Giúp dân an cư, lạc nghiệp

Cấp đất ở, sắp xếp dân cư theo quy hoạch, trợ giúp người dân cải thiện khó khăn về nhà ở, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ sinh kế, huy động các nguồn lực thực hiện an sinh xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau.
0:00 / 0:00
0:00
Chế biến luồng tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở vùng thượng du Thanh Hóa.
Chế biến luồng tạo việc làm, thu nhập cho người dân ở vùng thượng du Thanh Hóa.

Ổn định dân cư

Vùng thượng du Thanh Hóa địa hình hiểm trở, thường xảy ra sạt, lở đất đá, lũ ống, lũ quét gây thiệt hại về người, tài sản. Nhiệm kỳ này tỉnh Thanh Hóa chủ động bố trí 550 tỷ đồng thực hiện đề án sắp xếp dân cư, giảm thiệt hại bởi các tình huống thiên tai.

Bốn khu tái định cư tập trung có tổng mức đầu tư hơn 45 tỷ đồng gấp rút triển khai xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng và 151 gia đình được hỗ trợ gần 7,7 tỷ đồng để di chuyển, xây lắp nhà ở, hiện cư trú ổn định tại các khu tái định cư. Ðồng thời, các huyện miền núi đã cấp hơn tám tỷ đồng hỗ trợ 145 hộ di chuyển khỏi khu vực nguy hiểm, tái định cư xen ghép.

Khu tái định cư bản Lở, xã Nam Ðộng, huyện Quan Hóa hiện có 34 gia đình sinh sống trong những nếp nhà sàn tọa lạc trên mặt bằng có hệ thống đường giao thông, điện sáng, cấp nước đến đầu cụm bản.

Chồng cùng người con trai làm ăn xa, người con gái đi chặt luồng thuê, chị Lương Thị Lượng bộc bạch: Cư trú bên suối Lở, nước xâm nhập, ngập hơn 40 cm gầm nhà sàn, sườn đồi Pom Dưới phát sinh vết nứt, rồi sạt, lở đất nên gia đình chị được cấp 300 m2 đất thổ cư, được hỗ trợ 50 triệu đồng để di chuyển, tái dựng ngôi nhà sàn; cùng đầu tư thêm 100 triệu đồng chỉnh trang, tu bổ, láng nền nhà, xây công trình phụ. Nguồn cấp nước sinh hoạt công suất bé, không cấp đủ nước cho các hộ sử dụng, đường giao thông nội bản chưa thảm bê-tông nên bụi lắm.

Bí thư chi bộ, Trưởng bản Lở, Lương Văn Sự trao đổi: Bản có 145 hộ, 705 nhân khẩu đồng bào Thái, Mường cư trú ở bốn cụm dân cư, trong đó 34 hộ ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ ống đã chuyển tới nơi cư trú ổn định. Nhân dân mong Nhà nước tiếp tục thảm bê-tông mặt đường, xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung, tạo thêm cơ hội việc làm. Bản Lở còn 88 hộ nghèo, cận nghèo, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 26 triệu đồng/năm. Các hộ cận nghèo, hộ nghèo được hỗ trợ tám đến mười triệu đồng, bố trí thêm nguồn đối ứng, đã chọn mua được 40 con bò sinh sản. Huyện Quan Hóa tổ chức dạy nghề du lịch, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhưng phải chăn nuôi thêm vài năm nữa, bò mới có khả năng nhân đàn và du lịch cộng đồng phụ thuộc sức hấp dẫn du khách của Khu bảo tồn thực vật quý hiếm Nam Ðộng.

Cách trường học, trạm y tế, công sở xã Thiệu Vũ khoảng 500 m là khu tái định cư của 28 hộ vạn chài. Huyện Thiệu Hóa dành 6,3 tỷ đồng ngân sách đầu tư đồng bộ hạ tầng khu tái định cư, trao quyền chọn đất thổ cư, mẫu thiết kế, huy động 4,3 tỷ hỗ trợ các gia đình xây dựng nhà ở.

Anh Nguyễn Văn Do tâm sự: Sinh sống trên thuyền, hành nghề đánh bắt thủy sản nên anh, chị chưa đọc thông, viết thạo. Ðược huyện Thiệu Hóa cấp đất ở, hỗ trợ làm nhà, anh chị sử dụng nguồn tích lũy, vay mượn thêm để xây dựng căn nhà trị giá 500 triệu đồng, bảo đảm kết cấu bền vững, diện tích sử dụng cho ba thế hệ. Ông bà ngoại cũng được cấp 150 m2 đất ở, được hỗ trợ làm nhà, cư trú liền kề và lần đầu tiên đại gia đình được đón Giáng sinh trong ngôi nhà mới, ấm áp niềm vui sum vầy.

Trước Tết Giáp Thìn, 15 hộ "vạn chài" ở thành phố Thanh Hóa cũng hoàn thành xây dựng nhà ở, lên bờ định cư tại các phường: Nam Ngạn, Thiệu Khánh, Ðông Cương. Ngoài hỗ trợ 150 triệu đồng cho ba gia đình chỉnh trang nhà ở, đón bố, mẹ cùng chung sống; thành phố Thanh Hóa trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp đất ở cho 32 gia đình, hỗ trợ tiền thuê nhà ở sáu tháng cho các hộ giải bản tàu thuyền và giải ngân mức hỗ trợ 150 triệu đồng theo tiến độ xây lắp nhà ở của mỗi gia đình.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Phạm Thị Việt Nga khẳng định: Cấp ủy, chính quyền thành phố luôn quan tâm cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho những người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau. Thành phố bảo đảm công bằng, đúng đối tượng thụ hưởng chính sách; tiếp tục trợ giúp lao động vạn chài chuyển đổi nghề nghiệp. Bước đầu có bảy lao động đang học nghề cơ khí, ba lao động làm việc tại cơ sở may mặc, 10 lao động lái tàu, thuyền, hơn 20 lao động làm việc tại các mỏ cát.

Nâng cao chất lượng cuộc sống

Hỗ trợ các hộ vạn chài sớm ổn cư, nâng cao chất lượng cuộc sống, huyện Thiệu Hóa cùng xã Thiệu Vũ tổ chức tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động có nhu cầu. Gần chục lao động "vạn chài" chuyển hướng làm thợ nề, kinh doanh ở chợ Thiệu Vũ, 14 lao động hiện làm công nhân tại các cơ sở may công nghiệp, 15 lao động làm việc tại các mỏ cát được phép khai thác theo quy hoạch.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Thiệu Vũ Trịnh Thị Hạnh hướng dẫn, cung ứng nguyên liệu cho 5 lao động hành nghề đan lát, phối hợp với Công ty Quốc Ðại bao tiêu sản phẩm mây tre đan. Một số hộ vạn chài nhận đất ruộng, trồng lúa nước, tiếp tục hành nghề đánh bắt hải sản trên sông. Ông Nguyễn Văn Mười giãi bày: Nghề đan lát phù hợp với người đã ngoài 50 tuổi nhưng đạt thu nhập khoảng 40 nghìn đồng/ngày nên hai ông bà đồng thời hành nghề đánh bắt thủy sản để có thêm thu nhập.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thiệu Hóa Nguyễn Ngọc Hiểu thông tin thêm: Cùng ngày 28 hộ vạn chài ở xã Thiệu Vũ lên bờ, cư trú ổn định; Tập đoàn Hoa Lợi khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất giày dép xuất khẩu có mức đầu tư 42 tỷ USD tại xã Thiệu Phú, dự kiến khánh thành vào quý I năm 2024, thu hút, tạo việc làm cho 8.000 lao động.

Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa tham gia thực hiện ba mô hình phát triển chăn nuôi, hỗ trợ 76 hộ nghèo ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn mua bò sinh sản và 86 hộ ở xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước tổ chức chăn nuôi, nhân đàn gà ri, tạo thêm thu nhập, sớm ổn định cuộc sống tại nơi tái định cư. Hiện các ngành cùng các địa phương tăng cường chuyển giao kỹ thuật, khoa học, công nghệ nhằm tăng năng suất lao động, tạo thêm việc làm, thu nhập; đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, miền núi, thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa Ðầu Thanh Tùng cho biết: Ba năm qua toàn tỉnh tạo việc làm mới cho 185 nghìn lao động, trong đó có hơn 26 nghìn lao động có thời hạn ở nước ngoài. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản từ 39,9% năm 2020, giảm xuống 31,1% năm 2023. Các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19, bảo trợ xã hội, trợ giúp đột xuất; các chương trình, chính sách dân tộc, tôn giáo được thực hiện hiệu quả, kịp thời. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 1,5%/năm, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; đồng bào các dân tộc tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, quản lý, điều hành của Nhà nước.

Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Ðỗ Trọng Hưng nhấn mạnh việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội trong công tác giảm nghèo; phát huy mạnh mẽ truyền thống "tương thân, tương ái", ý chí tự lực, tự cường, vươn lên của người nghèo, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại là giải pháp then chốt, đột phá. Thanh Hóa cũng tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, trao khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo; tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; huy động các nguồn lực, đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án, xây dựng, nhân rộng các mô hình liên kết phát triển sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng vào sản xuất nhằm thay đổi tư duy, cách làm kinh tế, nâng cao trình độ, hiệu quả lao động, chất lượng các sản phẩm.