Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp ven đô gắn với thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH), từ cuối năm 2021, HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Liên Nhật (Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh) đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, đầu tư công sức thau chua, rửa phèn, xây dựng mô hình sinh thái "3 trong 1", vừa sản xuất lúa hữu cơ, nuôi trồng thủy sản và mở các dịch vụ theo hướng du lịch trải nghiệm.
Giám đốc HTX Nguyễn Hữu Quyền cho biết, hiện 11ha đất ở khu vực thôn Liên Nhật do HTX quản lý đã xây dựng thành công các mô hình lúa cá, lúa tôm sú, lúa rạm… theo phương thức sản xuất hữu cơ, tuần hoàn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Ngoài ra, HTX đang trồng thử nghiệm các giống cây thích ứng tốt với điều kiện đất đai như: dứa, thanh long, tràm nước, dừa xiêm…
Chủ động phương án sản xuất, tính toán kỹ lưỡng đầu vào và đầu ra sản phẩm dù không phải chính vụ cũng là thế mạnh của HTX Thanh niên Thành Sen (xã Đồng Môn, thành phố Hà Tĩnh). Vào mùa cao điểm thu hoạch, mỗi ngày, HTX cung cấp khoảng 1 đến 1,5 tấn rau, củ, quả cho người tiêu dùng, đưa doanh thu hằng tháng ước đạt khoảng 300 triệu đồng. Bình quân mỗi loại cây sản xuất gối vụ từ 2-3 vụ/năm, cộng với luân canh một số loại rau ngắn ngày, xen dưa lưới, doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng/ha.
HTX Nông nghiệp bưởi da xanh tỉnh Bến Tre được biết đến là điểm sáng kinh tế nông nghiệp. Hiện 221 hộ thành viên HTX đang sở hữu một khối tài sản hiện đại là khu phức hợp đa chức năng rộng 4.000m2 (gồm 4 hạng mục: từ khâu sản xuất, thu mua, kho trữ hàng hóa đến chế biến sản phẩm) với tổng vốn đầu tư 13 tỷ đồng do Tổ chức Socodevi (Canada) tài trợ. Nhờ đó, doanh thu HTX luôn đạt mức cao, chỉ tính riêng giai đoạn 2019-2022 đã đạt 16,38 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 4,33 tỷ đồng.
Trong lĩnh vực trồng trọt, sự thành công của HTX nông nghiệp có một phần đóng góp không nhỏ của KHCN.
Giám đốc HTX Kiến Thuận (xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) Đỗ Văn Lừng cho biết, từ đầu tư áp dụng công nghệ 4.0 trong quản trị điều hành, HTX đã giảm được nhân công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nếu trước đây, một ca sản xuất phải cần tới 15 công nhân, nay hai ca cũng chỉ cần 15 công nhân, công suất máy móc cũng tăng gấp đôi từ 20 lên 40 tấn chè búp tươi/ngày. Doanh thu của HTX tăng từ 10 tỷ đồng lên gần 30 tỷ đồng/năm. Nhờ có nguồn lợi ổn định từ sản xuất, HTX đã có điều kiện chú trọng đến công tác an toàn vệ sinh lao động và bảo đảm vệ sinh môi trường trong sản xuất chế biến chè.
Hiện HTX đã ký hợp đồng mời chuyên gia Công ty Unilever Việt Nam kiểm tra, lấy mẫu thử hằng năm nên chất lượng chè của Kiến Thuận luôn bảo đảm quy chuẩn quốc tế. HTX xây dựng trang bán hàng trực tuyến trong nước, thiết kế gian hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba. Sản phẩm chè Kiến Thuận đã được xuất khẩu sang các nước châu Âu.
Từ thực tiễn sản xuất, ứng phó và thích nghi với BĐKH đã cho thấy các HTX nông nghiệp hiện nay đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững.
Đặc biệt, việc các HTX làm chủ được KHCN trong sản xuất đã và đang góp phần giảm dần sự phụ thuộc vào thời tiết, thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất theo kinh nghiệm sang áp dụng KHCN, thích ứng tốt BĐKH, đã góp phần khơi thông nguồn lực của các HTX. Điều này giúp các HTX nông nghiệp không chỉ nâng cao vị thế mà còn tạo niềm tin, thu hút xã viên.
Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kinh tế thành phố Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) Trần Quang Hưng, việc phát triển các mô hình sản xuất mới gắn với thích ứng BĐKH trên địa bàn đang gặp không ít trở ngại. Bên cạnh những khó khăn trong quá trình tiếp cận, thay đổi phương thức sản xuất, tập quán lao động cho người dân, hiện nay việc đánh giá, cập nhật mức ảnh hưởng cụ thể của BĐKH đối với thổ nhưỡng, thời tiết chưa được kịp thời, đồng bộ, nhiều chỉ số mới được nhìn nhận ở mức trực quan, chưa có hệ thống đánh giá, dự báo đồng bộ, chuẩn xác nên địa phương vừa làm, vừa phải xây dựng mô hình thực nghiệm. Đây cũng là điểm yếu tác động không nhỏ đến kế hoạch cũng như định hướng phát triển sản xuất của HTX và năng lực của xã viên.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) Lê Minh Hoan, nông dân hiện đã có kỹ thuật sản xuất rất tốt. Vấn đề hiện nay là phải hướng cho nông dân hiểu được quy luật, yêu cầu của kinh tế, sản xuất không chạy theo sản lượng nữa mà phải nâng cao chất lượng đáp ứng đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường… Để làm được điều này, cần phải chuyên nghiệp hóa người nông dân.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Đi cùng với đó là nhiều ưu đãi trong hỗ trợ lãi suất, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ miễn, giảm tiền sử dụng đất, miễn giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước, hỗ trợ tập trung đất đai; các doanh nghiệp, hợp tác xã khi tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được hỗ trợ về tư vấn xây dựng liên kết, giống, vật tư, bao bì, nhãn mác...
Tỉnh đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021-2025. Tỉnh đã phê duyệt Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn
Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bến Tre Huỳnh Quang Đức chia sẻ: "Địa phương đã có chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng BĐKH. Trong đó, sự chuyển đổi cách thức sản xuất như: chuyển từ độc canh ba vụ lúa trong năm sang hai vụ lúa, một vụ màu; một vụ lúa một vụ tôm sẽ được coi là khâu đột phá.
Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ, Bộ NN và PTNT và các địa phương đã xây dựng và đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các HTX nông nghiệp có thể thích ứng với những thay đổi về khí hậu, ứng phó với thiên tai ngày một gia tăng và khó lường.
Nhưng để các giải pháp này thật sự phát huy tác dụng, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác đào tạo cho lao động nông nghiệp, có chính sách thu hút nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, cán bộ trẻ làm việc trong ngành nông nghiệp nhất là các HTX để ứng dụng sáng tạo vào sản xuất. Đây chính là chìa khóa giúp HTX phát triển bền vững, làm thay đổi bức tranh nông nghiệp Việt Nam, hướng đến hội nhập và phát triển bền vững.