Đi tìm hình ảnh quá khứ huy hoàng
Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã giao Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Đề án “Nghiên cứu khu di tích khảo cổ học Óc Eo-Ba Thê, Nền Chùa (văn hóa Óc Eo Nam Bộ)”. Đề án được thực hiện từ năm 2017-2021 nhằm làm rõ lịch sử của văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam, nghiên cứu sâu hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đô thị cổ Óc Eo trong lịch sử Việt Nam, Đông Nam Á và châu Á.
Kết quả khai quật và nghiên cứu đã làm rõ Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa là một phức hợp đô thị cổ, có vai trò quan trọng trong sự hình thành, phát triển vương quốc Phù Nam (từ đầu Công nguyên đến thế kỷ 7). Quốc gia cổ này hình thành trên nền tảng truyền thống bản địa có mối quan hệ giao thương khá rộng trên con đường hải thương quốc tế. Các di vật, hiện vật ở Óc Eo-Ba Thê chứa đựng những giá trị đặc sắc của một nền văn minh bản địa kết hợp văn minh Ấn Độ cổ đại, tạo nên nền văn hóa Óc Eo, tạo nền tảng cho sự phát triển sớm nhất, tiêu biểu nhất của vương quốc Phù Nam.
Các tài liệu khoa học cho thấy, trong không gian tương đối tách biệt, tính bản địa của văn hóa Óc Eo đến “hậu Óc Eo” được hình thành trong quá trình vận động và phát triển lâu dài khoảng 10 thế kỷ-từ thế kỷ 2-1 trước Công nguyên đến khoảng thế kỷ thứ 8-9 sau Công nguyên. Tính bản địa đó thể hiện qua các công cụ làm gốm, đồ gỗ, đá, kỹ thuật xây dựng kiến trúc tôn giáo, kiểu nhà ở, hình thức chôn cất người chết... Nhiều hiện vật thể hiện trình độ nghệ thuật cao như tượng Phật bằng gỗ, các bức tượng bằng sa thạch, sản phẩm gốm có họa tiết, phiến đá có chạm trổ hoa văn, khắc chữ cổ… Dấu vết những chiếc cột, xà, lan-can bằng gỗ cùng với nhiều dấu vết gỗ phân hủy trên cánh đồng Óc Eo thể hiện rõ hình thức cư trú truyền thống của cư dân Óc Eo xưa. Họ định cư chủ yếu trên nhà sàn gỗ quanh các gò đất cao ở chân núi. Họ đã đào và lấp nhiều kênh mương để khai thác đất trồng trọt theo mùa vụ. Trên các gò cao, sườn núi thường có các công trình kiến trúc tôn giáo, nơi ở của tăng lữ, quý tộc bằng gạch, đá, gỗ. Họ di chuyển bằng thuyền, bè, xuồng theo kênh rạch hoặc ra biển, mang theo những vật dụng cần thiết cho cuộc sống sông nước như bếp nấu ăn, bình uống nước bằng gốm, lưới đánh cá.
Đời sống cư dân Óc Eo gắn liền với môi trường sông và ven biển. Quá trình biển xâm thực trong khoảng thế kỷ 7-8 đã nhấn chìm đất canh tác, bồi lấp kênh rạch, phá hủy các khu dân cư, cơ sở sản xuất, kiến trúc đền đài (những tinh thể muối còn đọng lại trong nhiều lớp gạch của khu di tích Gò Cây Thị đã chứng minh điều đó). Cùng với sự dịch chuyển của con đường hàng hải từ Óc Eo đến Palembang-kinh đô của vương quốc cổ Srivijaya (thuộc Sumatra, Indonesia) từ thế kỷ thứ 7, đô thị cổ Óc Eo mất dần vị trí trung tâm trung chuyển trọng yếu. Môi trường thiên nhiên biến đổi và những biến động của lịch sử khiến đô thị cổ Óc Eo suy tàn. Trải qua nhiều biến động của đời sống xã hội và cả chiến tranh, cư dân sau này trong vùng di sản đã xây trùm lên di tích nhiều công trình kiến trúc, mồ mả, khu sản xuất… Nhiều di tích cổ đã bị chôn vùi hoặc bị phá hủy.
Một vùng đô thị phát triển rực rỡ trong quá khứ
Óc Eo-Ba Thê là điểm trung chuyển chính giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương qua eo biển Kra ở miền nam Thailand thời bấy giờ. Những thế kỷ đầu Công nguyên, Óc Eo-Ba Thê đã nổi lên như một khu vực có trình độ sản xuất và thương mại phát triển, nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông. Đô thị cổ Óc Eo với những xưởng thủ công lớn, trình độ kỹ thuật cao, vừa đa ngành, vừa chuyên môn hóa, đặc biệt là kim hoàn, chế tác thủy tinh, đá quý... Sản phẩm ở đây đã được tiêu thụ sang các nước, vùng, lãnh thổ mà ngày nay là Nam Thailand, Bắc Malaysia, Java, miền trung Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc... Đây cũng là điểm giao thoa, tiếp biến văn hóa, khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, tôn giáo, chữ viết... với các quốc gia cổ có nguồn gốc từ Ấn Độ và các quốc gia khác ở Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương thông qua các sản phẩm thương mại và quan hệ quốc tế trong thời kỳ hưng thịnh của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 2 đến thế kỷ thứ 7.
Hàng triệu mảnh gốm tìm thấy trong các hố khai quật, được xử lý sơ bộ đã hé lộ những bí ẩn của mạng lưới thương mại hàng hải thời bấy giờ mà đô thị cổ này có vai trò rất quan trọng, như một điểm dừng chân trong các chuyến hải trình Đông-Tây thời bấy giờ. PGS, TS Bùi Minh Trí đã phát hiện ra nhiều đồ gốm nước ngoài trong các sưu tập đồ gốm Óc Eo, đặc biệt là những đồ gốm mới được tìm thấy tại các di tích Nền Chùa, Lung Lớn và Gò Giồng Cát. Đó là những đồ gốm có nguồn gốc từ La Mã (thế kỷ 2), Ấn Độ (thế kỷ 1-6), Trung Quốc (thế kỷ 2-7) và Tây Á (thế kỷ 8). Theo GS Nguyễn Văn Kim, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: “Các phát hiện khoa học đó là những minh chứng tin cậy, sát thực về vai trò, năng lực kết tụ, truyền phát cũng như chất biển, tư duy hướng biển, tính chất thương nghiệp điển hình của trung tâm kinh tế-văn hóa Óc Eo và vương quốc Phù Nam”.
Kỳ vọng ghi danh di sản thế giới
Năm 2012, di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, được xác định phạm vi bảo vệ để bảo tồn và phát huy giá trị theo “Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê”, được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 115/QĐ-TTg ngày 23/01/2021. Ngày 18/10/2021, Văn phòng Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam gửi Báo cáo tóm tắt Hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO để đề nghị đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới. Ngày 27/12/2021, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đã có công hàm chính thức đệ trình UNESCO về báo cáo này. Cho đến ngày 4/1 năm nay, UNESCO đã chính thức đưa hồ sơ Khu Di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới.
Năm 2021, tỉnh An Giang có hai hiện vật thuộc Quần thể di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo-Ba Thê được công nhận bảo vật quốc gia. Đó là Nhẫn Nandin Giồng Cát bằng vàng có niên đại thế kỷ 5, phát hiện trong cuộc khai quật năm 2018 tại di tích Gò Giồng Cát; và Phù điêu Phật Linh Sơn Bắc bằng đá granite có niên đại thế kỷ 3-4, phát hiện khi khai quật khảo cổ ở di tích Linh Sơn Bắc năm 2019.
Tại Hội thảo khoa học tại Hà Nội, ngày 25/3, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cũng giới thiệu cuốn sách “Văn hóa Óc Eo-Những phát hiện mới khảo cổ học tại di tích Óc Eo-Ba Thê và Nền Chùa 2017-2020”. Với 360 trang sách, ngoài các bản vẽ, ảnh di tích và hiện vật khảo cổ học còn có nhiều bức không ảnh chụp các địa điểm khảo cổ học thuộc Đề án, các mô hình 3D di tích được phục dựng từ kết quả nghiên cứu so sánh.