Theo dự kiến chương trình làm việc, Phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra trong 2,5 ngày (từ 10 đến 12/4) với 11 nội dung quan trọng.
Về công tác xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023; cho ý kiến về phương án phân công cơ quan chủ trì soạn thảo và chủ trì thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Về các vấn đề kinh tế-xã hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021; báo cáo tài chính nhà nước năm 2021; việc cho phép sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Đồng thời, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có; lập, phân bổ dự toán, quản lý, thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, trong thời gian diễn ra phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 5 và tổng kết Kỳ họp bất thường lần thứ 4, Quốc hội khóa XV; dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Bên cạnh đó, xem xét báo cáo kết quả giám sát chuyên đề của Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng”; báo cáo tổng hợp kết quả giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực phụ trách của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 3/2023.
Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản đối với Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.