Thành phố Hà Nội vừa mới đưa Cung Thiếu nhi vào hoạt động chính thức. Đây là một thiết chế văn hóa mới, được đầu tư bài bản, đồng bộ, hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu học tập, sinh hoạt văn hóa, phát triển tài năng nghệ thuật của thiếu nhi Thủ đô.
Khởi công từ tháng 11/2021, sau hơn hai năm xây dựng, công trình đã hoàn tất với tổng mức đầu tư 1.376 tỷ đồng.
Công trình gồm hai khối nhà, trong đó khối nhà A có nhà hát, rạp phim, câu lạc bộ nghệ thuật. Khối nhà B có thư viện, tháp thiên văn, nhà thi đấu, bể bơi...
Dự án được thiết kế theo chủ đề “Ươm mầm và Phát triển” với hai tòa nhà lớn hình tròn làm trung tâm, tạo nên hình dáng tổng thể mềm mại, liền khối với nhiều ý tưởng thiết kế mới lạ, độc đáo, gần gũi với thiên nhiên để vừa phù hợp với thiếu nhi, vừa mang tính giáo dục cao. Công trình thể hiện sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền thành phố đối với thế hệ trẻ và là một trong nhiều thiết chế văn hóa hiện đại cấp thành phố.
Dân vận khéo để xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, thành phố có hơn 380 công trình, điểm sinh hoạt văn hóa thể thao.
Trong đó, Ủy ban nhân dân thành phố quản lý trực tiếp 1 thiết chế; các sở, ban, ngành, đoàn thể quản lý 350 thiết chế, điểm sinh hoạt văn hóa thể thao; Sở Văn hóa và Thể thao quản lý 27 thiết chế, công trình văn hóa, thể thao.
Cấp huyện có 84 thiết chế văn hóa, thể thao tại 30 quận, huyện, thị xã.
Cấp xã có tổng số 125 xã, phường, thị trấn có công trình Trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã (đạt tỷ lệ 21,2%).
Có 4.656/5.476 thôn, tổ dân phố (2.362 thôn, 3.114 tổ dân phố) có Nhà văn hóa/điểm sinh hoạt cộng đồng của thôn, tổ dân phố, đạt tỷ lệ 85,0%.
Trong đó có 2.328 nhà văn hóa thôn (đạt 98,6 %); 2.328 nhà văn hóa, điểm sinh hoạt tổ dân phố (đạt 74,8%).
Từ thực tiễn hoạt động của hệ thống Nhà văn hóa các cấp, bên cạnh tiếp tục xây mới, nâng cấp những thiết chế văn hóa lớn phục vụ cho các hoạt động của thành phố, các quận, huyện, thị xã, thành phố chú trọng “đưa văn hóa thông tin về cơ sở”, tạo môi trường để đông đảo quần chúng nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật do đó, thành phố tập trung xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở, nhất là tập trung xây dựng nhà văn hóa ở cơ sở.
Nhiều huyện ngoại thành gặp khó khăn trong xây dựng đời sống văn hóa, thiếu thiết chế văn hóa thì nay cũng đã “phủ sóng” gần như toàn bộ nhà văn hóa ở cơ sở, điển hình như Ứng Hoà, Thạch Thất, Sóc Sơn…
Riêng với huyện Ba Vì, nhờ có chính sách khuyến khích các địa phương trong thành phố hỗ trợ các xã, thôn còn khó khăn xây dựng nhà văn hóa mà toàn huyện hiện có 175 nhà văn hóa cấp thôn bản. Nhà văn hóa trở thành nơi sinh hoạt cộng đồng, bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Ba Vì.
Bà Nguyễn Thị Duyên, Đội trưởng Đội bảo tồn văn hóa dân tộc Mường xã Vân Hòa cho biết: Nhờ có nhà văn hóa mà đội chiêng của các thôn có điều kiện luyện tập thường xuyên. Chúng tôi có cả đội chiêng của xã và của các thôn. Vào những ngày lễ, Tết, các đội sẽ biểu diễn tại thôn và tham gia các chương trình biểu diễn của xã và huyện. Các thành viên đội chiêng của các thôn đều là những người yêu văn hóa dân tộc”.
Tại huyện Sóc Sơn, có những địa bàn rộng như xã Mai Đình, toàn xã có tới 15 nhà văn hóa. Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, Bí thư Chi bộ thôn Ấp Cút (xã Mai Đình) Nguyễn Văn Vũ cho biết, nhà văn hóa thôn sau khi được cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở hạ tầng đã trở thành địa chỉ văn hóa, thể thao cho người dân của thôn. Từ 16 giờ đến 19 giờ, người dân trong thôn đến nhà văn hóa sinh hoạt cộng đồng rất đông. Đáng chú ý, tủ sách cộng đồng đã thu hút nhiều thiếu nhi đến đọc sách, giải trí.
Nhiều địa bàn thành lập Ban chủ nhiệm nhà văn hóa để thực hiện công tác quản lý, thành lập các Câu lạc bộ để tập hợp, thu hút quần chúng nhân dân, điển hình như các quận, huyện: Long Biên, Đông Anh, Đan Phượng, Hà Đông…
Để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân Thủ đô, thúc đẩy phát triển có hiệu quả các hoạt động, các phong trào văn hóa trên địa bàn Thủ đô, Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2024/NQ-NĐND ngày 29/3/2024 quy định một số nội dung chi, mức chi hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa thể thao cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Đây là cơ sở để các hoạt động văn hóa, thể thao tại cộng đồng dân cư càng trở nên phong phú, sinh động hơn, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh trong các tầng lớp nhân dân.