Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Gia Lâm Dương Viết Cường cho biết, ngay từ đầu năm 2024, Huyện ủy, UBND huyện đã ban hành các chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử.
Điển hình như Kế hoạch số 176-KH/HU ngày 25/01/2024 của Huyện ủy Gia Lâm về việc triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” huyện Gia Lâm giai đoạn 2024-2025; Kế hoạch số 131/KH-UBND ngày 28/3/2024 của UBND huyện Gia Lâm về việc thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… Từ chỉ đạo của Huyện ủy, UBND, các ngành, đoàn thể phòng ban và 100% xã, thị trấn đều xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn.
Với sự quan tâm sâu sát của cấp ủy, chính quyền, việc triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trên địa bàn thành phố, Quy tắc ứng xử nơi công cộng được triển khai bài bản, sáng tạo ở các phòng, ban, các địa phương.
Trong đó, sôi nổi nhất là các hoạt động tuyên truyền, tổ chức thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Huyện in 164 bảng Quy tắc ứng xử nơi công cộng và phát trong tháng 5/2024 để niêm yết tại các Nhà văn hóa thôn, Tổ dân phố, Nhà sinh hoạt cộng đồng. 100% các di tích cũng được niêm yết Quy tắc ứng xử ở những vị trí trang trọng, dễ thấy để mọi người biết và thực hiện.
Nhân rộng những cách làm hay trong thực hiện các quy tắc ứng xử
Năm 2024, triển khai Nghị định Nghị định 61/2023/NĐ-CP ngày 16/8/2023 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư, 164 thôn, tổ dân phố thuộc 22 xã, thị trấn trên địa rà soát lại hương ước, quy ước, sửa đổi, bổ sung 52 hương ước, quy ước của các thôn đã thực hiện sửa đổi bổ sung một số nội dung.
Trong đó, các hương ước, quy ước đều được sửa đổi gắn với các nội dung trọng tâm: Thực hiện Quy tắc ứng xử, Xây dựng nếp sống văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở... Điều này giúp việc triển khai Quy tắc ứng xử trở nên thuận lợi hơn.
Xác định xây dựng văn hóa người Hà Nội là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nên các ban, ngành, đoàn thể cũng tích cực tham gia với nhiều hình thức phong phú, sinh động. Điển hình trong đó là Hội Liên hiệp Phụ nữ triển khai cuộc vận động “Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp” gắn với thực hiện Quy tắc ứng xử của UBND thành phố với một số trọng tâm như: Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện văn minh nơi thờ tự; vận động phụ nữ bán hàng ở các chợ dân sinh thực hiện các hoạt động xây dựng chợ an toàn, văn minh... Đặc biệt, chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Gia Lâm đã triển khai hàng loạt tuyến đường nở hoa, đường bích họa, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp. Chị em phối hợp duy trì 44 khu dân cư “Sáng xanh-sạch đẹp-an toàn-văn minh”.
Toàn địa bàn huyện triển khai duy trì Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn tại 47 di tích, cụm di tích, thực hiện mới tại 38 di tích. Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện triển khai thực hiện và duy trì 5 mô hình “Danh lam thắng cảnh/di tích lịch sử kiểu mẫu” trong năm 2024.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Gia Lâm Vũ Lan Anh cho biết, hiện các di tích như: Khu di tích thờ Hoàng Thái hậu Ỷ Lan (xã Dương Xá), Di tích quốc gia đặc biệt Đền Phù Đổng (xã Phù Đổng), điểm du lịch làng gốm Bát Tràng, chị em phụ nữ đã xây dựng được đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tại điểm là cán bộ, hội viên phụ nữ của chính địa phương nơi có khu di tích, danh lam thắng cảnh. Các chị sẽ thay nhau thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn viên cho các đoàn khách khi đến tham quan, chiêm bái khu di tích.
Hội Nông dân Huyện tổ chức tuyên truyền lồng ghép các nội dung tuyên truyền Quy tắc ứng xử trong các hoạt động của Hội. Thí dụ như xây dựng, gắn biển 7 tuyến đường nông dân kiểu mẫu dài 2270m, gồm 221 cây trị giá 176,5 triệu đồng; trồng, gắn biển 15 Hàng cây nông dân tổng chiều dài 4790m, với 488 cây, trị giá 318,15 triệu đồng…
Ngoài ra, Gia Lâm cũng triển khai mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung tại các chung cư tại Khu đô thị Đặng Xá, thị trấn Trâu Quỳ…
Việc thực hiện Quy tắc ứng xử đã góp phần thay đổi nếp sống văn hóa của cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện Gia Lâm. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm Dương Viết Cường, thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền Quy tắc bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng: hệ thống phát thanh, truyền thanh, truyền hình, phóng sự, facebook, zalo, youtube, treo bảng quy tắc, thiết kế tờ rơi; đồng thời, tiếp tục triển khai và thực hiện có hiệu quả các mô hình thực hiện Quy tắc ứng xử; tổ chức cuộc thi phát hiện các sáng kiến, mô hình mới trong việc thực hiện Quy tắc và nhân rộng thực hiện.