Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế pháp luật

Ngày 27/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3/2023.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, xây dựng và hoàn thiện thể chế là 1 trong 3 đột phá chiến lược mà chúng ta tích cực thúc đẩy trong nhiệm kỳ này: thường xuyên có báo cáo đánh giá, bám sát tình hình thực tiễn; tổ chức các hội nghị, cuộc họp chuyên đề để thúc đẩy 3 đột phá chiến lược này. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 3 này nhằm đề xuất các cấp có thẩm quyền xây dựng và ban hành các chính sách mới liên quan một số luật.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế pháp luật ảnh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo.

Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, thường xuyên, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, sự nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, chúng ta rất quyết liệt trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế.

Năm 2022, chúng ta tổ chức 10 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật. Phiên họp này là phiên thứ 3 từ đầu năm. Đây là việc lớn, quan trọng, có nhiều vấn đề cấp bách cần phải giải quyết, những vấn đề khó, nhạy cảm, do đó đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian; các bộ trưởng, trưởng ngành phải dành thời gian tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp ý vào văn bản quy phạm pháp luật.

Thời gian qua, chúng ta đã làm tốt công việc này thì tới đây phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Thực tế, các bộ, ngành nào, bộ trưởng, trưởng ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sát tình hình, quan tâm công tác này thì công việc trôi chảy, tiến độ và chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được bảo đảm, do đó càng phải phát huy.

Thời gian tới, công việc ngày càng nhiều, thực tiễn diễn biến nhanh, khó lường, trong khi đó, văn bản quy phạm pháp luật xây dựng từ lâu, có những cái mới xây dựng nhưng thực tiễn đã vượt qua. Do đó, chúng ta phải rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn để có điều chỉnh kịp thời, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nút thắt trong quá trình lãnh đạo, điều hành.

Trên cơ sở đó có hành lang pháp lý phù hợp từng giai đoạn, hoàn cảnh Việt Nam, nhất là trong điều kiện thế giới, khu vực hiện nay rất khó khăn, do đó cần tháo gỡ về pháp lý để tạo ra xung lực, nguồn lực để các cấp, các ngành thực hiện tốt, hoàn thành nhiệm vụ chính trị quan trọng mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mà chúng ta đã đi hết nửa chặng đường.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế pháp luật ảnh 2

Các đồng chí Phó Thủ tướng và các bộ trưởng tham dự phiên họp.

Thời gian có hạn, công việc nhiều và đòi hỏi cao, kịp thời, do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ trưởng, trưởng ngành tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đóng góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật có chất lượng, kịp thời để chúng ta trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đúng theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Trong tháng này, chúng ta cần thảo luận 5 nội dung, do đó cần tập trung trí tuệ, sức lực.

Nhân dịp này, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành chưa kiện toàn bộ phận xây dựng văn bản pháp luật thì quan tâm, kiện toàn, nhất là Bộ Tư pháp, cũng như các bộ, ngành phải nâng cao năng lực thực thi, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, phải bố trí kinh phí để làm có chất lượng, hiệu quả. Các bộ, ngành khi được hỏi ý kiến thì phải dành thời gian chỉ đạo cấp dưới góp ý một cách chất lượng; không để tình trạng văn bản pháp luật vừa xây dựng xong đã lạc hậu. Điều đó cho thấy việc đầu tư cho công việc này chưa tương xứng, ngang tầm.

Hằng tháng, Chính phủ có cuộc họp chuyên đề về xây dựng pháp luật, do đó các thành viên Chính phủ phải tích cực, ưu tiên tham gia đầy đủ. Kỳ họp Quốc hội tới có rất nhiều vấn đề phải trình, do đó chúng ta phải hết sức quyết liệt; ngoài ra, chúng ta có chương trình bổ sung cho năm 2023 và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cho năm 2024, cho nên phải dành thời gian công sức, bố trí nhân lực, nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, kinh phí để thực hiện bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

Tại phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã cho ý kiến về 5 dự án Luật, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ.

Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội tháo gỡ vướng mắc của các Luật để đa dạng hóa, huy động tối đa các nguồn lực hợp pháp (Nhà nước, tư nhân, trung ương, địa phương), trong đó cho phép chính quyền cấp tỉnh sử dụng ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các công trình giao thông thuộc nhiệm vụ chi ngân sách trung ương qua địa bàn của tỉnh hoặc đầu tư công trình giao thông qua phạm vi địa bàn hành chính của 2 tỉnh, thành phố và ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, các thành viên Chính phủ cho rằng, căn cứ các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và thực tiễn thời gian qua, việc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng công trình giao thông là có đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn.

Các thành viên Chính phủ cơ bản nhất trí với các chính sách trong dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội; đồng thời đề xuất việc sử dụng vốn ngân sách của Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện các dự án giao thông…

Về một số chính sách mới trong lĩnh vực quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ Công an cho biết, các chính sách được đề xuất đưa vào Nghị quyết chung của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tháng 5/2023 để thực hiện được ngay, trong thời gian tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Việc này nhằm giải quyết một số vấn đề cấp bách để tạo thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài trong nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú, làm ăn tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, hiện đại hóa, thủ tục nhanh chóng, phòng chống tiêu cực, tham nhũng, góp phần phục hồi, phát triển ngành du lịch nói riêng và kinh tế-xã hội nói chung.

Về dự án Luật Căn cước thay thế Luật Căn cước công dân năm 2014, các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đây là một dự án luật quan trọng, tác động lớn tới quyền, lợi ích của người dân, có nội dung có nhiều vấn đề mới nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng. Đối với các nội dung mới, cần nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, tham khảo có chọn lọc, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của Việt Nam; chuẩn bị tốt nguồn lực thực hiện để phục vụ thuận lợi tối đa cho người dân; tổ chức tham vấn đối tượng tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; tăng cường truyền thông chính sách để tạo sự đồng thuận; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, nhất là các cơ quan của Quốc hội…

Về Luật Các tổ chức tín dụng, các thành viên Chính phủ nhất trí cần tiếp tục tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 và Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành; xác định những bất cập, vướng mắc về pháp lý trong quá trình thực hiện thì sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật lần này; kế thừa những quy định đã ổn định, áp dụng có hiệu quả; bám sát Kết luận của Thường trực Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ nhấn mạnh yêu cầu đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; thể chế hóa được các chủ trương, đường lối của Đảng; tăng cường quản lý nhà nước, sự điều hành, giám sát toàn diện của Ngân hàng Nhà nước với hoạt động ngân hàng; tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của các ngân hàng; chống tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm; xử lý được các tác động tiêu cực của vấn đề “sở hữu chéo”; tăng thẩm quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong xử lý nợ xấu; huy động tiền gửi của người dân để đưa vào nền kinh tế.

Các thành viên Chính phủ thống nhất đánh giá đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi về thủ tục xuất nhập cảnh cho công dân Việt Nam và người nước ngoài…

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tiếp nối các đột phá chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định, Chính phủ chấp hành nghiêm và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, trong đó đặc biệt là 3 đột phá chiến lược. Về đột phá thể chế, chúng ta đã dành thời gian hằng tháng giải quyết, nhất là vướng mắc mà thực tiễn đặt ra, những vấn đề đã được pháp luật quy định nhưng không phù hợp thực tế hoặc những vấn đề chưa dự báo được khi xây dựng luật; cùng với đó, đột phá về hạ tầng cũng được triển khai quyết liệt; về đột phá nguồn nhân lực, cải cách hành chính, chúng ta cũng tập trung xử lý các vấn đề về thể chế liên quan cải cách hành chính.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trình, phối hợp các cơ quan liên quan, tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm tiến độ theo quy định, nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh như tinh thần Ủy ban Thường vụ Quốc hội mong muốn, cũng là thực hiện cam kết tại cuộc làm việc giữa Ban Cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Quốc hội mới đây; quá trình hoàn thiện cần tổ chức lấy ý kiến các nhà khoa học, nhà chuyên môn, các nhà hoạt động thực tiến có kinh nghiệm; phối hợp các cơ quan liên quan, đặc biệt là các cơ quan, Ủy ban của Quốc hội để khi có cuộc họp chính thức thì các văn bản xây dựng luật đã được thẩm định kỹ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không cầu toàn, không nóng vội, cố gắng những gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng thì luật hóa. Đối với những vấn đề đang còn ý kiến khác nhau thì cố gắng tạo sự đồng thuận; những vấn đề vượt quá thực tiễn rồi thì cố gắng đưa vào luật; những vấn đề chưa chín, chưa rõ, còn nhiều ý kiến khác như thì chúng ta mạnh dạn đề xuất các cấp thẩm quyền cho thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần; làm đến đâu chắc đến đó và bám sát thực tiễn đang diễn ra để luật pháp, chính sách đi thẳng vào cuộc sống.

Thủ tướng lưu ý những quy định về xuất, nhập cảnh phải tạo thuận lợi nhất cho người dân, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà, tránh tiêu cực, tránh những việc đáng tiếc xảy ra như vừa qua. Với lĩnh vực ngân hàng, chúng ta phải đặt lợi ích chung, tất cả chung tay, chung sức tháo gỡ những khó khăn, xây dựng hoạt động của ngân hàng thực sự công khai, minh bạch, hội nhập, phát triển bền vững, chống lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách. Tăng cường phân cấp, phân quyền, quy định rõ trách nhiệm, cá thể hóa trách nhiệm của cá nhân, thiết kế công cụ giám sát, kiểm tra; luật pháp phải phục vụ sự phát triển, lợi ích của nhân dân; tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của nhân dân những vấn đề cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Thực hiện đúng các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các cơ quan thông tấn báo chí cùng các cơ quan soạn thảo chuẩn bị tuyên truyền phù hợp, tạo đồng thuận dư luận xã hội; thực hiện tuyên truyền chính sách trước, trong và sau khi xây dựng chính sách pháp luật là rất quan trọng, để luật pháp đi vào cuộc sống, giải thích rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích của nhân dân...