Phát triển đô thị Biên Hòa theo không gian hướng sông Đồng Nai

Cấu trúc đô thị, hệ thống hạ tầng giao thông, phát triển không gian xanh là những vấn đề được các chuyên gia, nhà khoa học đóng góp tại Hội thảo khoa học điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2045 do Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 20/9.
0:00 / 0:00
0:00
Một góc đô thị Biên Hòa giáp sông Đồng Nai.
Một góc đô thị Biên Hòa giáp sông Đồng Nai.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa Nguyễn Xuân Thanh, tháng 3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể chung của thành phố Biên Hòa đến năm 2024. Phạm vi điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa gồm toàn bộ địa giới hành chính thành phố; 29 phường, 1 xã, với diện tích hơn 26.000ha.

Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc “đô thị công nghiệp” sang mô hình cấu trúc “đô thị dịch vụ và công nghiệp”; hướng tới phát triển đô thị thông minh, bền vững.

Hiện nay, Biên Hòa đang có số dân khoảng 1,2 triệu người, là đơn vị cấp huyện có số dân lớn nhất cả nước. Với dân số trên, Biên Hòa đang có số dân đông hơn khoảng 30 đơn vị cấp tỉnh trong cả nước.

Hằng năm, Biên Hòa lại tiếp nhận thêm một lượng người khá lớn từ khắp mọi miền đất nước đến làm việc, sinh sống. Điều này, đặt ra áp lực rất lớn cho hệ thống chính trị tại địa phương, nhất là giải quyết vấn đề giáo dục, y tế, giao thông, nhà ở cho người dân và bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Phát triển đô thị Biên Hòa theo không gian hướng sông Đồng Nai ảnh 1

Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn trình bày góp ý tại hội thảo.

Trên cơ sở nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung đã được phê duyệt, thời gian qua các cơ quan chức năng của thành phố, đơn vị tư vấn đã triển khai công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung nhằm tìm ra những ý tưởng tốt nhất vào Đồ án điều chỉnh chung quy hoạch thành phố Biên Hòa.

Đóng góp ý kiến tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ở Thành phố Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập trong tương lai khi nước biển dâng, thì Biên Hòa có thể tận dụng lợi thế ở vùng đất cao để phát triển theo định hướng đô thị không ngập. Biên Hòa cần chú ý liên kết vùng đô thị đa trung tâm rất quan trọng, đầu tư không gian xanh, phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng theo mô hình TOD (Transit Oriented Development).

Đặc biệt, quy hoạch phát triển hướng sông Đồng Nai, vì Biên Hòa có mặt tiền sông rất đẹp, ít nơi nào có được. Trong quá trình phát triển đô thị Biên Hòa cần có những chiến lược bảo tồn, chỉnh trang và phát triển hiệu quả hơn với tư duy đột phá.

Phát triển đô thị Biên Hòa theo không gian hướng sông Đồng Nai ảnh 2

Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chỉnh cho rằng, quá trình quy hoạch phát triển Biên Hòa cần xác định sông Đồng Nai là tài sản thiên nhiên quý giá.

Đồng tình với quan điểm này, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam nhấn mạnh, sông Đồng Nai có giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế, trong đó, cảnh quan sông Đồng Nai qua đô thị Biên Hòa rất đẹp. Vấn đề đặt ra phát triển, khai thác sao cho phù hợp. Quá trình phát triển cần xác định sông Đồng Nai là tài sản thiên nhiên quý giá không chỉ cho địa phương mà cả vùng Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu về quy hoạch, đô thị cũng khuyến cáo điều chỉnh quy hoạch lần này cần phải chú trọng phát triển, khai thác tiềm năng sông Đồng Nai. Bởi lẽ, cả nước ít nơi đâu có dòng sông đi qua trung tâm đô thị đẹp như Biên Hòa.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam cho rằng, Biên Hòa là trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất của tỉnh Đồng Nai và một trong những đô thị chiến lược của khu vực phía nam. Vì vậy, việc lập điều chỉnh quy hoạch thành phố Biên Hòa đến năm 2045 không chỉ đơn thuần là một nhiệm vụ riêng của địa phương mà nhiệm vụ quan trọng của tỉnh Đồng Nai.

Phát triển đô thị Biên Hòa theo không gian hướng sông Đồng Nai ảnh 3

Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam đề nghị điều chỉnh tổng thể quy hoạch thành phố cần tập trung bốn vấn đề trọng tâm.

Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung thành phố Biên Hòa là nền tảng cho sự phát triển đồng bộ, hài hòa và bền vững của đô thị trong những năm tới.

Quy hoạch không chỉ là sắp xếp không gian đô thị mà còn là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề về giao thông, dân cư, môi trường và kinh tế, giúp Biên Hòa hoàn thành đầy đủ các tiêu chuẩn của đô thị loại I, góp phần quan trọng để thành phố phát triển theo hướng thông minh, xanh, và bền vững. Đồng thời, giải quyết các vấn đề bất cập của quy hoạch chung trước đây.

Để đạt được mục tiêu này, quy hoạch cần xem xét tập trung bốn vấn đề trọng tâm, gồm: Phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật và giao thông; phát triển không gian đô thị xanh, thông minh; phát triển dịch vụ và công nghiệp chất lượng cao; giữ vững bản sắc văn hóa, lịch sử của thành phố.

Bí thư Thành ủy Biên Hòa cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của thành phố tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo để hoàn chỉnh đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Biên Hòa đến năm 2025.