Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị:

Phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa

Trong bối cảnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng đi vào chiều sâu, “đã trở thành phong trào, thành xu thế không thể đảo ngược”, cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản đã cung cấp “cẩm nang” về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu sâu sắc, toàn diện những vấn đề lý luận, thực tiễn về nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: noichinh.vn)
Cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: noichinh.vn)

Một trong những tư tưởng chỉ đạo của Đảng được thể hiện trong cuốn sách, là nhất quán phương châm “phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc”.

Theo Tổng Bí thư, vấn đề căn cơ trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phòng ngừa từ xa, từ sớm mà trọng tâm là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đặc biệt là phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, tức là trị tận gốc tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng là đòi hỏi tất yếu trong quá trình phát triển hiện nay. Và “gốc” của vấn đề có tính chất quyết định mọi thắng lợi vẫn là đội ngũ cán bộ và yêu cầu bức bách về đổi mới đội ngũ cán bộ.

Tổng Bí thư chỉ rõ, phải chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để có một đội ngũ cán bộ có đủ kiến thức và năng lực lãnh đạo, quản lý, có phong cách làm việc mới, có sức chiến đấu cao, đáp ứng được yêu cầu mới.

Muốn đổi mới được đội ngũ cán bộ, phải nắm vững tiêu chuẩn cán bộ và đổi mới quan điểm về đánh giá cán bộ. Phải lấy hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ, xuất phát từ yêu cầu thực hiện nhiệm vụ chính trị để bố trí cán bộ... Việc lựa chọn cán bộ phải được tiến hành một cách khách quan, vô tư, xuất phát từ lợi ích chung của cách mạng và từ chính sách cán bộ thống nhất của Đảng.

Từ khi thành lập, Đảng ta đã luôn chăm lo công tác bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ với sự nhất quán về quan điểm coi cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu “then chốt” của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Kế thừa kết quả sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 khóa VIII về Chiến lược cán bộ, tại Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII, Đảng ta một lần nữa đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng.

Với hai trọng tâm và năm đột phá, Nghị quyết hướng tới phấn đấu xây dựng cho được đội ngũ cán bộ các cấp có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Không phải ngẫu nhiên Đảng đã đặt yếu tố “phẩm chất” lên hàng đầu và trong 8 nhóm giải pháp, nhóm số 1 là nâng cao nhận thức, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên.

Qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng giai đoạn vừa qua cho thấy, không ít cán bộ, trong đó nhiều cán bộ cấp cao, có năng lực, trình độ, được đào tạo bài bản, trưởng thành qua quá trình rèn luyện ở nhiều vị trí khác nhau nhưng đã thiếu tu dưỡng, rèn luyện, bị tha hóa, cám dỗ bởi danh lợi thấp hèn, dẫn đến vi phạm kỷ luật, kỷ cương của Đảng, pháp luật Nhà nước.

Nhiều trường hợp phải trả giá rất đắt cho hành vi không kiểm soát được lòng tham, bất chấp kỷ cương, phép nước, bị kỷ luật về Đảng, bị truy tố trước pháp luật.

Do đó, tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, chú trọng nội dung xây dựng Đảng về đạo đức là giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa.

Mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người có chức, có quyền cần coi trọng xây dựng văn hóa liêm chính, ý thức trách nhiệm, tự giác tu dưỡng, rèn luyện và nêu gương. Đó không chỉ là nhận thức mà cần trở thành hành động với quyết tâm chính trị cao, để từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín theo chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới.