Phối hợp quản lý tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu

NDO - Ngày 29/8, UBND tỉnh Quảng Nam-UBND TP Đà Nẵng tổ chức lễ ký kết thoả thuận phối hợp về quản lý tổng hợp tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng trong thời gian đến.
0:00 / 0:00
0:00
Hai địa phương ký kết phối hợp trong thời gian đến.
Hai địa phương ký kết phối hợp trong thời gian đến.

Theo đó, hai bên sẽ thực hiện 8 nội dung cụ thể: tiếp tục duy trì thể chế liên tỉnh-thành phố để hợp tác, điều phối các hoạt động liên quan; đề xuất, kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các biện pháp bảo đảm thực hiện quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn và kiến nghị giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.

Tăng cường công tác phối hợp theo dõi, giám sát diễn biến tài nguyên nước, các hoạt động khai thác, sử dụng, tài nguyên nước, phòng, chống và khắc phục hậu quả, tác hại do nước gây ra trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Tăng cường phối hợp trong công tác bảo vệ môi trường lưu vực sông và vùng bờ Quảng Nam-Đà Nẵng, ứng phó với biến đổi khí hậu; phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực, kiến thức, nhận thức; nâng cao năng lực quan trắc, giám sát lưu lượng, chất lượng nước lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn.

Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để đề xuất các giải pháp quản lý tổng tài nguyên nước, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; Huy động các nguồn lực trong nước và quốc tế để hỗ trợ việc thực hiện.

Hệ thống sông Vu Gia-Thu Bồn có diện tích lưu vực 10.350km2, bắt nguồn từ địa bàn tỉnh Kon Tum chảy qua tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và đổ ra Biển Đông.

Một trong những nguyên nhân thiếu nước trong mùa cạn trên lưu vực sông là phân bố dòng chảy không đều. Chế độ mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa, gia tăng hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô.

Bên cạnh đó, rừng đầu nguồn bị suy giảm, tình trạng phá rừng đã ở mức báo động gây ảnh hưởng nghiêm trọng nguồn sinh thủy trên lưu vực sông.

Kinh tế-xã hội phát triển cùng đô thị hóa, công nghiệp hóa, tăng dân số làm gia tăng yêu cầu cấp nước cả về số lượng và chất lượng, gia tăng các hoạt động xả nước thải.

Ngoài ra, việc vận hành của các công trình hồ chứa thủy điện, thủy lợi trên lưu vực nếu không hợp lý sẽ làm suy giảm, cạn kiệt dòng chảy, nhất là ở hạ lưu các công trình hồ chứa, đập dâng thủy lợi, thủy điện.

Trước những thách thức nêu trên, việc tiếp tục tăng cường phối hợp giữa hai địa phương lần này góp phần nhằm tối đa hóa các lợi ích kinh tế, hài hòa lợi ích giữa các đối tượng sử dụng, bảo đảm sự bền vững của các hệ sinh thái phụ thuộc vào nguồn nước. Đồng thời, ngăn ngừa sử dụng lãng phí nước và phòng chống các tác hại do nước gây ra trên lưu vực.