Lai Châu phát triển cây quế ở huyện biên giới Mường Tè

Sau 5 năm triển khai, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) đã trồng được hơn 2.300ha quế. Người trồng quế đã bắt đầu có nguồn thu từ việc cắt tỉa cành lá, bán cho cơ sở thu mua, chế biến. Hiện diện tích trồng quế vẫn đang tiếp tục được mở rộng. 
0:00 / 0:00
0:00
Sau 5 năm triển khai, huyện Mường Tè đã trồng được hơn 2.300ha quế. Hơn 50% diện tích trên đã cho nguồn thu từ việc cắt tỉa cành lá.
Sau 5 năm triển khai, huyện Mường Tè đã trồng được hơn 2.300ha quế. Hơn 50% diện tích trên đã cho nguồn thu từ việc cắt tỉa cành lá.

Đến bản Nậm Xả, xã Bum Tở, nơi sinh sống của 100% đồng bào La Hủ; chúng tôi thấy màu xanh bạt ngàn của cây quế. Cây quế bén rễ ở Nậm Xả gần 5 năm nay. Những nương quế đã thay thế cho những chòm nương bạc màu trơ trọi cỏ tranh trước đấy. Hiện cây quế đang mở ra một trang mới cho đồng bào La Hủ. Không xa nữa, cây quế sẽ giúp bà con xóa đi cái nghèo, ổn định cuộc sống và vươn lên làm giàu.

Theo anh Vàng Giá Chừ - Trưởng bản Nậm Xả, gia đình anh và một số hộ trong bản bắt đầu thử nghiệm trồng cây quế từ năm 2016 theo sự vận động của xã và huyện.

Qua thử nghiệm cho thấy cây quế có tỷ lệ sống cao, hợp thổ nhưỡng, cây sinh trưởng và phát triển rất tốt. Sau ba năm trồng, diện tích cây quế trồng thử nghiệm đã cho thu tỉa cành lá, bán ra được khoảng 15 triệu đồng/ha/năm và rất ổn định.

Từ thực tế trên, cùng với sự hỗ trợ giống, phân bón, công chăm sóc của nhà nước khi phát triển cây quế; bà con trong bản biết được giá trị kinh tế của cây quế, cho nên cả bản động viên nhau quy hoạch lại đất sản xuất, đăng ký mở rộng diện tích cây quế với xã và huyện.

Nhờ đó mà diện tích quế của bản không ngừng tăng cao, đến nay cả bản đã có hơn 200ha quế. Hiện bà con vẫn đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng quế.

Lai Châu phát triển cây quế ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 1

Bản Nậm Xả, xã Bum Tở có hơn 200 hộ dân La Hủ, nguồn thu từ cây quế khiến thu nhập bình quân đầu người của bản năm 2023 lên tăng 8 triệu so với năm 2022.

Cũng theo anh Chừ, điều đáng mừng là hiện nay, đã có hơn một nửa diện tích quế của Nậm Xả cho nguồn thu từ việc tỉa cành lá.

Điều này khiến tỷ lệ hộ nghèo của bản trong hai năm nay giảm nhanh, với mức bình quân mỗi năm giảm trung bình khoảng 8%. Mức thu nhập của người dân trong bản tăng từ 18 triệu đồng/người trong năm 2022, tăng lên 26 triệu đồng/người trong năm 2023 và Nậm Xả là bản có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất xã Bum Tở.

Trong câu chuyện với Chủ tịch UBND xã Bum Tở - Vàng Hu Chờ, chúng tôi cảm nhận được niềm tin của đồng bào La Hủ nơi đây đối với cây quế. Thực tế cho thấy chỉ sau 5 năm, tổng diện tích quế của xã Bum Tở đã tăng lên gần 800ha và mục tiêu đến năm 2025 diện tích trên sẽ đạt 1.000ha, bằng một phần ba tổng quy hoạch vùng quế nguyên liệu của cả huyện Mường Tè đến năm 2025; gần bằng một phần 10 tổng diện tích quế hiện có của toàn tỉnh Lai Châu.

Cũng như người dân bản Nậm Xả, mức thu nhập bình quân của người dân trong toàn xã Bum Tở năm 2023 đạt hơn 22 triệu đồng/người /năm, tăng 6 triệu đồng/người so với năm 2022, và cũng là năm có mức tăng bình quân thu nhập đầu người cao nhất của xã từ trước tới nay.

Lai Châu phát triển cây quế ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 2

Việc cắt tỉa cành, lá bán cho cơ sở chế biến tạo ra nguồn thu ổn định cho người trồng quế.

Cũng theo cách tính của Chủ tịch Vàng Hu Chờ, chỉ 5 năm nữa, khi diện tích quế đủ tuổi khai thác, Bum Tở từ một xã 100% đồng bào La Hủ đặc biệt khó khăn sẽ thành xã có mức thu nhập cao nhất, nhì của huyện Mường Tè.

Tương tự Bum Tở, nhận thấy giá trị của cây quế, hàng loạt các xã như: Can Hồ, Bum Nưa, Vàng San, Nậm Khao, Tà Tổng… của huyện Mường Tè đã tập trung phát triển vùng nguyên liệu quế.

Nhờ vậy chỉ sau 5 năm, diện tích quế toàn huyện Mường Tè đã đạt hơn 2.300ha; trong đó, có hơn 50% diện tích hiện đã được thu hoạch cành lá quế, hàng nghìn hộ dân đã có nguồn thu ổn định từ việc cắt tỉa cành, lá bán cho cơ sở chế biến.

Lai Châu phát triển cây quế ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 3

Nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế đầu tiên của Lai Châu được đầu tư xây dựng tại huyện Mường Tè.

Cùng với việc phát triển vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến các sản phẩm từ quế đầu tiên tại Lai Châu đã được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động tại huyện Mường Tè.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - một trong những cổ đông điều hành chính của Công ty cổ phần sản xuất chế biến dược liệu HTCVINA cho biết: Nhận thấy khu vực huyện Mường Tè và các địa phương lân cận phát triển mạnh vùng nguyên liệu quế, diện tích ngày càng được mở rộng, nguồn nguyên liệu ổn định có thể sản xuất tinh dầu quế để xuất khẩu, cổ đông của công ty đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở chế biến. Đến nay, xưởng chiết xuất tinh dầu và chế biến các sản phẩm từ quế đã đi vào hoạt động, với mức tiêu thụ nguyên liệu lên đến 100 tấn cành, lá quế mỗi ngày.

Lai Châu phát triển cây quế ở huyện biên giới Mường Tè ảnh 4

Sản phẩm tinh dầu quế nguyên chất của Mường Tè dùng để xuất khẩu.

Để thuận tiện cho việc xuất nguyên liệu của bà con, đơn vị đã đầu tư dàn xe tải đi thu gom nguyên liệu tại các xã; đối với những diện tích quế được bà con trồng dọc ven sông Đà, đơn vị sử dụng tàu máy thu mua nguyên liệu cho người dân ngay tại bờ sông.

Để bảo đảm việc bao tiêu sản phẩm cho bà con, đơn vị đã kết hợp với một số đối tác tìm được thị trường xuất khẩu sản phẩm sang các nước có nhu cầu sử dụng lớn ở châu Âu, Trung Đông, Hàn Quốc, Trung Quốc… Đây là cơ sở vững chắc để đơn vị cam kết sẽ thu mua tất các sản phẩm từ cây quế của người dân không chỉ ở Mường Tè mà còn cả các vùng lân cận.

Diện tích cây quế trên địa bàn huyện Mường Tè đang ngày càng mở rộng, cây quế đang cho thấy vai trò là cây xóa đói giảm nghèo.

Cùng với đó, niềm tin của người dân về cây quế đã bắt đầu được củng cố bằng chính nguồn thu hằng ngày từ việc bán cành, lá quế; việc thu mua bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp cũng khá ổn định. Đây sẽ là cơ sở vững chắc để cây quế tiếp tục ăn sâu, bám rễ; trở thành một trong những cây trồng chủ lực, mang đến ấm no sung túc cho đồng bào, nhân dân các dân tộc huyện biên giới Mường Tè.