Tại cuộc họp hôm nay, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai nhắc lại yêu cầu chủ đầu tư xây dựng lại đường găng giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình theo từng tuần, tháng, quý từ nay đến cuối năm 2024 để dễ theo dõi, đôn đốc tiến độ; đồng thời định kỳ hàng tuần họp kiểm tra, đôn đốc từng dự án. Chủ đầu tư nào không đạt tiến độ như cam kết, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ thực hiện kỷ luật theo quy định.
Những gam màu sáng-tối đan xen
Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên cho biết, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm tăng 7,37%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2023, cộng thêm thuận lợi thị trường xuất khẩu một số mặt hàng có dấu hiệu hồi phục.
Sản xuất nông, lâm và thủy sản trên địa bàn tương đối ổn định. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng 39,2 nghìn tỷ đồng, đạt 71% dự toán Trung ương giao và 70% dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Giá trị kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt trên 15,6 tỷ USD, tăng 8,6%; kim ngạch nhập khẩu đạt 11,3 tỷ USD, tăng 8,71% so với cùng kỳ. Đáng mừng là giá trị xuất siêu trên địa bàn tỉnh đạt trên 4,3 tỷ USD.
Thu hút vốn đầu tư vào Đồng Nai đạt kết quả rất khả quan, khi tới thời điểm này đã vượt xa kế hoạch ban đầu đề ra về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 1,089 tỷ USD, tăng 34% so với cùng kỳ; thu hút 7 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 35.175 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Đồng Nai vẫn giữ vững vị thế nhóm đầu cả nước về tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 106/120 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 30/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 57 khu dân cư kiểu mẫu và 1 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao.
Lĩnh vực văn hóa - xã hội - thể thao và du lịch có nhiều tiến bộ, cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân.
Quang cảnh cuộc họp. |
Bên cạnh kết quả tích cực đạt được, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh 8 tháng đầu năm vẫn còn những khó khăn, hạn chế kéo dài. Nổi lên là tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp, đạt 33,63% kế hoạch (thấp hơn bình quân cả nước) và tình trạng này đã lặp lại liên tục những năm gần đây. Tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm còn chậm so với mục tiêu đề ra, nhất là khâu giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.
Quá trình xây dựng nhà ở cho công nhân khu công nghiệp gặp phải một số rào cản do cơ chế, chính sách về phát triển nhà ở chưa thống nhất. Thực tế thực hiện nhiệm vụ đột phá còn chậm so với yêu cầu chương trình, kế hoạch đề ra ban đầu.
Việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, dự án bất động sản, triển khai các dự án đầu tư còn chậm.
Công tác phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện và gia tăng số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần gặp nhiều khó khăn. Tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện vẫn còn diễn ra ở một số đơn vị làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Liên quan sức khoẻ người dân, diễn biến dịch bệnh tay chân miệng có chiều hướng tăng. Bệnh dại, đậu mùa khỉ cũng khó lường, đặc biệt là “khuẩn ăn thịt người” đã ghi nhận xuất hiện ca nhiễm đầu tiên tại huyện Xuân Lộc.
Công tác phối hợp giữa các sở ngành, cơ quan, địa phương trong một số trường hợp còn chậm, hiệu quả chưa cao.
Giá trị sản xuất công nghiệp Đồng Nai tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. |
Cần thay đổi cách làm và hành động quyết liệt
Trước tình hình trên, tại cuộc họp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu các sở, ban, ngành và địa phương trực thuộc nỗ lực chuẩn bị tốt hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 9 này, nhằm sớm chủ động đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư tầm cỡ tìm, kiến tạo không gian phát triển mới, xứng tầm cho địa phương.
Đối với công tác giải ngân vốn đầu tư công, người đứng đầu chính quyền tỉnh lưu ý, ngay từ đầu năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị ký kết bản giao ước thi đua giữa các chủ đầu tư; chính quyền các huyện, thành phố, cam kết tỷ lệ giải ngân trong năm đạt tối thiểu 95% kế hoạch. Tuy nhiên, đi qua gần 2/3 thời gian, thực tế mới chỉ giải ngân được 1/3 và còn cách xa mục tiêu này, trong khi thời gian không còn nhiều, nhưng đòi hỏi khối lượng giải ngân còn lại rất lớn. Vấn đề này, Ủy ban nhân dân tỉnh đã họp giao ban công tác giải ngân đầu tư công định kỳ, thường xuyên và đã chỉ đạo cụ thể.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức đề nghị quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. |
Đối với việc triển khai các công trình trọng điểm, mặc dù tiến độ có chuyển biến, nhưng chưa đạt kỳ vọng, cần thực thi giải pháp quyết liệt hơn. Theo đó, đồng chí Võ Tấn Đức yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương hoàn chỉnh Đề án thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh trình Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước ngày 10/9/2024.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc từng địa phương rà soát bộ máy, con người, năng lực cán bộ để điều chỉnh cho phù hợp nhiệm vụ trong thời gian tới, lưu ý đặc biệt các địa phương có công trình trọng điểm quốc gia phải làm cho được việc này để đủ sức đảm đương nhiệm vụ. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát quy trình, thủ tục theo quy định Luật đất đai mới, hướng dẫn chuyển tiếp đảm bảo không ảnh hưởng tiến độ, đặc biệt công trình trọng điểm quốc gia.
Liên quan các dự án di dời khu công nghiệp Biên Hòa 1, xây dựng khu đô thị Hiệp Hòa, khu thương mại Hiệp Hòa, lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tập trung tối đa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ, trường hợp cần thiết có thể thành lập Ban Chỉ đạo để thúc đẩy công việc.
Đối với công tác chuẩn bị năm học mới, Sở Giáo dục và Đào tạo chuẩn bị kỹ, đầy đủ, chu đáo các điều kiện về mọi mặt để tổ chức tốt Lễ khai giảng ngày 5/9. Tiếp tục chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, với phương châm “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm; thầy cô giáo là động lực; nhà trường làm bệ đỡ; gia đình là điểm tựa; xã hội là nền tảng”. Cùng với đó, xây dựng chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp; nghiên cứu mô hình bán trú của các địa phương để xây dựng đề án, lộ trình bán trú cho học sinh trên trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn nhấn mạnh 7 nội dung cần thực hiện trong những tháng còn lại của năm 2024. Theo đó, yêu cầu tập trung chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ sắp tới, trong đó nội dung dự thảo văn kiện của tỉnh phải được xây dựng xong vào tháng 11/2024, do đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cần chỉ đạo các sở, ban, ngành quan tâm đánh giá, hoàn thiện báo cáo. Chuẩn bị tốt công tác diễn tập phòng thủ tỉnh vào tháng 11-2024.
Về thu ngân sách, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai cho rằng, Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tăng thu ngân sách năm 2024 tối thiểu là 10%, tuy nhiên, với tình hình xuất nhập khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp hiện nay thì điều này có khả năng thực hiện. Đề nghị chính quyền tỉnh rà soát, xác định lại chỉ tiêu tăng thu ở từng lĩnh vực.
Về giải ngân vốn đầu tư công, so với cả nước thì Đồng Nai hiện đang quá chậm, nguyên nhân ách tắc giải phóng mặt bằng. Do đó, tỉnh phải đặt quyết tâm giải ngân đạt 95% kế hoạch vốn trở lên, thực hiện quyết liệt khẩu lệnh hành động của Thủ tướng Chính phủ là “vượt nắng thắng mưa” “3 ca, 4 kíp”, “bàn làm không bàn lùi”.
Đối với công tác chuyển đổi số, Tỉnh ủy đã có nghị quyết chuyên đề, nhưng thực tế chưa tiến triển bao nhiêu. Đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh đánh giá lại cách làm, có thể giao nhiệm vụ cho sở chuyên ngành xây dựng lộ trình thực hiện, tránh tình trạng mỗi sở ngành làm mỗi kiểu.
Về phát triển doanh nghiệp, bên cạnh hơn 3,6 nghìn doanh nghiệp thành lập thì 8 tháng qua toàn tỉnh cũng giải thể và tạm dừng hoạt động hơn 2 nghìn doanh nghiệp. Đề nghị thống kê lại địa phương nào chưa có sức hút với các doanh nghiệp nhiều, từ đó, làm cơ sở đánh giá kết quả công tác chỉ đạo, điều hành vào cuối năm.