Phát huy nội lực ở một vùng quê

Xuất phát điểm là xã quy mô nhỏ, lại xa trung tâm huyện, để bứt phá vươn lên, xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) đã phát huy mạnh mẽ nội lực, nhân lên khát vọng phát triển, trở thành xã đầu tiên của tỉnh Thái Bình được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh khu trung tâm xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chụp từ trên cao.
Toàn cảnh khu trung tâm xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) chụp từ trên cao.

Đi trên con đường trải nhựa phẳng lỳ ngay trước mặt trụ sở Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã An Thái, Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Hữu Hoàng cho biết: “Chúng tôi tự hào về bộ mặt nông thôn mới hiện nay. Hiếm có xã nào được quy hoạch đồng bộ như nơi đây.

Ở khu trung tâm xã, ngoài trụ sở của cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể, chúng tôi thiết kế hồ điều hòa, sân thể thao và khu vườn tạo không gian thoáng mát, có điểm nhấn cho người dân, nhất là trẻ em tới vui chơi hay vận động, tập thể dục, dưỡng sinh hay nhảy dân vũ”.

Trước kia, các tuyến đường thôn ở An Thái theo tiêu chí nông thôn mới đều rộng khoảng 4m, nhưng để phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thì hiện nay được mở rộng thành 7m để hai xe ô-tô có thể tránh nhau dễ dàng. Cùng với đó, các tuyến đường nội đồng được mở rộng thành 5m để đưa máy móc vào đồng ruộng.

Những thành quả có được hiện nay của địa phương chính là đã hiện thực hóa Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Quỳnh Phụ lần thứ 16, nhiệm kỳ 2020-2025; trong đó, xác định một trong những đột phá chiến lược là: “Hoàn thiện hệ thống giao thông và phát triển nhanh đô thị”.

An Thái ngay từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng đã triển khai nhiệm vụ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, bảo đảm khoa học, có tầm nhìn, phù hợp thực tế và định hướng phát triển. Cũng từ việc thực hiện tốt nhiệm vụ quy hoạch, An Thái đã hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng 2 khu dân cư.

Với tư duy: “Đường mở tới đâu, dân giàu tới đó”, An Thái khát khao hoàn thiện hệ thống giao thông hiện đại. An Thái cũng trở thành một trong những xã điểm của huyện vận động nhân dân hiến đất.

Bí thư Chi bộ thôn Hạ Nguyễn Văn Khuyến cho biết: Thôn Hạ là thôn tiên phong của toàn xã thực hiện Thông báo kết luận 220 của Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳnh Phụ về vận động nhân dân tự nguyện hiến đất làm đường. Năm 2021, tuyến đường ĐH 76 qua trung tâm xã được đầu tư, nâng cấp, có tổng chiều dài 1,7 km.

Phát huy nội lực ở một vùng quê ảnh 1

Khu vui chơi Vườn cổ tích tạo điểm nhấn ấn tượng ngày tại trung tâm xã An Thái (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình).

Diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 900 m2 đất ở của 74 hộ dân, trong đó, riêng thôn Hạ có 45 hộ bị ảnh hưởng bởi dự án, diện tích đất thu hồi khoảng 300 m2. Điều đáng nói, chỉ sau 3 ngày, huyện, xã triển khai phương án giải phóng mặt bằng đã nhận được sự đồng tình và tự nguyện hiến đất của tất cả 45 gia đình có đất ở.

Bà Nguyễn Thị Mý (74 tuổi), đảng viên 50 năm tuổi đảng là gia đình đầu tiên đồng thuận hiến hơn 50m2 đất thổ cư. Tiếp tục hưởng ứng phong trào này, gia đình anh Nguyễn Xuân Huy, chị Nguyễn Thị Thanh cũng sẵn sàng cắt một phần diện tích nhà ở đã xây kiên cố từ năm 2020 để hiến cho huyện làm đường giao thông.

Ở thôn Hạ, nhiều người vẫn biết đến việc làm rất ý nghĩa của ông Nguyễn Văn Giớp khi tự nguyện hiến hơn 735 m2 đất canh tác; ông Nguyễn Văn Vũ hiến 382 m2 đất canh tác…

Trong hơn 3 năm qua, tại xã An Thái có 668 hộ gia đình hiến hơn 41.000 m2 đất thổ cư và đất nông nghiệp, với trị giá hơn 40 tỷ đồng. Phong trào lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân, từ những đảng viên cao tuổi, các gia đình chính sách, các thương bệnh binh, những hộ kinh doanh; đến những gia đình hoàn cảnh rất khó khăn, sống nhờ vào sự trợ giúp của xã hội. Nhiều tuyến đường, nhân dân còn tự nguyện hiến tài sản hình thành trên đất hợp pháp mà không nhận tiền đền bù, hỗ trợ của Nhà nước.

Ông Đoàn Đức Hợp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã An Thái cho biết: Dù là góp hàng trăm mét vuông đất thổ cư với giá trị hàng tỷ đồng, hoặc cắt bỏ một phần ngôi nhà kiên cố, hay tặng, cho Nhà nước 700-800 m2 đất nông nghiệp để làm đường, người dân cũng rất sẵn lòng. Sự quyết tâm, đồng thuận cao của nhân dân đã tạo điều kiện để thời gian giải phóng mặt bằng được rút ngắn, chi phí thực hiện dự án được tiết kiệm; các công trình thi công bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Đến nay, các tuyến đường trục xã và đường huyện qua địa bàn xã đều đã hoàn thiện, bảo đảm bề rộng mặt đường khoảng 7m, có rãnh chịu lực, vỉa hè, lắp đặt hệ thống chiếu sáng.

Lĩnh vực được địa phương ưu tiên là đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, nhưng không phải “đập đi xây mới” mà tu sửa, cải tạo, nâng cấp các phòng học, phòng chức năng bảo đảm quy chuẩn. Bằng cách làm này, An Thái đã tu sửa trường mầm non trên tổng diện tích 3.628 m2. Tương tự như vậy, các phòng học của trường tiểu học và trung học cơ sở cũng được thực hiện theo phương châm nâng cấp, cải tạo.

Cách làm này vừa tiết kiệm kinh phí, nhưng vẫn đáp ứng đúng yêu cầu của việc dạy và học hiện nay. Có dịp ghé thăm các lớp học ở An Thái, nhiều người rất bất ngờ bởi thiết bị phục vụ dạy, học được đầu tư hiện đại đáp ứng yêu cầu trường học thông minh.

Giáo viên chủ động thiết kế giáo án, đa dạng hóa các tiết học, minh họa trên bảng điện tử, ti-vi thông minh để học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Trong nhiều năm qua, chất lượng giáo dục toàn diện luôn được giữ vững. Riêng thành tích về số học sinh giỏi tỉnh, huyện; tỷ lệ học sinh thi đỗ vào lớp 10 THPT luôn nằm trong tốp đầu của huyện.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quỳnh Phụ Nguyễn Văn Nhiễm, An Thái đang là hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới của địa phương. Ngoài sự chung tay hỗ trợ, tiếp sức của tỉnh, của huyện, có thể thấy đạt được thành quả quan trọng như hiện nay chính là ý chí tự lực, tự cường, đổi mới và sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã An Thái.

Về An Thái hôm nay, mỗi người đều cảm nhận sự đổi thay vượt bậc: Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 75 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo tiếp cận đa chiều chỉ còn dưới 0,1%.