Phó Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang

NDO - Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh Hà Giang đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang.

Chiều 17/10, tại Phủ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gặp mặt Đoàn đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cùng với sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số, tình hình kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước phát triển rõ rệt.

Đồng thời, sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, phong phú; đời sống vật chất và tinh thần không ngừng cải thiện; tình hình an ninh trật tự được giữ vững; khối đại đoàn kết các dân tộc được củng cố và tăng cường.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh, đất nước ta đang đứng trước thời cơ để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Bối cảnh và yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng đòi hỏi sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong đó có vai trò vô cùng quan trọng của đồng bào các dân tộc thiểu số trong cả nước.

Phó Chủ tịch nước ghi nhận và biểu dương những kết quả, thành tích mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã đạt được trong thời gian qua; biểu dương những đóng góp tích cực, hiệu quả của đồng bào dân tộc thiểu số trong xây dựng tỉnh Hà Giang nói riêng, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Giang vẫn là một tỉnh khó khăn của cả nước. Tỉnh có địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, thường xuyên bị tác động bởi thiên tai, biến đổi khí hậu; trình độ dân trí không đồng đều; kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường đầu tư, song chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là các xã, thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phó Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang ảnh 1

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi gặp mặt.

Phó Chủ tịch nước đề nghị, tỉnh Hà Giang cần tiếp tục quan tâm, củng cố, duy trì và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, góp phần khuyến khích, vận động bà con vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn; phát huy tiềm năng thế mạnh của tỉnh, tìm ra những mô hình phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội cho bà con nhân dân.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội; đặc biệt quan tâm bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đi đôi với công tác cải tạo xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Đồng thời, xây dựng địa phương trở thành điểm đến kinh tế-văn hóa-du lịch-dân tộc đặc sắc.

Đồng thời, chăm sóc sức khỏe cho người dân, chăm lo cho người có công, để đời sống bà con nhân dân ngày càng được nâng lên, sống hạnh phúc trên chính quê hương của mình, được hưởng những thành tựu phát triển của đất nước.

Tại buổi gặp mặt, đồng chí Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang nhấn mạnh, sau 5 năm thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang lần thứ III năm 2019, có 8/10 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra. Tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng tiếp tục có bước phát triển khá.

Phó Chủ tịch nước gặp mặt đại biểu dân tộc thiểu số tiêu biểu tỉnh Hà Giang ảnh 2

Toàn cảnh buổi gặp mặt.

Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm gần 6%; các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm hơn 6%. Ba Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt; tập trung bố trí nguồn lực cho giai đoạn 2021-2025 hơn 10 nghìn tỷ đồng.

Kết quả đã thực hiện hơn 400 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng duy tu, bảo dưỡng trên 300 công trình trên địa bàn các huyện, xã, thôn; hỗ trợ nhà ở cho hơn 10 nghìn hộ; hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho hơn 960 hộ; thực hiện 900 dự án liên kết sản xuất; đào tạo nghề cho hơn 21.500 lao động; triển khai gần 600 dự án mô hình giảm nghèo...

Bên cạnh đó, công tác dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã từng bước phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương; thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.