Từ cây quế của nữ Bí thư “Chi bộ bốn tốt”…
Năm nay, dường như mùa xuân đến sớm hơn với bà con đồng bào dân tộc Dao, ở vùng sâu Nậm Đét ngút ngàn sương gió, bởi một mùa quế bội thu và tin vui xã thứ tư, đạt chuẩn nông thôn mới của “cao nguyên trắng” Bắc Hà hùng vĩ và thơ mộng. Theo con đường mới mở vượt núi cao, khe sâu, được đổ bê-tông mặt đường láng nhẵn, vượt qua những rừng quế ken dày xanh ngăn ngắt, chúng tôi đến ngôi nhà kiên cố mới xây ở thôn Nậm Đét, ở cuối xã Nậm Đét. Chín mươi bảy tuổi nhưng cụ Triệu Mùi Pham vẫn minh mẫn, nhận ra người quen, cụ cười tươi, quấn quýt: “Vào nhà, vào nhà uống nước đi, các cháu à”.
Bên ấm trà nóng, câu chuyện ngược về những năm cụ Pham được kết nạp Đảng, là nữ đảng viên người Dao đầu tiên ở xã Nậm Đét, rồi trở thành nữ bí thư chi bộ xã đầu tiên của Đảng bộ huyện Bắc Hà ngày đó. “Mình vẫn nhớ như in hình ảnh Bác Hồ giản dị, gần gũi như người Cha, khi năm 1966, mình là đại biểu được về Hà Nội, dự hội nghị “Chi bộ bốn tốt” toàn miền bắc, vinh dự được gặp Bác Hồ và được đứng cạnh Bác để chụp ảnh chung”, cụ Pham hồi tưởng. Tấm ảnh nữ bí thư “Chi bộ bốn tốt” Triệu Mùi Pham trong trang phục người Dao đứng cạnh Bác Hồ được phóng to, treo trang trọng trên ban thờ trong nhà vẫn sáng bóng, rõ nét từng người.
Nhớ lời Bác dặn: Làm cán bộ phải cố gắng, phải làm cho dân mình no cơm, ấm áo hơn nữa”, năm 1975, Bí thư Chi bộ Triệu Mùi Pham đã dẫn đoàn cán bộ xã Nậm Đét lặn lội, vừa đi tàu hỏa, vừa đi bộ xuống vùng sâu Viễn Sơn, tỉnh Yên Bái học cách trồng quế, ươm giống quế. Từ 20 nghìn cây quế con và hai tạ hạt giống quế ban đầu ấy, Bí thư Chi bộ Triệu Mùi Pham và các đảng viên, cán bộ xã Nậm Đét đã không quản khó, ngại khổ, để vận động, hướng dẫn bà con địa phương thay đổi tập quán lâu đời là phát rừng làm nương, chuyển sang trồng quế, giữ rừng, làm ruộng bậc thang, đem lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn, nhờ đó thoát khỏi vòng “kim cô” nghèo khó bao đời, có cuộc sống đổi đời như hôm nay.
Bồi hồi xúc động, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét hôm nay là Triệu Thị Ghến chia sẻ: “ Cụ Triệu Mùi Pham là tấm gương sáng, là cánh chim đầu đàn giúp đồng bào Dao ở Nậm Đét đổi đời, vượt qua đói nghèo, vươn lên làm giàu, xứng đáng là người đảng viên hết lòng, tận tụy vì dân, được mọi người tin yêu, kính trọng”.
… Đến những “Vườn quế hạnh phúc”
Đi dưới tán quế ken dày, tỏa hương thơm ngào ngạt trên những triền đồi ở xã Nậm Đét, chúng tôi cảm nhận rõ sức sống mới của vùng đất có hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số, đang đổi thay từng ngày nhờ cây quế do nữ bí thư chi bộ là người Dao đầu tiên ở vùng đất này ươm mầm, chăm sóc và bén rễ xanh tươi, bền vững ở nơi đây. Trong căn nhà ba tầng mới xây còn thơm mùi sơn mới, anh Triệu Kim Vảng khoe: “Mình làm được cái nhà tiền tỷ này và toàn bộ đồ dùng, vật dụng phục vụ sinh hoạt như: ti-vi, tủ lạnh, xe máy... đều là nhờ tiền bán quế cả đấy”.
Thu hoạch quế ở vùng cao Nậm Đét.
Một thời gian dài, hộ gia đình anh Triệu Kim Vảng, dân tộc Dao ở thôn Nậm Tống Hạ, là một trong những hộ nghèo của xã Nậm Đét. Gia đình anh Vảng có khoảng một ha lúa, cố gắng lắm, mỗi năm gia đình anh cũng chỉ đủ ăn. Nếu gặp năm có thiên tai, bão lũ, thì nguy cơ mất mùa, thiếu đói luôn rình rập. Quyết tâm thoát nghèo, theo chỉ dẫn của cán bộ khuyến nông xã và huyện, anh Vảng mạnh dạn đưa 4 ha đất đồi của gia đình vào trồng cây quế. Nhờ chịu khó học hỏi kinh nghiệm, áp dụng đúng kỹ thuật chăm sóc và thu hoạch, đồi quế gia đình anh Vảng phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập cao, hằng năm thu về từ 200 đến 300 triệu đồng. Vụ quế năm nay bội thu, được mùa, được giá, anh Vảng mổ lợn, gói bánh chưng, ăn Tết đón xuân trong niềm vui rộn ràng, no ấm.
Trưởng thôn Nậm Đét Triệu Kim Hín cũng là một điển hình thoát nghèo và làm giàu từ cây quế. Anh Hín cho biết, trước đây gia đình anh và bà con nông dân chỉ biết sản xuất mỗi năm một vụ, chủ yếu là trồng ngô và trồng lúa nương, năng suất thấp. Đời sống của bà con nghèo đói, thiếu thốn vô cùng. Từ khi đưa cây quế vào trồng, bà con trong thôn đã không còn hộ đói, số hộ nghèo giảm mạnh. “Ngay như nhà mình hiện cũng có gần 5 ha quế, khi chưa thu hoạch thì chặt tỉa cành lá bán cho thương lái mua về chưng cất dầu, mỗi năm cũng có vài chục triệu đồng. Vụ quế vừa rồi, kể cả tiền bán vỏ, lá, hạt quế và thân gỗ, gia đình cũng thu về gần hai tỷ đồng. Chúng tôi gọi đó là những vườn quế hạnh phúc, ấm no”, anh Hín chia sẻ.
Tính đến thời điểm này, toàn xã Nậm Đét đã có gần 1.300 ha quế, với hơn 400 hộ dân tham gia trồng loại cây này. Chủ tịch xã Nậm Đét Bàn A San cho biết: Để bảo đảm duy trì ổn định diện tích quế khai thác, xã cũng đã quy hoạch trên 300 ha đất trồng quế, phấn đấu mỗi năm mở rộng thêm từ 50 đến 60 ha. Trong đó, vận động bà con tận dụng hết những diện tích còn bỏ hoang để đưa cây quế vào trồng. Mặt khác, đẩy mạnh thâm canh và trồng quế hữu cơ theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao thu nhập và hiệu quả của cây quế. Từ đó, đẩy mạnh phát triển cây quế là cây kinh tế mũi nhọn ở vùng núi cao này, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Thăm dây chuyền sơ chế quế và lò chưng cất tinh dầu quế của HTX nông- lâm nghiệp Chiến Thắng, càng hiểu thêm giá trị của cây quế và ý chí giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bản thân và hỗ trợ bà con nông dân trên chính quê hương Nậm Đét của chàng trai mới ngoài 30 tuổi Triệu Phúc Lý. Dáng đậm chắc như chú gấu rừng, với chất giọng to, rõ và mạch lạc, giám đốc Triệu Phúc Lý tự tin kể về “cơ duyên” lập nghiệp của mình. Anh thấy chất lượng quế của quê mình Nậm Đét không đâu bằng, sánh ngang với “thủ phủ quế” miền bắc ở Viễn Sơn (Yên Bái) mà vào mùa thu hoạch cứ bấp bênh, bị ép giá, có khi “dội chợ” ế ấm, bà con “ngậm đắng” bán quế rẻ như cho, trong khi đó quế xuất đi thị trường ngoài tỉnh và các nước châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc thì rất cao và nhiều khi “cháy hàng”. Triệu Phúc Lý quyết tâm mày mò, tìm hiểu cách sơ chế quế, để khởi nghiệp, lập ra HTX. “Nếu bình thường, mỗi kg vỏ quế khô, nông dân chỉ bán được ở mức 38 đến 40 nghìn đồng, thế nhưng chỉ qua sơ chế bào lớp vỏ ngoài, phân loại theo yêu cầu của đơn hàng, giá trị của quế vỏ khô đã tăng lên đến 60 nghìn đồng mỗi kg và có loại lên đến 140 nghìn mỗi kg.
Để nâng cao giá trị cây quế, đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng nước ngoài, HTX nông - lâm Chiến Thắng đã đẩy mạnh đầu tư khoa học - kỹ thuật, hiện đại hóa cơ sở vật chất, nhà xưởng, kho bãi, máy móc… Với quyết tâm xây dựng quy trình sản xuất, chế biến, tiêu thụ quế khoa học, cơ giới hóa gắn với an toàn lao động, HTX đẩy mạnh hoạt động đào tạo, nâng cao kỹ thuật chăm sóc, khai thác, chế biến quế theo tiêu chuẩn an toàn cao, hoạt động sử dụng máy móc trong quá trình sơ chế, bảo quản cũng được giám sát chặt chẽ, bảo đảm an toàn và hiệu quả. Hằng năm, sản lượng vỏ quế tươi đạt gần 500 tấn, hơn 20 tấn tinh dầu và gần 300 m3 gỗ quế; sản phẩm quế của HTX được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, một số nước Trung Đông và các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, cho thu nhập khoảng 35 tỷ đồng mỗi năm. Bên ấm trà quế nóng hổi, hương thơm ngào ngạt, anh Lý khoe: Từ cây quế, chúng tôi có thể sơ chế ra 12 sản phẩm quế khô và tinh dầu, không bỏ đi thứ gì, ngay cả cuống lá rụng xuống cũng có thể làm thành trà quế thơm ngon đặc trưng, có tác dụng phòng bệnh và tăng sức đề kháng của cơ thể.
Nắng xuân tràn trên những cánh rừng quế, lượn sóng khi làn gió xuân thổi qua, trải dài như vô tận, xanh ngăn ngắt. Một mùa xuân mới đang về trên quê hương Nậm Đét thân thương. Điều lắng đọng trong tôi, khi biết chàng trai trẻ Triệu Phúc Lý chính là cháu ngoại cụ Triệu Mùi Pham, cựu Bí thư Đảng ủy xã Nậm Đét năm xưa đã không quản khó khăn, gian khổ đưa cây quế về cắm rễ trên quê hương mình. Hôm nay, đến lượt mình, người cháu của cụ và lớp thanh niên của vùng “nước ấm” Nậm Đét đã tiếp bước ông cha, phát huy trí tuệ, bản lĩnh và sức trẻ để làm giàu cho bản thân và quê hương thân yêu.