Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả của Việt Nam; đồng thời đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương với các đối tác.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là Mông Cổ. Đây là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Mông Cổ của Chủ tịch nước Việt Nam sau 16 năm, diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng khi hai nước kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Thời gian qua, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Mông Cổ nhiều lần khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu tại khu vực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, triển khai nhiều cơ chế hợp tác song phương, cũng như phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Về hợp tác kinh tế, kim ngạch thương mại song phương đạt 65,5 triệu USD trong bảy tháng đầu năm 2024. Hai nước thường xuyên duy trì cơ chế họp Ủy ban liên Chính phủ về thương mại, kinh tế và khoa học kỹ thuật, với kỳ họp gần nhất được tổ chức tại Mông Cổ vào năm 2022. Ngoài ra, hợp tác văn hóa, du lịch, giáo dục và giao lưu nhân dân đều có bước tiến, nổi bật là việc hai bên ký Hiệp định miễn thị thực cho công dân mỗi nước mang hộ chiếu phổ thông, qua đó góp phần tăng cường hoạt động giao lưu nhân dân.
Trên cơ sở nền tảng quan hệ tốt đẹp, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mông Cổ tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị với các nước bạn bè truyền thống, trong đó có Mông Cổ; đồng thời thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, phù hợp tình hình mới.
Với Ireland, chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên tới Ireland của Chủ tịch nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1996. Với sự vun đắp bền bỉ của các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước, thời gian qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ireland phát triển tích cực. Hai bên duy trì trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp, đồng thời phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.
Vượt qua sự xa cách về mặt địa lý, hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Ireland gặt hái nhiều thành quả tích cực. Ireland là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam tại thị trường Liên minh châu Âu (EU), với tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 2,73 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm 2024. Ireland hiện có 41 dự án đầu tư tại Việt Nam. Về hợp tác phát triển, Ireland coi Việt Nam là đối tác ưu tiên trong chính sách hợp tác phát triển, tập trung vào các lĩnh vực giáo dục, bình đẳng giới, ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ người dân tộc thiểu số. Ireland duy trì cung cấp ODA không hoàn lại cho Việt Nam trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, giáo dục-đào tạo, hỗ trợ người khuyết tật, rà phá bom mìn. Hợp tác nông nghiệp, giáo dục được hai nước triển khai tích cực, đạt nhiều kết quả.
Phát huy những thành quả hợp tác đã đạt được thời gian qua, chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Ireland góp phần nâng cao tin cậy chính trị và củng cố quan hệ hữu nghị song phương, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, nhất là trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục-đào tạo, nông nghiệp.
Một trong những điểm nhấn trong chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là chuyến tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19. Thời gian qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và cộng đồng Pháp ngữ tiếp tục phát triển tốt đẹp. Về chính trị, ngoại giao, cộng đồng Pháp ngữ coi trọng vai trò và những đóng góp của Việt Nam, xem Việt Nam như hình mẫu về phát triển kinh tế, xã hội và luôn lấy Việt Nam làm trung tâm trong các hoạt động hợp tác Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Về kinh tế, thương mại, với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên, quy mô dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% GDP và 20% thương mại toàn cầu, cộng đồng Pháp ngữ còn nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, chuyển đổi số.
Chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhằm tiếp tục khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên chủ chốt của cộng đồng Pháp ngữ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương; đồng thời gửi đi thông điệp về sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của Việt Nam vào các hoạt động của cộng đồng Pháp ngữ nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung, góp phần tăng cường, củng cố chủ nghĩa đa phương, hợp tác và đoàn kết quốc tế.
Trong khuôn khổ chuyến công tác lần này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm, nhằm đưa quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước đi vào chiều sâu, thiết thực; thúc đẩy hơn nữa hợp tác song phương trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, hợp tác địa phương; đồng thời tăng cường hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao nhân dân.
Thời gian qua, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp ghi nhận nhiều thành quả tích cực, với trụ cột quan trọng là hợp tác về kinh tế, thương mại. Pháp hiện là một trong những đối tác thương mại hàng đầu, nhà đầu tư và nhà viện trợ ODA lớn trong EU của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua và đạt 2,96 tỷ USD trong bảy tháng đầu năm 2024. Với hơn 300.000 người, cộng đồng người Việt Nam tại Pháp là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất châu Âu, là nhịp cầu nối quan trọng đưa quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực.
Chúc chuyến công tác của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm cấp Nhà nước đến Mông Cổ, Ireland, tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp thành công tốt đẹp, mở ra những chân trời hợp tác mới, ngày càng rực rỡ giữa Việt Nam với Mông Cổ, Ireland, Pháp cũng như cộng đồng Pháp ngữ.