Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa

Thanh Hóa có hơn 700 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở 1.548 thôn, bản, trong đó có 316 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đi đôi với thực hiện tốt chính sách dân tộc, sử dụng hiệu quả đầu tư từ ngân sách Trung ương, Thanh Hóa huy động nguồn lực tổng hợp nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
0:00 / 0:00
0:00
Đua thuyền trên sông Chu ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Đua thuyền trên sông Chu ở huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

Đồng hành với đồng bào dân tộc, miền núi

Giai đoạn 2021-2024 có 10 dự án với 14 tiểu dự án thành phần, tổng kinh phí 1.964.112 triệu đồng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi triển khai, thực hiện ở Thanh Hóa. Đến nay, 18 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, 256 công trình trạm y tế xã, đường bê-tông, phát triển mạng lưới chợ, 16 trường học, 66 công trình thiết chế văn hóa, hai trung tâm y tế huyện đã đưa vào khai thác.

Hoạt động đào tạo, hướng nghiệp, học nghề, việc làm, tư vấn, hỗ trợ đi lao động có thời hạn ở nước ngoài, tập huấn nâng cao năng lực cộng đồng, truyền thông bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, giảm tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được đẩy mạnh.

Đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục thụ hưởng các chính sách thuộc Chương trình mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.

Tỉnh Thanh Hóa bố trí gần 11.447 tỷ đồng thực hiện chương trình trọng tâm Đảng bộ tỉnh khóa 19 đề ra về phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền núi nên đã có 13 chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch.

Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa ảnh 1

Phụ nữ xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước biểu diễn dân vũ.

Thượng du Thanh Hóa là nơi khởi đầu, nhân rộng xây dựng thôn, bản nông thôn mới. Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 tiếp tục thực hiện 11 nội dung thành phần nhằm phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Ba năm qua, từ nguồn vốn Trung ương, ngân sách tỉnh hỗ trợ, lồng ghép các chương trình, dự án và huy động các nguồn lực khác, các địa phương vùng miền núi Thanh Hóa đã xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo hơn 4.583km đường giao thông nông thôn, 1.368km giao thông nội đồng, 156km kênh mương, rãnh thoát nước; 129 công trình thủy lợi; 1.096 phòng học các cấp; 523km đường điện, 102 trạm biến áp; 491 nhà văn hóa-khu thể thao xã, thôn; 28 chợ nông thôn, trung tâm dịch vụ thương mại; 41 trạm y tế xã; 15 công trình công sở xã; 38 công trình cấp nước sinh hoạt; 47 công trình chứa, xử lý rác thải tập trung; xây dựng mới, chỉnh trang hơn 15.900 nhà ở dân cư; có 122 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao trở lên.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy Hà Thị Hường cho biết: Nhân dân tự giác hiến hơn 1,7ha đất để mở rộng, nắm tuyến, thi công đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng; trồng cây, tạo hàng rào xanh, trồng hoa bên đường, xây dựng vườn mẫu, giữ gìn vệ sinh môi trường. Phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, xã Cẩm Thành huy động hơn 314 tỷ đồng trong nhân dân, chiếm gần 75 % tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; đạt chuẩn nông thôn mới sớm hơn ba năm so với mục tiêu đề ra và đang chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa ảnh 3

Nghề dệt thổ cẩm duy trì, phát triển ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Theo Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị-xã hội các cấp hướng hoạt động về cơ sở, tập trung tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

Nổi bật là phát huy vai trò chủ thể của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền, vận động sắp xếp dân cư theo quy hoạch, phòng tránh sạt lở đất, lũ ống, lũ quét; huy động các nguồn lực làm nhà cho hộ nghèo; vận động nhân dân hiến đất đầu tư, cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang kết cấu hạ tầng, nhất là phát triển giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Đội ngũ trưởng bản, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số nêu gương, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chấp hành pháp luật; nhiều cá nhân thực sự là trung tâm đoàn kết, động viên nhân dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, phát hiện, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đổi thay ở vùng dân tộc, miền núi Thanh Hóa

Đồng bào vùng thượng du Thanh Hóa hiện quan tâm bảo vệ, phát triển vốn rừng, kinh tế lâm nghiệp theo hướng bền vững. Ngành trồng trọt dịch chuyển theo hướng thâm canh cây hàng hóa đặc sản cho giá trị kinh tế cao hơn, phát triển nuôi thả thủy sản, chăn nuôi trang trại, công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Khu vực này có thêm nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Giai đoạn 2021-2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân ở vùng miền núi Thanh Hóa đạt 6%/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông, lâm, thủy sản; công nghiệp-xây dựng tăng 5,57% so với năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người đã đạt gần 40 triệu đồng và ước đạt 42,62 triệu đồng/người trong năm nay.

Cấp ủy, chính quyền các cấp cùng đồng bào các dân tộc quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều lễ hội đặc sắc, tiêu biểu được phục dựng, bảo tồn, như: lễ hội Mường Ca Da, huyện Quan Hóa; lễ hội Mường Xia, huyện Quan Sơn; lễ hội Mường Khô, huyện Bá Thước; lễ hội Nàng Han ở huyện Thường Xuân; lễ hội Chá Mùn ở huyện Lang Chánh; lễ hội Khai Hạ ở các huyện: Cẩm Thủy, Như Xuân. Tiếng nói, chữ viết, các loại hình văn nghệ đặc trưng của các dân tộc thiểu số như múa Pồn Pôông, múa chuông, khua luống, hát khặp, xường… được duy trì, phát triển.

Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa ảnh 4

Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trao danh hiệu vinh dự Nhà nước cho các nghệ nhân.

Vùng dân tộc, miền núi Thanh Hóa có hơn 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó huyện Ngọc Lặc có tới 6 di sản. Đó là Trò diễn Pôồn Pôông, hát Sắc Bùa, Mo, Xường dao duyên, hát ru của đồng bào Mường, tết nhảy của người Dao. Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Ngọc Lặc Phạm Văn Đạt cho biết: Huyện quan tâm bố trí ngân sách bảo tồn, phát huy các di sản vật thể, phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Các di sản phi vật thể quốc gia, đền thờ Lê Lai ở xã Kiên Thọ, Bàn Bù ở thị trấn huyện Ngọc Lặc và du lịch cộng đồng ở xã Thạch Lập hiện là điểm đến của du khách.

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi Thanh Hóa tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ. Đường giao thông thảm nhựa, bê-tông đến 100% trung tâm xã, 99,9% thôn; 100% xã, thôn, bản có điện lưới quốc gia; 94,7% hộ gia đình nông thôn miền núi sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Từ năm 2019 đến nay có 179 công trình hồ đập được xây dựng, nâng cấp đi đôi với quan tâm phát triển hệ thống thủy lợi, góp phần chủ động tưới tiêu, phục vụ tốt hơn sản xuất nông nghiệp.

Nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường. Ngoài khu điều trị Bệnh viện đa khoa khu vực Ngọc Lặc đã đưa vào khai thác, Bệnh viện đa khoa các huyện: Như Thanh, Quan Sơn được đầu tư hoàn thiện cơ sở vật chất, 5 trung tâm y tế, 9 trạm y tế đang cải tạo, nâng cấp, sửa chữa.

Ở miền núi Thanh Hóa tỷ lệ thôn, bản có nhà văn hóa-khu thể thao đạt 82,2%; trường học đạt chuẩn quốc gia chiếm tỷ lệ 72,8%. Từ năm 2021 đến nay có 73 công trình trường học được đầu tư xây dựng và nguồn đầu tư công từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục được lồng ghép, bố trí tập trung nhằm tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Khu vực này đã phủ sóng viễn thông đến 100% trung tâm các xã, 99,7% thôn, bản; tiếp sóng các chương trình Đài truyền hình quốc gia, của tỉnh Thanh Hóa và tất cả các huyện đều có phòng họp giao ban trực tuyến đáp ứng lãnh đạo, điều hành, phổ cập thông tin.

Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa ảnh 5

Nghệ nhân cùng người dân ở huyện Thường Xuân diễn tập văn nghệ.

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành, triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, cơ chế chính sách; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đỗ Minh Tuấn nhấn mạnh: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực khó, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ-thương mại đều có bước phát triển; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai, tạo nhiều việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng hoàn thiện; lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục có nhiều tiến bộ.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, một số vấn đề bức thiết như: Xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất,… được tập trung giải quyết hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Phát triển vùng miền núi, dân tộc ở Thanh Hóa ảnh 6

Lãnh đạo Trung ương và tỉnh Thanh Hóa với đại biểu đồng bào các dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa.

Dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV-năm 2024, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chúc mừng những kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân dân các dân tộc tỉnh, biểu dương đồng bào các dân tộc thiểu số đã chung sức, đồng lòng phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng dân tộc thiểu số, miền núi và đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, cán bộ, đảng viên cùng nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, đại đoàn kết dân tộc và chính sách dân tộc để tích hợp, lồng ghép, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững.

Quan tâm thực hiện hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, bảo đảm hoàn thành mục tiêu Chính phủ đã xác định.

Tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực, có chính sách, giải pháp cụ thể trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số; chăm lo xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân, gắn với thế trận lòng dân vững chắc.