Theo Quyết định, Tri thức dân gian Phở Nam Định (tỉnh Nam Định) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình tri thức dân gian.
Theo đó, Phở Nam Định đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.
Phở là một trong những món ăn nổi tiếng nhất của Việt Nam, trong đó Nam Định và Hà Nội là hai địa phương được coi là nơi xuất phát của món ăn này. Phở Nam Định và phở Hà Nội nổi tiếng không chỉ về tính chất món ăn mà còn cả về bề dày văn hóa. Ở Nam Định, một trong những làng nghề phở nổi tiếng nhất và lâu năm nhất là làng Vân Cù, huyện Nam Trực. Nhiều nghệ nhân phở nổi tiếng trong và ngoài nước, hiện vẫn đang làm nghề có xuất thân từ Vân Cù.
Được biết, nghề phở đã có ở đây từ đầu thế kỷ 20, khi nhà máy dệt được xây dựng và đi vào hoạt động, người dân ở đây đã chế biến phở từ các món ăn quen thuộc như bún xáo, bánh đa… đem bán ở những nơi có nhà máy, bến tàu, bến cảng, ga xe lửa… Nghề phở ở Vân Cù hình thành và được truyền lại qua nhiều thế hệ. Đến nay, nhiều gia đình ở Vân Cù đã có tới 3-4 thế hệ theo nghề truyền thống.
Việc "Phở Nam Định" trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là cơ sở bước đầu để Chính phủ đệ trình Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) xem xét, ghi danh "Phở Nam Định" vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.