Trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn hiện có sáu hồ thủy điện với tổng dung tích hữu ích 1,18 tỷ m3 nước, Trong đó, hồ chứa lớn có khả năng điều tiết đáp ứng nhu cầu nước ở vùng hạ du là A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh và Sông Bung 4.
Tuy nhiên, trong năm 2015, do lượng mưa trên địa bàn quá thấp, lưu lượng nước về các hồ ít, thiếu hụt từ 40% - 60% so với trung bình nhiều năm. Đến ngày 31-12-2015, hồ A Vương chỉ đạt cao trình 361 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 18,4 m, lượng nước tích trữ chỉ đạt 45% so với dung tích thiết kế, ba hồ còn lại cũng không tích đủ nước do với cao trình tối thiểu.
Do vậy, từ ngày 8-12-2015 đến nay, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia đã tạm thời cho Nhà máy thủy điện A Vương dừng phát điện để thêm nước. Nhưng đến ngày 1-3-2016, lượng nước của hồ thủy điện A Vương cũng chỉ đạt cao trình 370,1 m, thấp hơn mực nước dâng bình thường gần 10 m, và thủy điện A Vương tiếp tục dừng phát điện để tích nước.
Các nhà máy thủy điện khác cũng chỉ phát điện khác cũng chỉ phát cầm chừng theo yêu cầu. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến nguồn nước hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn vùng hạ lưu giảm mạnh, khiến tình trạng nhiễm mặn diễn ra sớm, kéo dài từ trước tết đến nay.
Tại cuộc họp, các ngành chức năng TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam cho rằng, sau khi Chính phủ đã ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn từ tháng 9 năm ngoái, việc xả nước các thủy điện đã đi vào quy cũ, hạn chế ảnh hưởng đến vùng hạ du.
Tuy nhiên, một số thủy điện không thực hiện nghiêm quy trình này, khiến lượng nước về hạ du không ổn định, độ mặn xâm nhập sâu. Từ đầu tháng 2 đến nay, dù chưa tới mùa khô nhưng tình trạng nhiễm mặn ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn đã trở nên gay gắt. Công ty Cấp nước Đà Nẵng phải vận hành trạm bơm dự phòng An Trạch để cấp nước cho TP.
Ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đề nghị, các chủ hồ chứa cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền trong việc xả nước chống hạn: Phải nghiêm chỉnh thực hiện theo quyết định của Thủ tướng để vận hành đáp ứng được nước cho hạ du.
Việc vận hành quy trình hoạt động liên hồ chứa trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn trong tình hình hiện nay cần linh động theo thực tế, không nên quá cứng nhắc, vì thời tiết năm nay khô hạn ngoài dự kiến. Đồng thời, một số nhà máy thủy điện cần lắp đặt camera để chính quyền các địa phương có thể giám sát việc xả nước.
Ông Hoàng Văn Bảy, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị, các chủ hồ chứa thủy điện thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt. UBND tỉnh Quảng Nam cần chủ động phối hợp với các đơn vị vận hành thủy điện linh động trong việc điều hành xả nước cho hạ du.
Kết luận buổi làm việc, Trưởng đoàn công tác liên bộ, Thứ trưởng Công thương Hoàng Quốc Vượng yêu cầu, hai địa phương là Quảng Nam và TP Đà Nẵng cùng các đơn vị vận hành thủy điện trên địa bàn, cứ 10 ngày một lần rà soát thực tế lượng mưa, lượng nước về hồ và nhu cầu cấp nước sản xuất, sinh hoạt để điều chỉnh kịp thời, tránh tình trạng lãng phí nước.
Yêu cầu đặt ra trong giai đoạn hiện nay là ưu tiên cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt một cách hợp lý, hiệu quả trong suốt mùa khô 2016, đồng thời vẫn phải bảo đảm về an ninh năng lượng.
Trong trường hợp có sự khác biệt, cần điều chỉnh quy trình xả nước của các thủy điện, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ có quyết định cụ thể, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước của hạ du và dự trữ để phục vụ xả nước phát điện trong thời gian cao điểm mùa nắng nóng (tháng 4, 5 và 6-2016).
Tình trạng khô hạn đầu nguồn sông Vu Gia, đoạn qua huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam xảy ra ngay cuối mùa mưa 2015.