Được sự thống nhất phối hợp của lãnh đạo sáu Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL) địa phương, các tỉnh, thành phố Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên cùng tổ chức phiên giao dịch việc làm (GĐVL) trực tuyến vào sáng ngày 3-12.
Chương trình nhằm đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế và thị trường lao động ngày càng phát triển, tạo sự lưu thông giữa thị trường lao động các tỉnh, mở rộng cơ hội việc làm cho người lao động (NLĐ) và cơ hội tiếp cận nguồn nhân lực của các doanh nghiệp (DN).
Song song với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội tiếp tục tổ chức Phiên GDVL hằng ngày đồng bộ giữa Sàn GDVL tại khu vực quận Cầu Giấy, Hà Đông. Hoạt động cũng diễn ra tại các Sàn GDVL vệ tinh ở các huyện Ba Vì, Đông Anh, Phú Xuyên, Đan Phượng, Thạch Thất, cùng các điểm GDVL vệ tinh tại Gia Lâm, Hoài Đức, Ứng Hòa, Long Biên, Nam Từ Liêm, Mê Linh, Sóc Sơn, Thường Tín.
Chương trình kết nối cả trực tiếp và trực tuyến giữa DN và NLĐ, giúp hai bên không phải di chuyển, tiếp xúc nhiều trong quá trình tuyển dụng và tìm việc làm.
Ban tổ chức đã tiến hành khảo sát, thu thập thông tin nhu cầu và nguyện vọng tìm việc làm, học nghề, khảo sát nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các DN trước khi phiên GDVL làm diễn ra.
Kết quả tổng hợp tại sáu địa phương cho thấy, có 86 DN tham gia với tổng nhu cầu tuyển dụng là 4.325 chỉ tiêu.
Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng lao động nhiều nhất là trên địa bàn tỉnh tại Thái Nguyên với 1.180. Tiếp đó là Bắc Ninh với 917 vị trí, Hải Dương với 902 vị trí.
Trong tổng số 86 DN tham gia, riêng tại Phiên GDVL, Sàn GDVL Hà Nội có sự tham gia của 27 DN. Nhu cầu tuyển dụng của nhóm này tập trung chủ yếu ở các ngành nghề như: hành chính - nhân sự, nhân viên kinh doanh, bán hàng, kế toán.. sẽ mang lại cho NLĐ những cơ hội việc làm phù hợp với khả năng, thu nhập ổn định và có thể gắn bó lâu dài.
Với 59 DN tham gia phiên GDVL, Sàn GDVL Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nhóm đối tượng này tập trung các nhu cầu tuyển dụng ở một số ngành, nghề như: nhân viên kỹ thuật, nhân viên kinh doanh, công nhân sản xuất, cơ khí - hàn, xây dựng… với mức lương trung bình từ 5 - 20 triệu đồng. Điều này sẽ đem lại cho NLĐ có nhu cầu tìm việc nhiều lựa chọn tốt hơn. Đồng thời, là cơ hội lớn cho lực lượng lao động phổ thông trên địa bàn, cũng như các tỉnh, thành phố lân cận.
Riêng tại Hà Nội, số liệu về nhu cầu tuyển dụng lao động cho thấy, nhu cầu có trình độ cao đẳng - đại học chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 41,5%.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ trung cấp - công nhân kỹ thuật chiếm tỷ lệ 37,3%. Nhu cầu tuyển dụng lao độngphổ thông chiếm tỷ lệ 21,2%.
Về thu nhập, mức thu nhập từ hơn 7 triệu - 10 triệu đồng/tháng chiếm tỷ lệ 28,7% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Đây là mức thu nhập của nhiều bộ phận các vị trí việc làm ổn định như: kế toán, nhân viên văn phòng, lễ tân, nhân viên kỹ thuật có tay nghề.
Mức thu nhập từ hơn 10 triệu - 15 triệu đồng/tháng, chiếm tỷ lệ 31,3% tổng số chỉ tiêu tuyển dụng. Mức thu nhập này hướng tới những chỉ tiêu tuyển dụng chất lượng cao vào các vị trí kinh doanh, quản lý, giám sát, trưởng - phó phòng, dành cho NLĐ có kinh nghiệm và chuyên môn tốt, có khả năng chịu áp lực công việc cao.
Về nhóm tuổi, cơ hội việc làm tại phiên GDVL tập trung chủ yếu vào nhóm 26 - 35 tuổi, chiếm 46,5%. Đây là cơ hội cho NLĐ đã có kinh nghiệm làm việc và trình độ chuyên môn tốt, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của DN.
Với sự chuẩn bị kỹ càng từ các sàn GDVL, nỗ lực bám sát thông tin thị trường lao động năm 2020, phiên GDVL trực tuyến tại sáu địa phương lần này kỳ vọng mang lại kết quả tốt, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu tại sàn GDVL, tạo cơ hội việc làm cho tất cả NLĐ tại các địa phương tham gia chương trình.
Trước đó, vào giữa tháng 6 năm nay, một phiên giao dịch việc làm với hình thức tương tự cũng đã diễn ra tại tám địa phương phía bắc đã diễn ra nhằm kết nối cung - cầu lao động. Đây cũng được coi là một giải pháp tốt để phòng, chống dịch Covid-19 trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến khó lường hiện nay.
* Phiên giao dịch việc làm trực tuyến kết nối tám địa phương