực. Đến khổ khi phải sống cạnh mấy xưởng chế biến gỗ như thế này.

Còn ông Đinh Quang Bình ở khu 7 xã Ấm Hạ cho biết thêm, bản thân từng có thời gian làm ép ván gỗ nên nắm rất rõ mức độ ô nhiễm, độc hại khi ở môi trường này. Độc hại ở chỗ, khi hoạt động, việc đốt lò, pha dung dịch keo để kết dính giữa các miếng ván sẽ gây ra mùi hôi, cay nồng nặc, có thể dẫn đến dị ứng nếu tiếp xúc với da. Nên người dân sinh sống chung quanh các xưởng chế biến gỗ ít nhiều cũng bị ảnh hưởng, nhất là khói bụi và tiếng ồn.

Theo Ủy ban nhân dân xã Ấm Hạ, trên địa bàn xã có khoảng trên dưới 40 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có nhiều xưởng lớn có diện tích từ 4.000 đến 5.000m2 chế biến gỗ và ván ép. Đáng chú ý, có những cơ sở chế biến gỗ lớn được xây dựng không phép hoặc chưa chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông, lâm nghiệp sang đất sản xuất kinh doanh.

Trong đó, đáng chú ý có các xưởng chế biến gỗ có quy mô lớn nhưng đều có vi phạm về đất đai như xưởng sản xuất và kinh doanh ván ép của hộ gia đình Nguyễn Thị Kim Nhung (Nhung Dũng) có vi phạm nghiêm trọng thủ tục đầu tư, đất đai. Ngày 10/8/2022, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hạ Hòa Nguyễn Việt Dũng ký Quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư xưởng sản xuất và kinh doanh ván ép đối với hộ kinh doanh Nguyễn Thị Kim Nhung.

Theo đó, diện tích đất dự kiến sử dụng hơn 4.500m2, tổng mức đầu tư 15 tỷ đồng, thời gian hoạt động 30 năm, địa chỉ thực hiện dự án ở khu 6, xã Ấm Hạ, từ tháng 1 đến tháng 5/2023 thực hiện xây dựng các hạng mục dự án. Đồng thời, theo Quyết định, dự án này phải hoàn thành đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ… trước khi triển khai xây dựng; đầu tư dự án theo đúng nội dung quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, nhà xưởng này đã san gạt và xây dựng từ tháng 1/2022. Đến nay, nhà xưởng cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động và chưa hoàn thiện các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Cũng tại khu 6, Nhà máy sản xuất chế biến gỗ trên của Công ty TNHH sản xuất và thương mại Minh Thành Phú Thọ, được xây dựng từ năm 2018 với diện tích khoảng 5.000m2, nguồn gốc là đất phi nông nghiệp.

Được biết, Nhà máy này đã có chủ trương đầu tư, tuy nhiên, đơn vị đăng ký đến cuối năm 2022 mới chuyển đổi sang đất sản xuất kinh doanh. Mặc dù chưa hoàn thiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng đơn vị này đã xây dựng, sản xuất, kinh doanh. Về việc này, Ủy ban nhân dân xã Ấm Hạ đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính.

Phú Thọ: Nhiều xưởng chế biến gỗ không phép ngang nhiên hoạt động ảnh 1

Ông Chu Văn Sỹ ở khu 7 xã Ấm Hạ, đã tự ý san gạt hàng nghìn m2 đất trồng rừng sản xuất và đất trồng lúa.

Ngoài ra, tại khu 7 gia đình hộ ông Chu Văn Sỹ cũng ngang nhiên san lấp hàng nghìn m2 đất nông lâm nghiệp để làm cơ sở sản xuất chế biến kinh doanh gỗ. Theo Ủy ban nhân dân xã Ấm Hạ, ngày 10/11/2021 nhận được tin báo của nhân dân, đoàn kiểm tra của xã đã tiến hành kiểm tra thực địa và phát hiện ông Chu Văn Sỹ tự ý san hạ cốt nền tại các thửa đất số 145+146, 147, 148, 148A và 155 tờ bản đồ số 11 thuộc khu 7. Đây là những thửa đất có mục đích sử dụng làm đất trồng rừng sản xuất và đất trồng lúa. Trong đó, đất trồng rừng khoảng 1.100m2; đất trồng lúa hơn 1.400m2. Được biết, mục đích san hạ để lấy mặt bằng sản xuất nhưng chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Về việc này, Ủy ban nhân dân xã đã lập biên bản báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định.

Liên quan đến vi phạm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ trên địa bàn xã, ông Phạm Quốc Đại, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ấm Hạ thừa nhận các cơ sở trên có vi phạm về đất đai. Tuy nhiên, trong những năm qua, do nhu cầu của người dân cần mặt bằng để sản xuất, chế biến, kinh doanh gỗ rất lớn nên nhiều hộ đã tự ý san gạt đất rừng, đất ruộng. Trong thời gian tới, xã sẽ kiểm tra, rà soát và có báo cáo lên cấp trên xử lý để các đơn vị thực hiện theo đúng quy định.