Phát triển khu công nghiệp theo hướng hiện đại

Tại thành phố Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp hoạt động ổn định, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, đóng góp lớn cho thu ngân sách và tạo việc làm. Tuy nhiên, tiến độ triển khai một số khu công nghiệp mới vẫn chậm, còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ.
0:00 / 0:00
0:00

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh) với tổng diện tích 274ha đã được xây dựng nhà máy nước, nhà máy xử lý nước thải, trạm điện, trạm viễn thông, ATM, bưu điện..., đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và các đối tác. Khu công nghiệp đã thu hút đông đảo doanh nghiệp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 99 triệu USD/năm và tạo việc làm cho khoảng 60 nghìn lao động. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Khu công nghiệp Thăng Long Hiroyoshi Masuoka cho biết: “Chúng tôi đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng và phát triển Khu công nghiệp Thăng Long thành khu công nghiệp kiểu mẫu, có chất lượng dịch vụ tốt nhất tại Thủ đô cũng như cả nước”.

Tính đến đầu năm 2022, thành phố Hà Nội có 10 khu công nghiệp đang hoạt động với tổng diện tích 1.347,4ha. Trong đó, có chín khu công nghiệp đã hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy đạt gần 100%. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đánh giá: Các khu công nghiệp đã đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội khi thu hút gần 166 nghìn người lao động. Trong 711 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, có 307 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6,3 tỷ USD; 404 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 19 nghìn tỷ đồng. Bình quân 1ha đất thu hút 5,5 triệu USD vốn đăng ký đầu tư. Các dự án chủ yếu tập trung vào các ngành nghề: Điện-điện tử, công nghiệp cơ khí chế tạo... thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp đang được ưu tiên của thành phố như công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực này, các khu công nghiệp chưa bảo đảm về số lượng và chất lượng. Công tác rà soát quy hoạch xây dựng và phát triển các khu công nghiệp còn chậm. Hệ thống hạ tầng trong và ngoài hàng rào khu công nghiệp còn nhiều bất cập. Tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, vật liệu trong nước thấp, cho nên không kích thích được sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, hiện giá thuê đất của Hà Nội đang cao hơn các tỉnh, thành phố lân cận, cho nên khó thu hút doanh nghiệp...

Thí dụ như dự án Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội được triển khai từ năm 2012 với tổng diện tích quy hoạch 640ha tại cửa ngõ phía nam của Thủ đô với mục tiêu hình thành và phát triển khu công nghiệp-đô thị chuyên sâu cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, sau 10 năm, dự án này mới hoàn thiện hạ tầng 76,9ha giai đoạn 1, thu hút được hai dự án đầu tư thứ phát. Đại diện Ủy ban nhân dân quận Bắc Từ Liêm cho biết, địa bàn quận có Dự án khu công nghệ cao sinh học Hà Nội (Habiotech) được khởi động từ những năm 2000, nhưng kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ vẫn chưa triển khai.

Trong giai đoạn 2021-2025, thành phố Hà Nội phấn đấu thành lập thêm từ hai đến năm khu công nghiệp mới. Bên cạnh đó, thành phố cũng tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu công nghiệp đã có chủ đầu tư như: Khu công nghiệp Quang Minh I, huyện Mê Linh; Khu công nghệ cao sinh học Hà Nội, quận Bắc Từ Liêm; rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (giai đoạn 2). Việc thành lập và hoàn thiện các khu công nghiệp này nhằm thu hút đầu tư và phát triển sản xuất công nghiệp, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa-hiện đại hóa của thành phố trong thời gian tới.

Để thực hiện mục tiêu này, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư khu công nghiệp trên địa bàn, thường xuyên kiểm tra, giám sát dự án và kiểm điểm tiến độ thi công để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn. Các quận, huyện, thị xã tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp như xây dựng đường giao thông kết nối đến hàng rào khu công nghiệp mới, hỗ trợ đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp điện, cấp nước, thoát nước, thông tin, viễn thông... Bên cạnh đó, các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu công nghiệp phải cam kết bảo đảm tập trung nguồn lực để dự án hoàn thành đúng tiến độ; ưu tiên các nhà đầu tư, dự án sử dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao, hài hòa giữa lợi ích kinh tế và bảo vệ môi trường.