Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Bài 1: Đổi mới tư duy sản xuất

Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Chính phủ đề ra những giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng một ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, trong đó, chú trọng đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất, giảm tổn thất và nâng cao năng lực cho các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Nhờ đó, nhiều HTX đã chủ động kế hoạch sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

0:00 / 0:00
0:00
Mô hình thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao cho thành viên Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú (Bến Tre).
Mô hình thích ứng biến đổi khí hậu mang lại hiệu quả cao cho thành viên Hợp tác xã lúa-tôm Thạnh Phú (Bến Tre).

Nâng cao năng lực HTX nông nghiệp được xác định là khâu đột phá của toàn ngành trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngoài nhận được sự hỗ trợ về chính sách, vốn đầu tư, các HTX nông nghiệp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, kinh doanh, chuyển từ truyền thống sang sáng tạo và áp dụng KHCN để làm chủ quy trình sản xuất, hướng đến một nền nông nghiệp bền vững…

Yên Bái là tỉnh miền núi, chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, chỉ tính riêng năm 2022, tỉnh đã chịu 22 đợt mưa, bão kèm dông, lốc, sét và gió giật mạnh, cùng nhiều đợt rét đậm, rét hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sản xuất của người dân. Ðối mặt với những khó khăn của thời tiết, các HTX đã có những cách làm sáng tạo, chủ động chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung, hướng đến một nền nông nghiệp thuận thiên.

Ghi nhận tại huyện Văn Chấn, vào thời kỳ cao điểm, địa phương có hơn 4.500ha chè, với nhiều nhà máy, khu chế biến. Cây chè trở thành cây "xóa đói, giảm nghèo" của người dân. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến cho nhiều héc-ta chè bị giảm diện tích, năng suất và chất lượng. Nguy cơ cây chè mất dần vị trí dẫn đầu ngành nông nghiệp Văn Chấn là rất lớn nếu địa phương không có những giải pháp phù hợp, cấp bách. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Văn Chấn đã hỗ trợ vốn để các HTX ứng dụng KHCN, cải tạo, trồng mới nhiều giống chè thích ứng biến đổi khí hậu… Nhờ vậy, cây chè Văn Chấn sinh trưởng tốt, chất lượng cao bảo đảm phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Tại tỉnh Hà Tĩnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Tuấn Thanh cho biết, năm 2020 địa phương có đến 3.900ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do mưa, bão. Ngoài ra, hiện tượng nắng nóng kéo dài, rét đậm, rét hại, cũng làm tăng nguy cơ lây lan sâu bệnh, ảnh hưởng đến sinh trưởng của gia súc, gia cầm, làm giảm năng suất và sản lượng của cây trồng, vật nuôi...

Ðể ứng phó với sự khắc nghiệt của thời tiết, Hà Tĩnh đã chọn nông nghiệp công nghệ cao làm khâu đột phá của toàn ngành. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Thanh niên Thành Sen (xã Ðồng Môn, TP Hà Tĩnh) Lê Anh Tuấn chia sẻ, chúng tôi xác định sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao là bước đi sống còn của HTX. Từ 1.000m2 nhà lưới trồng dưa lưới, dưa lê, dưa chuột, dưa vàng… với đầy đủ hệ thống phun sương tự động, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm... đến nay HTX đã đầu tư, mở rộng quy mô nhà lưới lên 5.000m2.

Phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu ảnh 1

Trồng chè sạch tại HTX Kiến Thuận, xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn (Yên Bái).

Biến đổi khí hậu cũng để lại những hậu quả nặng nề đối với tỉnh Bến Tre. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh xác định cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy sang kinh tế nông nghiệp; xây dựng chuỗi giá trị các ngành hàng, gắn sản xuất với tiêu thụ; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển chế biến, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hữu cơ, sản xuất an toàn, bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Nhờ đó, nông nghiệp dần giữ thế chủ động trước biến đổi khí hậu.

Các HTX nông nghiệp dần thay đổi tư duy sản xuất cũ làm theo kinh nghiệm sang áp dụng KHCN, không phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết, nhằm tạo ra những sản phẩm quanh năm có giá trị kinh tế cao.

Tỉnh Bến Tre đã phát triển rất tốt mô hình lúa-tôm, giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. Theo Phó Giám đốc HTX tôm Thạnh Phú Hồ Văn Cương: Hiện HTX có 111 xã viên với 60ha sản xuất theo mô hình lúa sạch với các giống đặc sản như: Ðài Thơm 8, OM 4900, OM 6162… HTX ký bao tiêu sản phẩm cho xã viên, nên đầu ra rất ổn định. Thời gian tới, HTX sẽ cung cấp tôm giống, thức ăn, lúa giống… với giá thấp và thu mua với giá cao để xã viên, người nông dân có lãi.

Ông Cương cho biết thêm, gia đình ông sở hữu 2,5ha đất, trước đây chỉ trồng 1ha lúa mùa với năng suất khoảng hai tấn/ha/năm. Diện tích còn lại là mương, nhưng không làm gì được vì mùa nước thì ngập, mùa khô lại cạn. Hiện nay, gia đình ông vẫn sản xuất lúa nhưng diện tích mương chung quanh được bao lại để nuôi thủy sản nên hiệu quả tăng hơn 10 lần. Chỉ từ lúa và tôm cộng lại đã mang lại lợi nhuận hơn 120 triệu đồng/ha, trong khi trước đây chỉ làm lúa mùa mong đủ ăn cho cả nhà với giá trị chưa tới 10 triệu đồng.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thạnh Phú (Bến Tre) Ðào Công Thương cho biết: Toàn huyện có khoảng 7.000ha sản xuất theo mô hình lúa-tôm. Trung bình 1ha, nông dân thu lợi nhuận từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Trong đó, sản phẩm lúa và thủy sản đều sạch, chất lượng cao nên không đủ để tiêu thụ.

Nông nghiệp thuận thiên, dựa trên thế mạnh của địa phương cũng là hướng đi của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái, địa phương hiện sở hữu hồ Thác Bà với diện tích mặt nước hơn 19.000ha. Ðể khai thác tiềm năng của hồ, huyện đã phát triển thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các đề tài, dự án khoa học về lĩnh vực phát triển thủy sản.

Ðến nay trên hồ Thác Bà có hai doanh nghiệp và năm HTX nuôi trồng thủy sản, hơn 300 hộ dân nuôi cá lồng và nuôi cá quây lưới, với diện tích lên đến hơn 2.100 lồng nuôi cá và hơn 230ha nuôi cá quây lưới, cho tổng sản lượng thủy sản của huyện năm 2022 đạt 7.700 tấn. Nhờ sản lượng lớn, chất lương cao, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu "Cá hồ Thác Bà đặc sản Yên Bái" cho địa phương.

Ðể thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thương hiệu, Yên Bình đã lập xong bản đồ phát triển thủy sản hồ Thác Bà định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện dự án "Phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm cá nuôi trên hồ Thác Bà", dự án "Hỗ trợ chứng nhận cơ sở nuôi cá lồng theo tiêu chuẩn VietGAP". Ðây đều là những dự án lớn cho thấy quyết tâm mới trong phát triển nông nghiệp thuận thiên đang là hướng đi đúng.

(Còn nữa)