Phát huy thành quả 45 năm hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 đến 22/10.
0:00 / 0:00
0:00
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tháng 9/2018. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, tháng 9/2018. (Ảnh: VGP/Quang Hiếu)

Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh đặc biệt, nhân dịp 77 năm Liên hợp quốc được thành lập (1945-2022) và 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022). Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đồng chủ trì lễ kỷ niệm đánh dấu chặng đường 45 năm hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc.

Phản ánh khát vọng chung về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển, ngày 24/10/1945, Liên hợp quốc ra đời, với mục tiêu cao cả là duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tạo môi trường ổn định bền vững để hợp tác và phát triển trên toàn thế giới. Với những thành tựu nổi bật trên chặng đường 77 năm phát triển, Liên hợp quốc đã khẳng định vai trò hết sức quan trọng trong đời sống chính trị quốc tế, là nền tảng không thể thiếu của thế giới hòa bình, thịnh vượng, công bằng, hợp tác và phát triển. Liên hợp quốc đã trở thành tổ chức toàn cầu rộng rãi, với hệ thống toàn diện hoạt động trong nhiều lĩnh vực và giữ vai trò trung tâm thúc đẩy luật pháp quốc tế, gìn giữ hòa bình, ngăn ngừa xung đột và ứng phó thách thức toàn cầu.

Vai trò của Liên hợp quốc trong quản trị toàn cầu càng quan trọng và được đề cao trong bối cảnh mới, khi tình hình thế giới biến chuyển nhanh và khó lường, do tác động đa chiều của nhiều nhân tố, như đại dịch Covid-19 kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng mọi mặt đời sống quốc tế, cạnh tranh chiến lược, xung đột và căng thẳng tiếp diễn tại nhiều khu vực, thách thức an ninh phi truyền thống nổi lên gay gắt, nhất là tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng tồi tệ. Trong bối cảnh đó, Liên hợp quốc nhấn mạnh đề cao chủ nghĩa đa phương, củng cố hòa bình và an ninh, thúc đẩy hợp tác quốc tế thực hiện các cam kết và thỏa thuận, trong đó có Chương trình nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững.

Việt Nam bày tỏ nguyện vọng tham gia Liên hợp quốc ngay khi giành độc lập năm 1945 và đã vượt qua bao thử thách khắc nghiệt, nỗ lực vì khát vọng thiêng liêng của dân tộc và mục tiêu chung của Liên hợp quốc, đó là hòa bình, quyền tự quyết, bình đẳng cho mọi dân tộc. Việc Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc ngày 20/9/1977 đánh dấu sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ.

Trên chặng đường 45 năm qua, Việt Nam luôn coi hợp tác với Liên hợp quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại, là phương thức hiệu quả thể hiện Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Đề cao vai trò của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, quan hệ bình đẳng, hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia vì hòa bình và phát triển toàn cầu, Việt Nam đã tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm và đóng góp thực chất, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực hoạt động chủ chốt của Liên hợp quốc và để lại những dấu ấn quan trọng. Ghi nhận những đóng góp thực chất và hiệu quả, tin tưởng và dành tín nhiệm cao với Việt Nam, bạn bè quốc tế đã bầu chọn Việt Nam vào nhiều vị trí quan trọng tại Liên hợp quốc.

Hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc trong 45 năm qua góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng, làm sâu sắc quan hệ của Việt Nam với các nước, các đối tác chủ chốt và bạn bè, đồng thời tranh thủ nguồn lực quan trọng từ bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển đất nước.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thăm chính thức Việt Nam đúng dịp kỷ niệm 45 năm hợp tác Việt Nam-Liên hợp quốc, sau khi Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và vừa trúng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Chuyến thăm thể hiện Liên hợp quốc coi trọng hợp tác với Việt Nam, vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các diễn đàn đa phương, ghi nhận những thành tựu quan trọng về đổi mới, phát triển cũng như vị thế của Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm, đóng góp có hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế.

Đón tiếp Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm chính thức, Việt Nam tiếp tục khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng và có hiệu quả. Đây là bước tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII và Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương, nhất là tại Liên hợp quốc.

Chúc chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres thành công tốt đẹp, góp phần khẳng định và phát huy thành quả hợp tác tốt đẹp, thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam-Liên hợp quốc tiếp tục đi vào chiều sâu, hiệu quả, đóng góp cho hòa bình, an ninh, hợp tác và phát triển trên thế giới.