Hà Nội nhớ... phở

Khi giãn cách, một trong những nỗi nhớ hiện hữu của người Hà Nội là phở...

Phở là một thói quen ẩm thực hằng ngày, nay đã trở thành một nỗi nhớ trong những ngày giãn cách của người Hà Nội, và nhiều người đang tìm mọi cách để làm “dịu” cảm xúc nhớ nhung này.

Phở không chỉ là món ăn quen thuộc, mà còn là một thói quen, một nếp sống của nhiều người sinh sống ở Hà Nội.

Buổi sáng, mở đầu ngày mới bằng bát phở vừa ấm nóng ngon lành, vừa đầy đủ dinh dưỡng, rồi tráng miệng bằng một chén trà, nhiều người bắt đầu một ngày làm việc như vậy.

Buổi trưa, nếu không muốn ăn cơm, thì nhiều khi phở cũng lại là một lựa chọn đầu tiên mà nhiều người nghĩ đến, so với các món khác.

Một trong những thú vui của thưởng thức phở là khi ngồi vào bàn, gọi một bát tái chín, tái lăn, tái nạm, tái gầu, gầu giòn, hoặc chỉ đơn giản là tái, hay chín…., rồi chờ trong mùi thơm sùng sục của nồi nước phở đang sôi, mùi thơm cay của chai tương ớt, mùi chua chua dịu dịu pha hương tỏi nồng nồng của chai dấm tỏi.

Buổi tối, nếu nhỡ ngại hoặc bận việc gì mà bỏ lỡ bữa cơm nhà, phở vẫn là món được nghĩ đến trước. Tất nhiên không ai chọn ăn phở cả ba bữa, nhưng cũng không ngoại lệ, có người có thể ăn cả ba bữa phở một ngày mà không chán.

Phở trở nên quá quen thuộc, giống như một thói quen thường ngày, mà dường như đôi lúc người ta quên mất là thói quen đó có tồn tại. Cũng giống như việc uống một cốc nước, hay lựa chọn một chiếc áo để mặc trước khi ra đường, quen đến mức có khi chẳng ai nghĩ đến mà cứ thế làm.

Chỉ đến khi dịch bệnh xảy ra, cuộc sống đảo lộn. Thành phố ở trong tình trạng giãn cách nửa tháng, 1 tháng, và cho đến nay đã là gần 2 tháng.

Gần 2 tháng đó, thay vì ăn sáng ở ngoài, là ăn sáng ở nhà, ăn trưa ở nhà, và ăn tối đương nhiên vẫn ở nhà. Những ngày đầu của đợt giãn cách, ít người để ý, và chưa thấy có gì khác lắm. Thời gian trôi đi, và việc một thói quen bỗng dưng bị dừng lại ngày càng ảnh hưởng rõ rệt hơn.

Không được ra ngoài ăn món phở quen thuộc, nhiều người bắt đầu nhớ. Nỗi nhớ lớn dần lên, và người ta bắt đầu khỏa lấp nó bằng những ký ức.

Những group về phở trên mạng xã hội bỗng đông thành viên hơn, nhiều bài viết hơn, ảnh cũng nhiều và đẹp hơn. “Review Phở”, “Nghiện Phở”, “Công thức nấu phở”, “CLB Tuần Phở”, “Đạo Phở”, “Phở Hà Nội”, “Nhóm Phở”… chỉ là một số nhóm, trang tiêu biểu về phở, trong số rất nhiều trang, nhóm, hội chỉ chuyên về món ăn được rất nhiều người yêu thích này.

Người ta cùng nhau kể về món phở yêu thích hợp khẩu vị của mình. Có hàng trăm quán phở đáp ứng những loại khẩu vị khác nhau, thì cũng có hàng nghìn bài viết kể về những quán phở mang hương vị riêng mà mình yêu thích ấy.

Dường như nỗi nhớ không chỉ còn cụ thể là một món ăn, với miếng thịt thơm mềm phủ trên bát phở nóng còn bốc hơi lên nghi ngút, giữa màu xanh của hành, màu trắng của bánh phở, màu đỏ của miếng ớt tươi còn xộc lên mùi cay, mà đã trở thành nỗi nhớ về một thói quen lâu rồi chưa được thực hành, một thói quen mà chỉ khi không còn nữa, người ta mới nhận ra và nhớ đến nó.

Phở thì có phở bò và phở gà, nhưng dường như nỗi nhớ dành cho phở bò đậm vị hơn hẳn. Không phải vì mức độ phổ biến của hai loại phở này, mà bởi vì phở bò có rất nhiều loại, và nó đáp ứng được đủ mọi loại khẩu vị khác nhau, kể cả trái ngược nhau. Và cái vị nồng đậm đượm từ nước dùng đến thịt của phở bò dường như được nhắc nhớ nhiều hơn vị thanh dịu của phở gà.

Nguyên liệu cho món "phở tại gia".

Nguyên liệu cho món "phở tại gia".

Nhớ phở, kể về phở, đăng những bức ảnh phở từ lúc chưa giãn cách, nói về những quán phở quen và ưa thích của mình, dường như vẫn chưa thể đủ để khỏa lấp nỗi nhớ. Vậy là người ta tìm cách để tự nấu ra được món phở yêu thích.

Phở "tại gia" tự nấu.

Phở "tại gia" tự nấu.

Những mẹo nấu phở như thế nào cho ngon được chia sẻ. Từ cách chọn xương bò, rửa xương, ninh xương, cách thêm bớt các loại gia vị, cách chọn loại bánh phở và thịt nào phù hợp trong điều kiện giãn cách. Mùa nhớ phở, ai có được bát phở từ bánh tươi với thịt bò mềm tươi rói, mớ hành phủ xanh bát và lát ớt cũng tươi rực rỡ, thì được đùa là “có điều kiện”, “nhà giàu”…

Chẳng thế mà có người vừa khoe bát phở phủ đầy hành xanh, liền được bạn bè vào “tị nạnh”, bởi những ngày giãn cách, đến rau xanh còn phải nghĩ cách cấp đông, thì hành tươi là một sự xa xỉ với bất kỳ bà nội trợ nào.

Người nào khó đi chợ hơn, đành khoe bát phở với bánh khô, thịt bò đông lạnh, và hành đôi khi cũng đông lạnh nốt vì “vét đồ dự trữ trong tủ đông”. Nhưng đâu có sao, miễn là lúc thèm lại có được đúng thứ mình thèm. Miếng lúc đói bao giờ cũng là miếng ăn ngon nhất, và miếng lúc thèm, đương nhiên luôn là miếng “đã” nhất, bất kể hoàn cảnh và điều kiện tạo ra không được như thường lệ.

Mùa nhớ phở, khi các “tín đồ” của “đạo phở” nhớ phở cồn cào, thì các hiệu phở lại im vắng cửa đóng then cài theo yêu cầu chống dịch. Nhưng nhiều chủ hiệu ấy cũng “nhớ phở”, bên cạnh nỗi nhớ khách, và thế là nhiều cách “chống nhớ” khác nhau lại ra đời. Có những hiệu bật mí xíu xiu những mẹo này mẹo kia để bát phở tự nấu giống hơn, mang nhiều hơn hương vị ngoài hàng.

Có những hiệu phở nhanh nhạy, nhận ra một hướng làm ăn mới, bèn cung cấp từ A-Z nguyên liệu đầy đủ cho món phở, thường sẽ là một combo 3-4 bát, với thịt, rau, bánh, tương ớt, nước dùng, thực khách ăn chỉ việc cho vào nồi đun sôi sùng sục rồi múc ra bát.

Nếu có thiếu, chỉ thiếu đôi chiếc quẩy nóng giòn, vì hàng phở không tự làm ra được quẩy để cho vào combo mà thôi.

Suất phở được ship đến tay khách hàng với đầy đủ nguyên liệu.

Suất phở được ship đến tay khách hàng với đầy đủ nguyên liệu.

Những ngày “nhớ phở” vẫn đang trôi đi, và đến một lúc nào đó, cũng phải qua. Không phải vì người ta hết nhớ phở, mà vì bệnh dịch khi đó đã được đẩy lùi, tỷ lệ người được tiêm vaccine cao hơn, các hoạt động xã hội sẽ được quay trở lại bình thường. Khi đó, bất chợt một lúc nào đó, người ta sẽ lại nhớ về những ngày đã từng “nhớ phở” như bây giờ, nhưng chỉ là một sự nhắc lại của ký ức.

Phở là thức quà không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

Phở là thức quà không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của người Hà Nội.

Nội dung: TUYẾT LOAN
Trình bày: TUYẾT LOAN, MINH DUY
Ảnh: ĐĂNG ANH, Nhóm PHỞ HÀ NỘI