Phát triển quế thành cây trồng chủ lực

Phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nên cây quế sinh trưởng và phát triển nhanh; cành, lá, thân đều bán được, mang lại thu nhập khá nên người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Huyện Định Hóa và tỉnh Thái Nguyên có cơ chế khuyến khích phát triển cây dược liệu này thành sản phẩm chủ lực, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
0:00 / 0:00
0:00
Người dân xã Kim Phượng, huyện Định Hóa thu hoạch cành, lá quế.
Người dân xã Kim Phượng, huyện Định Hóa thu hoạch cành, lá quế.

Gia đình ông Triệu Thanh Bình ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng đến nay đã trồng được khoảng 8ha cây quế với mật độ 5.000 cây/ha, đến năm thứ tư ông Bình bắt đầu tỉa cành và lá quế bán cho cơ sở chiết xuất tinh dầu, trung bình từ 1.500 đồng đến 2.500 đồng/kg cành, lá tươi, mỗi ha thu được hơn 30 triệu đồng.

Theo ông Bình, rừng quế đến năm thứ 6 trở đi, tiến hành tỉa thưa, cành và lá bán như bình thường, tách vỏ bán từ 50-60 nghìn đồng/kg khô, thân cây bán với giá khoảng hai triệu đồng/m3. Từ 15 năm trở đi, mật độ khoảng 1.300 cây/ha, mỗi ha quế cho thu nhập hàng tỷ đồng.

Với giá trị của quế mang lại, những năm gần đây, được sự hỗ trợ giống, phân bón của huyện Định Hóa, cán bộ kiểm lâm hướng dẫn kỹ thuật, hầu hết các hộ ở xóm Đồng Đình, xã Kim Phượng đã chuyển đổi các loại cây lâm nghiệp khác sang trồng quế. Đến nay ở xóm Đồng Đình, tổng diện tích quế đã trồng ước tính lên đến gần 80ha, phù hợp khí hậu, thổ nhưỡng và được chăm sóc đúng quy trình nên quế phát triển tốt.

Với diện tích đất đồi thấp, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, chất lượng tinh dầu tốt nên cây quế phát triển mạnh trên địa bàn huyện Định Hóa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quy Kỳ Luân Đức Quỳnh chia sẻ: “Với lợi thế về diện tích đất lâm nghiệp, từ năm 2015 đến nay, người dân trong xã đã trồng hơn 700ha quế, trong đó diện tích đã cho thu hoạch khoảng 200ha, giúp hàng trăm hộ thoát nghèo. Rất mừng là diện tích cho thu hoạch ngày càng tăng, diện tích trồng mới sẽ tăng lên trong những năm tới”.

Theo Bí thư Huyện ủy Định Hóa Nguyễn Đức Lực, với diện tích tự nhiên hơn 50 nghìn ha, trong đó đất lâm nghiệp chiếm hơn 65%, cấp ủy, chính quyền huyện xác định cây quế là một trong những hướng phát triển kinh tế địa phương, vừa tăng tỷ lệ che phủ, bảo vệ môi trường, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Điều thuận lợi đối với cây quế ở Định Hóa là diện tích đất lâm nghiệp lớn, địa phương có chính sách hỗ trợ giống, phân bón, kỹ thuật, công chăm sóc; thu hoạch quế không theo mùa vụ, thời điểm nào được giá, thời tiết thuận lợi thì thu hoạch. Mặt khác, trên địa bàn có doanh nghiệp thu mua quế nên không lo phải giải cứu như những loại cây trồng khác nên người dân yên tâm phát triển cây quế để giảm nghèo, tiến tới làm giàu từ loại cây dược liệu này.

Là đơn vị được giao triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân phát triển cây quế, Trưởng Ban Quản lý rừng ATK Định Hóa Nguyễn Đức Thắng chia sẻ: “Những năm gần đây, diện tích quế tăng mạnh ở Định Hóa, đến nay đã trồng hơn 4 nghìn ha. Để bảo đảm chất lượng rừng quế, chúng tôi cử lực lượng bám sát các cơ sở, kiểm tra nguồn gốc, kích cỡ, chiều cao cây giống, hướng dẫn người dân trồng đúng kỹ thuật nên quế phát triển tốt, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân, trong đó phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Tạo động lực cho cây quế phát triển, tỉnh Thái Nguyên và huyện Định Hóa đã ban hành đề án, trong đó xác định quế là sản phẩm nông nghiệp chủ lực, có chính sách hỗ trợ giá giống, phân bón, công trồng để hình thành vùng sản xuất quế hàng hóa tập trung với diện tích 10 nghìn ha tại huyện Định Hóa vào năm 2030. Đồng thời thu hút đầu tư xây dựng một nhà máy hiện đại chế biến các sản phẩm từ quế để tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, góp phần làm giàu cho nhân dân.