Tham nhũng tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực
Tại phiên chất vấn Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sáng 8/6, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (đoàn Quảng Ninh) cho biết, trong thời gian qua, tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn góp phần giữ vững ổn định và tạo đà cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Đại biểu cho rằng, tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, bảo đảm quyền lực được thực thi trong khuôn khổ.
Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, trong Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đã đưa ra 8 bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học rất quan trọng là muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả, phải kiểm soát được quyền lực.
Nhấn mạnh việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, Phó Thủ tướng nêu lý do: Thứ nhất, quyền lực luôn có xu hướng bị tha hóa nếu không kiểm soát; tham nhũng, tiêu cực là khuyết tật bẩm sinh của quyền lực. Do đó, kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng, chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Thứ hai, chủ nghĩa cá nhân dẫn đến suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống. Suy thoái này là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.
Thực tiễn phòng, chống tham nhũng những năm vừa qua cho thấy rằng, phải kiểm soát quyền lực với cơ quan thực hiện quyền lực nhà nước, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cho rằng, thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.
Về giải pháp trong thời gian tới, Phó Thủ tướng cho rằng, phải hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước. Theo đó, cần xác định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mỗi cơ quan quyền lực nhà nước trong thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp.
Đồng thời, phải tiếp tục đổi mới và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, truy tố, xét xử. Bên cạnh đó, phải tăng cường giám sát, kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn như cơ chế tập trung dân chủ, công khai minh bạch, thực hiện trách nhiệm giải trình.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh với những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện; phải kết hợp chặt chẽ giữa cơ chế kiểm soát của Đảng, của nhân dân, giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vai trò của các tổ chức đoàn thể, báo chí… để phòng, chống tham nhũng tốt hơn.
Sử dụng dòng tiền chưa hợp lý khiến thị trường bất động sản, trái phiếu đóng băng
Đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Sùng A Lềnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai nêu rõ, thời gian qua, thị trường bất động sản đóng băng, doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn, thanh khoản dòng tiền.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể nói là khủng hoảng, nhiều doanh nghiệp bất động sản chậm thanh toán gốc và lãi trái phiếu, nhất là trong bối cảnh áp lực đáo hạn và trả nợ trái phiếu doanh nghiệp năm 2023 là rất lớn. Điều này gây bức xúc cho nhiều người dân, làm sụt giảm niềm tin của thị trường và nhà đầu tư nên việc huy động vốn từ phát hành trái phiếu đạt thấp sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội.
Do đó, đại biểu Sùng A Lềnh đề nghị Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề này, những giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường này phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Sùng A Lềnh, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, hiện nay, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến điều hành kinh tế vĩ mô. Nguyên nhân bởi quản lý, sử dụng dòng tiền trong đòn bẩy tài chính còn chưa hợp lý, có một số vi phạm, sai phạm trên thị trường, các doanh nghiệp gặp khó khăn tài chính sau đại dịch Covid-19…
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Phó Thủ tướng phân tích, thị trường bất động sản gặp khó khăn do nguyên nhân pháp lý, cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý, chưa phù hợp, năng lực của chủ đầu tư còn hạn chế.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do hai Phó Thủ tướng làm tổ trưởng để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp.
Theo Phó Thủ tướng, hai tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để hoàn thiện căn cứ pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm công khai, minh bạch, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức, pháp luật, ổn định tâm lý.
Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định, chỉ đạo trực tiếp các dự án bất động sản. Gần đây tín hiệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn nhưng trong quý I/2023, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đã ổn định được tình hình, việc phát hành, thanh toán, gia hạn, đáo hạn đã ổn định.
Phó Thủ tướng nêu rõ, quan điểm của Chính phủ là dần tháo gỡ khó khăn trên tinh thần thực hiện trách nhiệm trên hợp đồng dân sự, nhưng Nhà nước cũng cần tham gia kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy việc thực hiện theo các cam kết, nghĩa vụ, đồng thời xử lý nghiêm nếu có sai phạm để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, nhà đầu tư.
Giải pháp trọng tâm giải quyết vấn đề mất việc, giảm giờ làm
Đại biểu Vương Thị Hương - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) |
Tại phiên chất vấn, đại biểu Vương Thị Hương (Hà Giang) đặt câu hỏi về thực trạng cắt giảm lao động, giảm giờ làm, nghỉ việc luân phiên, nhất là ở các ngành thâm dụng lao động, xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, chế biến gỗ, điện tử… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân. Đại biểu đề nghị Phó Thủ tướng cho biết định hướng và các giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này trong thời gian tới.
Trả lời vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhận định, trong những tháng đầu năm nay đã xảy ra tình trạng mất việc, giảm việc của người lao động ở những thành phố lớn, khu công nghiệp hay khu vực trọng điểm kinh tế trên cả nước.
Theo đó, số lao động bị ảnh hưởng khoảng 510 nghìn người, trong đó 279 nghìn lao động bị mất việc, thôi việc, 195 nghìn lao động bị cắt giảm giờ làm.
Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp để doanh nghiệp hoạt động bình thường, có hiệu quả, cải thiện tình hình hoạt động, từ đó đáp ứng nhu cầu việc làm của công nhân, xử lý được tình huống giãn việc.
Cùng với đó, các ngành, các cấp và địa phương thực hiện chính sách liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động, tăng cường kết nối cung cầu, tạo điều kiện để người lao động tiếp cận việc làm ở các sàn giao dịch việc làm tại địa phương…
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các địa phương, bộ, ngành nắm bắt kịp thời, ngăn chặn những thông tin không đúng sự thật, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, việc làm và ảnh hưởng đến hành vi của người lao động khi rút bảo hiểm xã hội một lần.