Hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hỗ trợ khởi nghiệp trong sản xuất, kinh doanh là chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước nhằm phát huy năng lực, sức sáng tạo của các chủ thể trong phát triển kinh tế-xã hội. Tại tỉnh Kon Tum, việc hỗ trợ khởi sự kinh doanh và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tuy còn gặp một số khó khăn, nhưng đã nhận được sự quan tâm chú trọng của cấp ủy, chính quyền các cấp, bước đầu tạo động lực cho các chủ thể mạnh dạn triển khai các ý tưởng, vươn lên làm giàu chính đáng.
Khởi nghiệp gắn với các giá trị văn hóa truyền thống đang là xu hướng được nhiều người trẻ tại Kon Tum quan tâm.
Khởi nghiệp gắn với các giá trị văn hóa truyền thống đang là xu hướng được nhiều người trẻ tại Kon Tum quan tâm.

Bài 1: Những tín hiệu tích cực

Nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đã giúp hành trình khởi nghiệp tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum khởi sắc, khơi dậy và phát huy tiềm năng, thế mạnh tại chỗ của địa phương.

Những năm gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã tập trung phân bổ và lồng ghép các nguồn lực, đầu tư hạ tầng phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân.

Các mô hình khởi nghiệp đã từng bước phát huy hiệu quả, tăng cường liên kết, từ đó thúc đẩy phong trào khởi nghiệp tại địa phương nói chung và vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Khởi nghiệp từ làng

Sau nhiều năm tham gia công tác đoàn thanh niên, được tham quan học tập, trải nghiệm nhiều mô hình kinh tế khởi nghiệp, chàng thanh niên A Nguyên (sinh năm 1998, dân tộc Ba Na-nhánh Rơ ngao) tại thôn Ðăk Mút, xã Ðăk Mar, huyện Ðăk Hà, tỉnh Kon Tum bắt tay vào hành trình khởi nghiệp mô hình nuôi gà thả vườn trên diện tích gần 1 ha đất sản xuất của gia đình và nguồn vốn ban đầu vỏn vẹn hơn 10 triệu đồng.

Anh A Nguyên cho biết, những ngày đầu bắt tay vào xây dựng mô hình cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật, nhất là nguồn vốn. Ðể có kinh phí làm chuồng trại và hệ thống đèn sưởi ấm, anh mạnh dạn vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ðăk Hà thông qua kênh tín chấp của Ðoàn Thanh niên.

Ngoài ra, anh tận dụng nhiều nguồn thức ăn có sẵn để giảm chi phí đầu tư. Sau sáu tháng, lứa gà đầu tiên được bán ra thị trường với khoản lợi nhuận hơn 10 triệu đồng là nguồn động lực để anh tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư.

Từ trải nghiệm của bản thân và nắm bắt được tâm tư của các bạn đoàn viên thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn xã, anh A Nguyên đã liên hệ và kết nối để thành lập câu lạc bộ Thanh niên tôn giáo phát triển kinh tế xã Ðăk Mar do chính anh làm chủ nhiệm.

"Câu lạc bộ đã quy tụ những bạn trẻ có ý chí, khát khao vươn lên làm giàu để cùng nhau chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm cũng như ý tưởng khởi nghiệp. Khi các đoàn viên thấy được hiệu quả kinh tế và hướng đi phù hợp thì tự nguyện tham gia", anh A Nguyên cho biết.

Theo anh Vũ Kiên Trường Kỳ, Bí thư Ðoàn xã Ðăk Mar, huyện Ðăk Hà, sau gần hai năm thành lập với 10 thành viên, đến nay, câu lạc bộ đã tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút sự tham gia của hơn 20 đoàn viên thanh niên là người dân tộc thiểu số trong vùng có đạo.

"Khi tham gia vào mô hình này, nhận thức, ý thức của các đoàn viên thanh niên tôn giáo nói riêng, thanh niên dân tộc thiểu số nói chung đã có nhiều thay đổi rất tích cực. Từ hiệu quả của mô hình, chúng tôi sẽ tiếp tục tư vấn, định hướng cho các bạn xây dựng các mô hình để phát huy được tiềm năng, thế mạnh về điều kiện thổ nhưỡng, đất đai, điều kiện và trình độ sản xuất; tiếp tục phối hợp với các tổ chức đoàn thể tập huấn chuyển giao khoa học-kỹ thuật để các đoàn viên xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế của mình", anh Kỳ chia sẻ.

Thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Ðăk Hà đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ðăk Hà Phạm Thị Thương cho biết, với đặc thù là địa phương có hơn 51,43% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số thuộc 28 dân tộc anh em, hỗ trợ khởi nghiệp là một trong những nội dung quan trọng được huyện Ðăk Hà cũng như tỉnh Kon Tum chú trọng thực hiện. Tính đến nay, toàn huyện có hàng chục ý tưởng khởi nghiệp hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Mô hình Tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả tại xã Ngọc Wang; Mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số liên kết chăn nuôi heo sọc dưa; Hợp tác xã Du lịch cộng đồng xã Ngọk Réo… thu hút hơn 500 thành viên là người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Trên cơ sở các ý tưởng khởi nghiệp, địa phương sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế-xã hội để chỉ đạo các ngành chuyên môn hướng dẫn và tạo điều kiện cho các chủ thể phát triển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Trong giai đoạn 2019-2024, huyện đã triển khai thực hiện 11 dự án, chính sách do Trung ương ban hành với tổng nguồn vốn hơn 727 tỷ đồng, đồng thời, tạo điều kiện cho 10.505 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ là gần 596 tỷ đồng...

Hỗ trợ khởi nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số ảnh 1

Tổ liên kết phụ nữ thu mua và chế biến măng le tại xã Ðăk Pxi, huyện Ðăk Hà.

Chủ động kết nối

Với nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời, phù hợp, các tổ chức, cá nhân đã hình thành các mối liên kết trong sản xuất, tạo nguồn sản phẩm đủ lớn để cung ứng ra thị trường. Ðồng thời, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ thể sản xuất đầu tư dây chuyền chế biến để nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo việc làm ổn định và mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chị Nguyễn Thị Minh Ngọc, Giám đốc Công ty TNHH APANAX tại xã Ðăk Hring, huyện Ðăk Hà cho biết, ban đầu chị và gia đình chỉ đầu tư hệ thống máy móc sấy nông sản, dược liệu với quy mô nhỏ và đơn giản. Tuy nhiên, nhận thấy những tiềm năng, lợi thế về vùng nguyên liệu sạch tại địa bàn, cùng mong muốn đưa ra thị trường các sản phẩm chất lượng, chị Ngọc mạnh dạn xoay vốn để đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng có quy mô gần 1.000 m2, tổng kinh phí đầu tư hơn 5 tỷ đồng.

Nhờ chủ động liên kết trong sản xuất, bảo đảm chất lượng nguồn nguyên liệu theo hướng hữu cơ, năm 2020, công ty cho ra mắt hai dòng sản phẩm đầu tay là chuối sấy và mít sấy mang thương hiệu JOY và được đông đảo người tiêu dùng đón nhận, đánh giá cao.

Ðến nay, các sản phẩm của công ty đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Công ty không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên, mà còn góp phần giải quyết bài toán đầu ra cho hàng trăm tấn nông sản, trái cây tại địa phương.

"Hiện nay, đã có một số cá nhân, tổ hợp tác liên kết với chúng tôi, nhưng về lâu dài, khi mở rộng quy mô sản xuất thì nguồn nguyên liệu vẫn chưa đủ. Vậy, chúng tôi mong muốn sẽ liên kết với các hộ dân để nâng cao được giá trị kinh tế, tăng thu nhập cho người dân. Thêm vào đó, chúng tôi có được nguồn nguyên liệu sạch và bảo đảm chất lượng để sản xuất và cung cấp cho người tiêu dùng", chị Ngọc chia sẻ.

Thực tiễn cho thấy, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh tại chỗ để sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bền vững tại tỉnh Kon Tum đã mang lại nguồn động lực cho nhiều chủ thể tham gia khởi nghiệp.

Theo Giám đốc Hợp tác xã Hữu cơ Biology (thôn Trung Nghĩa Ðông, xã Kroong, thành phố Kon Tum) Lê Thị Khánh Ly, xuất phát từ ý tưởng muốn tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có tại Kon Tum, tháng 9/2022, sau nhiều năm theo học chuyên ngành Công nghệ sinh học tại Ðại học Quy Nhơn, chị chọn "bỏ phố về quê" và bước đầu thành công với ý tưởng khởi nghiệp mô hình sản xuất nấm và phôi nấm hữu cơ. Khi có thị trường, chị quyết định mở rộng diện tích trồng nấm và chia sẻ ý tưởng nhằm kết nối với những người có cùng chí hướng để liên kết sản xuất theo hướng bền vững.

Ðầu năm 2023, Hợp tác xã Hữu cơ Biology được thành lập và đi vào hoạt động với 10 thành viên, vốn góp 1 tỷ đồng. Sau góp vốn, hợp tác xã đã mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất từ 50 m2 lên tổng diện tích 144 m2, đầu tư các giàn treo kiên cố, mua sắm nhiều máy móc hiện đại theo quy trình khép kín trong sản xuất để tạo ra những sản phẩm nấm sạch, an toàn.

Hiện nay, thông qua các kênh xúc tiến đầu tư trong và ngoài tỉnh, Hợp tác xã Hữu cơ Biology đang hoàn thiện các thủ tục để mở rộng xưởng ra khoảng 500 m², trồng đa dạng các loại nấm như nấm sò thái, nấm linh chi và nhiều loại nấm ăn, nấm dược liệu khác, qua đó, tạo việc làm ổn định với mức thu nhập cao cho khoảng hơn 20 lao động.

Thành công bước đầu của ý tưởng sản xuất nấm theo hướng hữu cơ của Hợp tác xã Hữu cơ Biology không chỉ dừng lại ở việc các chủ thể biết khai thác, biến tiềm năng, lợi thế thành nguồn lực kinh tế. Quan trọng hơn, sự liên kết đã tạo động lực đủ lớn để những người trẻ cùng trang lứa với chị Khánh Ly vững tin hơn trong việc chia sẻ, hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp của mình.

(Còn nữa)