Xóa mù chữ cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa

NDO - Ngày 2/4, Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, triển khai thực hiện các kết luận, chỉ thị, quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mới ban hành đến 47.593 cán bộ, đảng viên qua gần 800 điểm cầu trực tiếp kết hợp với trực tuyến.
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Quán triệt Chỉ thị số 29/CT-TW của Bộ Chính trị về công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh giáo dục phổ thông; Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng nêu rõ, hơn thập niên qua công tác xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, khuyến khích người mới biết chữ tiếp tục học tập để không tái mù chữ. Tuy nhiên kết quả xóa mù chữ cho người lớn một số nơi chưa bền vững, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.

Xóa mù chữ cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa ảnh 1

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa quán triệt nội dung chỉ thị.

Để nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội tập trung lãnh chỉ đạo, tăng cường công tác vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là người đứng đầu về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn. Nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện, bảo đảm mọi công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ học tập, hoàn thành phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc; chú trọng trang bị kiến thức, kỹ năng thiết yếu cho người mù chữ, duy trì, nâng cao bền vững kết quả xóa mù chữ cho người lớn, chú trọng xóa mù chữ chức năng. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo sự đồng thuận, liên thông, nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và nhấn mạnh vai trò chủ đạo, trách nhiệm quản lý nhà nước tăng cường nguồn lực, bảo đảm ngân sách để hoàn thành các mục tiêu về phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ.

Xóa mù chữ cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa ảnh 2
Cán bộ, đảng viên tham gia học tập tại các điểm cầu trực tuyến.

Trên địa bàn 11 huyện miền núi vùng thượng du Thanh Hóa hiện còn 12.430 người từ 15 tuổi đến 60 tuổi mù chữ mức độ 2. Một số huyện có số lượng người mù chữ cao như: Mường Lát 3.203 người, Quan Sơn 2.772 người, Thường Xuân 1.826 người, Thạch Thành 1.430 người, Như Thanh 1.213 người…

Xóa mù chữ cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa ảnh 3

Đồng bào H'Mông vui múa hát mừng khai giảng lớp học xóa mù chữ.

Bộ đội Biên phòng đóng quân tại các huyện vùng cao, biên giới đã và đang tiếp tục tham gia giảng dạy, xóa mù chữ cho người dân khu vực này. Tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, Đồn Biên phòng Trung Lý phối hợp Hội Liên hiệp phụ nữ huyện, xã, Trung tâm giáo dục cộng đồng xã Trung Lý vừa khai giảng lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho 30 học viên là hội viên phụ nữ và nhân dân bản Tà Cóm, xã Trung Lý; Đồn Biên phòng Tam Chung đang tổ chức lớp học xóa mù chữ, xóa tái mù chữ cho 32 học viên ở bản Suối Phái, xã Tam Chung.

Xóa mù chữ cho đồng bào vùng miền núi, dân tộc thiểu số ở Thanh Hóa ảnh 4

Bộ đội Biên phòng tham gia giảng dạy, xóa mù chữ cho người dân bản Tà Cóm, xã Trung Lý.

Cùng với việc triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là các nội dung Dự án 5 về phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực vùng dân tộc, miền núi; hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa đang tham mưu, trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết quy định nội dung, mức chi hỗ trợ để khuyến khích người dân tham gia học xóa mù chữ. Theo đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia học tập, hoàn thành chương trình xóa mù chữ dự kiến được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người để hoàn thành mỗi giai đoạn xóa mù chữ.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chương trình xóa mù chữ gồm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 các học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Tự nhiên và Xã hội, tổng 1.005 tiết; Giai đoạn 2 các học viên học các môn: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, tổng 949 tiết.

Bước đầu ngân sách tỉnh cần bố trí 5,4 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ 3.000 lượt người ở vùng miền núi, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh hoàn thành chương trình xóa mù chữ trong giai đoạn 2024-2025.