Xung lực mới cho quan hệ giữa Việt Nam với Chile, Peru và hợp tác APEC

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Chile Gabriel Boric Font và Tổng thống Cộng hòa Peru Dina Ercilia Boluarte Zegarra, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile, thăm chính thức Cộng hòa Peru và tham dự Tuần lễ cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) năm 2024 tại thủ đô Lima của Peru.
0:00 / 0:00
0:00

Ngày 25/3/1971, Việt Nam và Chile thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua chặng đường hơn 50 năm, hợp tác đạt nhiều kết quả tích cực, nhất là sau khi hai nước thiết lập quan hệ Ðối tác toàn diện vào tháng 5/2007. Chile coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Hai bên duy trì thường xuyên hoạt động trao đổi đoàn.

Chile là nước đầu tiên ở Mỹ Latin ký Hiệp định thương mại tự do song phương với Việt Nam (năm 2014) và hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam tại khu vực. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile trong ASEAN. Hai nước cùng tham gia Hiệp định Ðối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); phối hợp tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương, trong đó có APEC.

Ngày 14/11/2024 đánh dấu tròn 30 năm Việt Nam và Peru thiết lập quan hệ ngoại giao và quan hệ hai nước tiếp tục đà phát triển tích cực. Lãnh đạo hai nước thường xuyên tiếp xúc, trao đổi nhân dịp tham dự các hội nghị quốc tế. Hai nước duy trì các cơ chế hợp tác song phương như Tham khảo chính trị và Ủy ban liên Chính phủ.

Từ khi tham gia APEC năm 1998, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện Peru là nước có đầu tư của Việt Nam lớn nhất ở Mỹ Latin, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ sáu của Việt Nam tại khu vực, trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Peru trong ASEAN. Hai bên cùng là thành viên CPTPP, phối hợp tại các tổ chức, diễn đàn đa phương và quốc tế.

Năm 2024 cũng là năm có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu chặng đường 35 năm APEC hình thành và phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế là cơ chế hợp tác kinh tế liên khu vực hàng đầu với nội dung đa dạng và toàn diện. Những năm gần đây, APEC xác định tầm nhìn về phát triển kinh tế cân bằng, bền vững và bao trùm hơn. Với chủ đề Năm APEC 2024 là “Trao quyền. Bao trùm. Tăng trưởng”, chủ nhà Peru tiếp tục đề cao tăng trưởng bao trùm, bảo đảm mọi người dân đều được tiếp cận và hưởng lợi từ các chương trình hợp tác của APEC.

Từ khi tham gia APEC năm 1998, Việt Nam đã đóng góp tích cực, chủ động, góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác, liên kết kinh tế khu vực, duy trì vai trò của APEC là cơ chế liên kết kinh tế hàng đầu tại châu Á-Thái Bình Dương.

Việt Nam là một trong số không nhiều thành viên đã hai lần đảm nhiệm thành công vai trò chủ nhà APEC (năm 2006 và 2017); là một trong những thành viên tích cực nhất trong đề xuất sáng kiến và dự án hợp tác APEC. Việt Nam cũng có nhiều đóng góp trong công tác điều hành hoạt động của APEC thông qua đảm nhiệm các vị trí Giám đốc điều hành Ban Thư ký APEC, Chủ tịch và Phó Chủ tịch tại nhiều Ủy ban và Nhóm công tác chủ chốt của APEC.

Ðược thực hiện trong bối cảnh hợp tác Việt Nam-Chile phát triển tích cực, đúng dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Peru, chuyến thăm chính thức Chile và Peru của Chủ tịch nước Lương Cường và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa quan trọng, góp phần tạo những xung lực mới và mạnh mẽ để đưa quan hệ Ðối tác toàn diện Việt Nam-Chile và quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Peru bước vào giai đoạn phát triển mới năng động, thực chất và hiệu quả, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân mỗi nước. Ðây cũng là chuyến thăm cấp cao nhất của lãnh đạo Việt Nam đến Nam Mỹ trong năm 2024, qua đó tiếp tục củng cố quan hệ của Việt Nam với khu vực.

Tiếp tục khẳng định và triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng và nâng tầm đối ngoại đa phương, chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường và Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 thể hiện sự tham gia tích cực, chủ động, có trách nhiệm của Việt Nam tại APEC, hướng đến đảm nhiệm cương vị chủ nhà APEC năm 2027.

Chúc chuyến công tác của Chủ tịch nước Lương Cường dẫn đầu Ðoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Chile và Cộng hòa Peru, tham dự Tuần lễ cấp cao APEC năm 2024 tại Lima thành công tốt đẹp, góp phần thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với Chile và Peru đi vào chiều sâu, thiết thực hơn nữa, đồng thời tăng cường đóng góp của Việt Nam thúc đẩy hòa bình, hợp tác, liên kết kinh tế và kết nối khu vực.